Thân thế
Lê Tuấn Mậu (chữ Hán: 黎俊楙) là đô ngự sử thời Lê sơ, đỗ tiến sĩ vào năm 1490, sau bị Mạc Đăng Dung giết. Đến thời Lê Trung Hưng thì được truy phong phúc thần. Theo một vài nguồn thì ông còn là một thượng thư.
Lê Tuấn Mậu là người làng Xuân Lôi, huyện Yên Phong, Bắc Ninh (nay thuộc xã Tam Giang, Việt Nam).
Tiểu sử
Cụ Lê Tuấn Mậu (1467–1526) đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1490) niên hiệu Hồng Đức thứ 21, làm quan đến chức Ngự Sử Đài Đô Ngự Sử rồi Lễ bộ thượng thư. Năm Nhâm Ngọ (1522), không chịu được sự lộng quyền của Mạc Đăng Dung, vua Lê Chiêu Tông đã chạy khỏi hoàng cung và ra chiếu Cần Vương. Rất nhiều cụ đã hưởng ứng, cụ Lê Tuấn Mậu và cụ Nguyễn Thái Bạt nhận mật chỉ ở lại triều đình tiếp tục làm quan dưới trướng vua Lê Cung Hoàng ( do Mạc Đăng Dung dựng nên) để làm nội ứng khi có điều kiện. Tuy nhiên, sau đó hai cụ thấy vây cánh của Mạc Đăng Dung quá mạnh nên đã từ quan về quê. Năm Ất Dậu (1525), sau khi đã bắt được vua Lê Chiêu Tông (các cựu thần đi theo vua người bị giết, người tự tử),đồng thời đánh bại được tất cả các cánh quân Cần Vương, Mạc Đăng Dung đã cưỡng ép cụ Lê Tuấn Mậu (và cụ Nguyễn Thái Bạt) vào chầu. Cụ Lê Tuấn Mậu đã cầm cái nghiên đá (giấu trong tay áo trước đó) ném vào Mạc Đăng Dung nhưng không trúng, rồi đâm đầu vào cột đá tuẫn tiết. Sau khi nhà Lê trung hưng, năm Bính Ngọ (1666), vua Lê Huyền Tông đã tuyên dương 13 “bầy tôi tử tiết”, đồng thời ban sắc phong Thượng Đẳng Phúc Thần, Trung Đẳng Phúc Thần và cho xây dựng 13 Tiết Nghĩa Từ ở quê các ” bầy tôi tử tiết ” này.
Tuy nhiên chỉ duy nhất Tiết Nghĩa Từ thờ Tiết Nghĩa Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần Lê Tuấn Mậu được dựng tượng thờ. Có lẽ do Đức Vua Lê Huyền Tông và triều thần cho rằng cụ Lê Tuấn Mậu chính là người khởi xướng và đồng thời là một trong những người thực hiện phong trào phù Lê cự Mạc (Năm Mậu Thìn (1508), Đoan Khánh thứ tư, Mạc Đăng Dung đỗ Đô lực sĩ và được làm quan to nên dương dương tự đắc. Nhận thấy tướng phản chủ của y nên Cụ đã mắng nhiếc và đấu vật với y nhằm mục đích trừ hậu họa cho dân cho nước. Tuy giành chiến thắng trong keo vật lịch sử này nhưng chí lớn của Cụ không thành).
Vinh danh và thờ phụng
Thời Lê Trung Hưng ông được truy phong phúc thần hạng trên.
Đền thờ ông được cúng tế mỗi năm và theo Lịch triều hiến chương loại chí, đền thờ được dựng tại làng ông. Theo một nguồn thì đền ngày nay thuộc thôn Nhội, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội (Việt Nam), là một ngôi đền thuộc cụm di tích Đền Sái.
Hiện nay tại quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh có một con đường mang tên ông.
Tham khảo
- Wikipedia: https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_Tu%E1%BA%A5n_M%E1%BA%ADu
- nguoikesu.com: https://nguoikesu.com/nhan-vat/le-tuan-mau