Đền Sái (Đông Anh, Hà Nội)

Đền Sái (Đông Anh, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Đông Anh là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lưu  giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc từ thời An Dương Vương. Từ trung tâm huyện, đi theo đường Đản Dị về xã Thụy Lâm, bạn sẽ đến khu di tích đền Sái, một điểm du lịch vừa có ý nghĩa lịch sử, vừa có giá trị tâm linh đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, được nhiều người biết đến.

Truyền thuyết


Đền Sái nằm trên đỉnh ngọn Thất Diệu Sơn, giữa cánh đồng tiếp giáp với huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh), cách di tích Cổ Loa 15 km về phía bắc.

Chuyện kể rằng: Bấy giờ, Thục Vương đắp thành ở đất Việt Thường rộng nghìn trượng, cuốn tròn như hình con ốc nên gọi Loa Thành. Thành cứ đắp xong lại đổ, vua lấy làm lo mới trai giới để khấn trời đất và thần sông núi rồi khởi công đắp lại. Vua hỏi nguyên cơ vì sao thành xây lại đổ nhiều lần, Rùa Vàng đáp đó là tinh khí của núi sông vùng này có con quỷ Bạch Kê tinh nấp trong núi Thất Diệu. Sau khi thần Kim Quy trợ giúp vua trừ diệt Bạch Kê Tinh, thành Cổ Loa mới xây xong. Tưởng nhớ công tích đó, nhà vua cho xây đền để thờ Huyền Thiên Trấn Vũ trên đỉnh núi Sái.

Theo truyền thuyết kể lại, các nàng tiên nữ được Ngọc Hoàng cử xuống gánh đất để xây thành cho nhà Thục. Khi họ gánh đất về đến đền Sái thì bị con Bạch Kê trêu chọc. Các nàng đã làm rơi đất ở đây, nên mọc dần lên 7 ngọn núi. Vì thế, những ngọn núi này có tên là Thất Diệu Sơn. Có lẽ, liên quan đến sự tích này, mà đến nay, vẫn có giếng trong vắt trên đỉnh núi, mà dân gian gọi là Giếng Cô Tiên. Hầu như quanh năm, mạch nước ngầm đưa về giếng, không bao giờ cạn. Dân viếng đền xong, đến đây, uống nước thần tiên, hy vọng mọi điều tốt lành sẽ tới.

Sử sách ghi: năm Thuận Thiên thứ hai 1011, vua Lý Công Uẩn, sau khi dời đô Hoa Lư về Thăng Long đã tìm về đền Sái. Vua Lý rất giỏi chữ Hán, phong thủy, ông biết được phương Bắc có ngôi chùa thờ quan Trấn Vũ rất linh thiêng. Vì thế, vua đã lên đền Sái làm lễ rước cờ hiệu, đưa đức Huyền Thiên Trấn Vũ về kinh đô Thăng Long. Cũng năm đó, vua Lý Công Uẩn cho người xây đền Quán Thánh bên Hồ Tây, không chỉ thuận lợi cho việc làm lễ thờ cúng mà còn để . Hiện đền Sái vẫn còn lệnh bài của vua Lý Công Uẩn: “Nay Trẫm lập thêm ngôi đền nữa, đầu hồ Cửa Bắc để thờ Người; rước duệ hiệu về nơi Kinh thờ cúng”.

Lại cũng truyền thuyết khác kể rằng, Lý Thái Tổ sau khi dời đô ra Thăng Long, đã đến núi Sái cầu Huyền Thiên và sinh được hoàng tử. Thấy công đức của Huyền Thiên rất to lớn, nhà vua đã cho xây đền Trấn Vũ (tức đền Quán Thánh) ở phía bắc kinh thành, và trở thành một trong Thăng Long tứ trấn. Đền Sái, nói cách khác là đền thờ gốc của đền Quán Thánh

Kiến trúc


Tổng quan

Đền được xây dựng theo kiểu kiến trúc cổ “Tiền Thần hậu Phật”. Cổng đền cao chót vót; Tam quan có ba cửa chính và hai cửa phụ nên còn được gọi là ngũ môn quan. Người xưa khắc đôi câu đối:

“Lâu đài chiêm bái lòng ngưỡng vọng

Tam quan xã ngắm thấy cao vời”

Qua cổng Tam quan là tới gác chuông. Đây là một công trình đẹp, nhưng đã bị hủy hoại tư lâu, đến năm 1989 được khôi phục trùng tu. Trên gác treo quả chuông do dân làng Nhội đúc năm Thành Thái thứ 10 triều Nguyễn. Đặc biệt, nhà Kính Thiên, có kiến trúc độc đáo với tám mái chồng diêm. Chính giữa nhà Kính Thiên là tấm bia trụ “Huyền Thiên Đạo Quán”, dựng năm Chính Hoà Tân Tỵ (1701). Bốn mặt bia đều khắc chữ ca ngợi cảnh đẹp vùng núi Sái, lịch sử và công đức của thành Huyền Thiên Trấn Vũ. Trán bia có ba tầng hoa văn đặc sắc với hình hoa sen, gà trống chạm nổi, rất sinh động,và rắn thần vươn cổ, nghểnh đầu, đầy uy lực.

Nhà tiền tế mới được trùng tu năm 1999. Trong hậu cung còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý hiếm, mang dấu tích vào cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. Phía sau đền Sái là chùa Thích Ca, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Phía bên trái đền Sái có hòn núi nhỏ tên gọi là Châu Lai, trên đó có một ngôi đền toạ lạc, nhân dân gọi là đền Thượng, thờ thần Cao Sơn Đại Vương thời Hùng Vương.

Phong cảnh ở khu vực đền cũng rất đẹp. Bao quanh khu đền là rừng cây xanh tươi với nhiều cổ thụ, ven con đường dẫn ra sau rừng cây là những viên đá với hình thù kỳ lạ, không biết có tự bao giờ. 

Nghi môn

Phía trước Nghi môn là sân trước đền, bao quanh bởi cánh đồng lúa. Chính giữa trục của sân trước đền có một bức đại tự bằng đá. Hai bên sân có hai ao hình tròn, có tên là Ao Tiên.

Nghi môn đặt trên sườn đồi. Từ đường lên tới Nghi môn phải qua một hệ thống bậc với 15 bậc chính và hai dãy bậc nhỏ hai bên. Phân cách giữa dãy bậc chính và dãy bậc phụ hai bên là lan can đá chạm hình tượng rồng. 

Nghi môn (Ngũ môn quan) đền Sái tạo thành một khối cổng có tới 5 lối ra vào. Khối cổng chính giữa tương tự như tam quan của các ngôi đình, đền khác với cổng chính rộng, mái chồng diêm 2 tầng, 8 mái. Phân chia 3 cổng là trụ tường, thân trụ có các ô câu đối.

Giới hạn hai bên của khối cổng chính là 2 trụ biểu mỗi bên. Hai trụ biểu phía ngoài, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu; Hai trụ biểu phía trong, đỉnh trụ trang trí tứ phượng. Cả 4 trụ biểu có thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, phía dưới trang trí câu đối, đế thắt dạng cổ bồng. Giữa trụ biểu và cổng là mảng tường trang trí hình tượng voi. Hai cổng phụ hai bên nhỏ, có mái che. Rìa của cổng phụ cũng có 2 trụ biểu nhỏ, trang trí đơn giản.

Sân đền, Gác chuông và tòa Kính Thiên 
Sân đền sau Nghi môn được chia thành nhiều bậc thềm, lên cao dần. Giữa các bậc thềm là hệ thống bậc cho người đi lại.

Gác chuông nằm trên một bậc thềm cao, phía sau Nghi môn. Công trình 3 gian, 2 chái, cao 2 tầng, theo kiểu chồng diêm với 8 mái; bốn phía không có tường bao quanh; các cột chính bằng gỗ, riêng 4 cột góc xây gạch. Công trình mới được phục dựng lại từ năm 1989. 

Tòa Kính Thiên nằm trên một bậc thềm cao hơn bậc thềm đặt Gác chuông, sát phía trước tòa Tiền tế. Công trình có mặt bằng hình vuông; mái chồng diêm; 2 tầng 8 mái; 4 cột trong bằng gỗ; 4 cột góc xây gạch. 

Tiền tế

Tòa Tiền tế đặt trên một bậc thềm cao hơn bậc thềm đặt tòa Kính Thiên. Công trình mới được trùng tu năm 1999, gồm 5 gian, 4 mái.

Chính điện

Chính đền Sái nằm kề liền tòa Tiền tế, có cấu trúc mặt bằng kiểu “chữ công” hay chữ H, gồm Tiền đường (Bái đường), Thiêu hương và Hậu cung (Chính ngự).

Tòa Tiền đường 5 gian, 4 mái, Hậu điện 3 gian, 4 mái, tòa Thiêu hương 1 gian đặt dọc nối liền tòa Tiền đường và Hậu cung.

Nền nhà Hậu cung vẫn còn lưu lại những viên gạch lát cổ, mặt gạch có dạng vân rồng.

Chùa và nhà Mẫu

Phía sau Chính điện là nhà Phật, hay chùa Thích Ca. Công trình được xây dựng cùng thời với đền Sái, có mặt bằng hình “chữ đinh” hay chữ T, gồm tòa Bái đường 5 gian và tòa Hậu đường 2 gian.

Ngoài ra, phía sau đền Sái còn có các công trình thờ Mẫu Tam Phủ như nhà Mẫu, Lầu cô, Lầu cậu…

Phía Đông Bắc của đền Sái có giếng Tiên, là một hốc đá nằm bên trong một tảng đá chứa đầy nước. 

Di vật


Đền có nhiều đồ thờ cổ, tiêu biểu là cây hương đá, niên hiệu Chính Hoà (cuối thế kỉ XVII) và các viên gạch lát có vẽ vân rồng thời Lê.

Trong chùa còn lưu giữ được hệ thống tượng phật đẹp có giá trị. Ban thờ Hậu cung có tượng Huyền Thiên Trấn Vũ, là tượng đất, nhưng rất to lớn bề thế, cao 2,25m, đường kính 0,9m, một chân đạp lên lưng rùa, chân kia dẫm lên lưng con rắn. Phía sau tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là các pho tượng hầu cận nhỏ hơn và bàn thờ thân phụ, thân mẫu của Ngài. 

Sự kiện


Nếu về đây vào ngày 11 tháng Giêng, bạn sẽ được hòa vào không khí của lễ hội Rước vua giả, một trong những lễ hội đặc sắc nhất của người dân đồng bằng Bắc Bộ dịp đầu xuân, thưởng thức món giò mo độc đáo, hay món xôi vò được nấu từ gạo nếp cái hoa vàng của vùng quê Thụy Lôi. 

Với giá trị nhiểu mặt về lịch sử kiến trúc văn hóa, đền Sái đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử Nghệ thuật Kiến trúc ngày 27/01/1986.

Tham khảo


  1. Bảo tàng lịch sử: http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/19751/djen-sai-di-tich-lich-su-van-hoa-noi-tieng-cua-thang-long-ha-noi.html
  2. Báo Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/tham-den-sai-608881/
  3. Sở Du lịch Hà Nội: https://sodulich.hanoi.gov.vn/diem-den/diem-den-du-lich-di-san-di-tich/khu-di-tich-va-le-hoi-den-sai.html
  4. Didulich.net: http://www.didulich.net/gia-tri-lich-su/den-sai–den-co-nhat-tho-than-huyen-thien-tran-22232
Chấm điểm
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)