Thân thế
Hòa thượng họ Võ, húy Trọng Tường, pháp danh Tâm Phật, pháp tự Trí Đức, hiệu Thiện Siêu. Hòa thượng sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Dậu (1921), trong một gia đình thâm Nho tín Phật ở làng Thần Phù, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thân phụ là cụ ông Võ Trọng Giáng, thân mẫu là cụ bà Dương Thị Viết.
Ngài là con trưởng trong một gia đình có 5 anh em: 3 trai, 2 gái. Người em kế cũng xuất gia, đó là Cố Thượng tọa Thích Thiện Giải, nguyên là Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Lâm Đồng, trú trì chùa Phước Huệ – Bảo Lộc.
Cơ duyên tu hành
Vốn có túc duyên với Phật pháp, năm 14 tuổi (1935), được sự đồng ý của song thân, Ngài xin xuất gia. Ban đầu, Hòa thượng lên học Phật pháp tại chùa Trúc Lâm – Huế, do Hòa thượng Thích Giác Tiên chứng minh chủ trì, Hòa thượng Thích Trí Độ làm Đốc giáo, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Phó Đốc giáo, Cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám làm phụ giảng. Cùng theo học lớp này với Hòa thượng có quý Hòa thượng như Thích Trí Tịnh, Thích Trí Quang, Thích Trí Nghiễm… Sau đó, Trường được dời ra chùa Báo Quốc. Đây là Phật học đường đầu tiên của Hội An Nam Phật học.
Đến năm 1944, trường được chuyển lên Đại Tòng Lâm Kim Sơn. Đây là Tòng lâm duy nhất của Phật giáo ở Trung phần thuộc xã Lựu Bảo, ngoại ô kinh thành Huế lúc bấy giờ. Tại đây, Hòa thượng vừa là giảng sư của Hội, vừa phụ trách giảng dạy các lớp Sơ đẳng và Trung đẳng của trường.
Năm 26 tuổi, 1947, ngài được giáo hội cử làm trú trì tổ đình Từ Đàm – Huế và giảng dạy cho Tăng Ni ở Phật học đường Báo Quốc và Ni viện Diệu Đức – Huế.
Sau gần 10 năm theo học các khóa Sơ, Trung, Cao đẳng Phật học, ngài đã tốt nghiệp hạng ưu. Năm 28 tuổi (1949), được Hòa thượng bổn sư là Đại lão Hòa thượng Trừng Thủy, hiệu Giác Nhiên cho phép thọ giới cụ túc tại giới đàn Báo Quốc – Huế, do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Đàn đầu. Trong giới đàn này Hòa thượng đỗ Thủ Sa di.
Những đóng góp cho Phật giáo
Năm 1951, Hòa thượng được mời tham gia phái đoàn Phật giáo miền Trung dự Hội nghị Thống nhất Phật giáo ba miền tại chùa Từ Đàm – Huế.
Từ năm 1950-1955, Hòa thượng được bầu làm Chánh Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên. Chính trong thời gian này, ngài đã ra quyết định hợp thức hóa nội quy thành lập các Khuôn Tịnh độ trong khắp toàn tỉnh.
Năm 1957, Tổng Trị sự Phật giáo Trung phần cử Hòa thượng làm Đốc giáo Phật học đường Trung Việt tại chùa Hải Đức – Nha Trang.
Năm 1962, ngài được mời ra Huế giảng dạy cho Tăng Ni ở Phật học đường Báo Quốc, Ni viện Diệu Đức cũng như tham gia các Phật sự tại Tổng trị sự Phật giáo Trung phần và Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên – Huế.
Năm 1963, khi chế độ Ngô Đình Diệm triệt hạ cờ Phật giáo và vụ thảm sát ở Đài phát thanh Huế xảy ra, ngài đại diện cho Phật giáo Thừa Thiên ký vào Kiến nghị 5 điều phản đối chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Đêm 20.8.1963, Hòa thượng bị bắt giam tại Ty Công an Thừa Thiên, cho đến khi chính quyền Diệm bị lật đổ, ngài mới được trả tự do.
Năm 1964-1974, Hòa thượng được mời làm Phó đại diện Phật giáo miền Vạn Hạnh; điều hành và giảng dạy lớp Cao đẳng Phật học chuyên khoa Liễu Quán tại chùa Linh Quang – Huế; đó là lớp đào tạo Giảng sư Phật học của miền Vạn Hạnh. Đồng thời, Hòa thượng còn được mời giảng dạy cho các tòng lâm ở nhiều nơi khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Tây Nguyên và Sài Gòn… Chính thời gian này, dù bộn bề công việc, nhưng ngài đều hoàn thành tốt các Phật sự được Giáo hội giao phó.
Năm 1965, Hòa thượng được mời khai đạo giới tử tại giới đàn Từ Hiếu – Thừa Thiên Huế.
Năm 1968, Hòa thượng được mời làm Tuyên luật sư, khai đạo giới tử cho Giới đàn Phật học viện Hải Đức – Nha Trang.
Năm 1970, Ngài khai đạo giới tử Giới đàn Vĩnh Gia – Đà Nẵng.
Năm 1973-1974, Hòa thượng được cử giữ chức vụ Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức – Nha Trang.
Năm 1979, Hòa thượng bổn sư viên tịch, ngài được môn phái cử giữ chức trú trì Tổ đình Thiền Tôn – Huế.
Năm 1980, Hòa thượng làm Giáo thọ A xà lê tại Giới đàn Thiện Hòa ở chùa Ấn Quang, TP. Hồ Chí Minh.
Quá trình công tác tại GHPGVN
Năm 1981, ngài được cử làm Trưởng phái đoàn, đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dự Đại hội Thống nhất Phật giáo cả nước tại chùa Quán Sứ – Hà Nội. Trong Đại hội này, Hòa thượng được suy cử chức vụ Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1981-1984, Hòa thượng được mời giảng dạy tại Trường Cao cấp Phật học ở chùa Quán Sứ – Hà Nội.
Năm 1982-1988, Hòa thượng được Giáo hội tỉnh Phú Khánh cung thỉnh làm Trưởng ban Trị sự tỉnh Phú Khánh liên tiếp hai nhiệm kỳ.
Năm 1984-1988, ngài được Giáo hội cử giữ chức Phó Hiệu trưởng và Giáo thọ cho Trường Cao cấp Phật học tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1984, Hòa thượng được cung cử vào chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1987, Hòa thượng khai đạo giới tử cho Giới đàn Báo Quốc – Huế.
Năm 1988, khi Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam được thành lập, Hòa thượng được suy cử làm Phó Viện trưởng.
Từ tháng 4-1987 đến cuối đời, Hòa thượng được bầu vào Đại biểu Quốc hội liên tiếp 03 khóa: Khóa 8, 9 và khóa 10.
Năm 1991, Giáo hội cung cử ngài làm Phó Chủ tịch Hội đồng Phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam, đặc trách Hán tạng.
Năm 1993, ngài được cung thỉnh làm Tuyên Luật sư, Yết-ma cho giới đàn Thiện Hòa tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Năm 1994, Hòa thượng lại được cử làm Yết-ma tại Giới đàn Báo Quốc – Huế.
Năm 1994-2001, Giáo hội cung cử ngài làm Hiệu trưởng Trường Cơ bản Phật học (nay là Trường Trung cấp Phật học) Thừa Thiên – Huế.
Năm 1997, ngài được Giáo hội cung cử làm Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế cho đến ngày viên tịch.
Năm 1999, Hòa thượng được Ban Trị sự Tỉnh Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng Giới đàn Tịnh Khiết tại chùa Tường Vân – Huế.
Năm 2000-2001, ngài đứng ra đại trùng tu tổ đình Thiền Tôn – Huế và tôn tạo ngoại thành tháp tổ Liễu Quán; một năm sau đó thì làm lễ Khánh thành.
Năm 2001, ngài chủ trì Lễ tốt nghiệp và cấp phát văn bằng Cử nhân Phật học cho Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, khóa I (1997 – 2001). Cũng trong năm này, ngài đã chứng minh Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Gia đình Phật tử Việt Nam, tổ chức tại tổ đình Từ Đàm – Huế.
Suốt cuộc đời, từ khi xuất gia hành đạo cho đến khi viên tịch, Hòa thượng là một tấm gương sáng ngời về phạm hạnh và hoằng hóa cho Tăng, Ni, Phật tử noi theo.
Quá trình dịch thuật biên dịch tác phẩm
Bên cạnh các Phật sự của Giáo hội, Hòa thượng còn dành nhiều thì giờ cho việc phiên dịch, biên soạn và in ấn Kinh, Luật, Luận để Tăng Ni, Phật tử nghiên cứu và học tu. Những công trình dịch thuật và biên soạn gồm:
-
Dịch thuật:
– Kinh Thủ Lăng Nghiêm (1940).
– Phát Bồ-đề tâm văn (1952).
– Kinh Kiến Chánh (1953).
– Kinh 42 chương (1958).
– Kinh Trường A-hàm (lược dịch – 1959).
– Kinh Pháp Cú (1962).
– Tân Duy thức luận (1962)
– Đại cương Luận Câu Xá ( 1978)
– Luận Thành duy thức (1995).
– Luận Đại Trí độ (5 tập, 1997-2001).
– Trung luận (2001)
- Biên soạn:
– Nghi thức tụng niệm (đồng soạn, 1958).
– Nghi thức thọ Bồ-tát giới tại gia (1958)
– Đại cương luận Câu-xá (1987).
– Vô ngã là Niết-bàn (1990).
– Tỏa ánh Từ quang (1992).
– Lối vào Nhân minh học (1995).
– Cương yếu Giới luật (1996).
– Ngũ uẩn vô ngã (1997)
– Kinh Pháp hoa giữa các Kinh điển Đại thừa (1997).
– Trí đức văn lục (9 tập, 1994-2001)
- Nhiều bài biên khảo đăng tải ở các Tạp chí từ 1940-2001:
– Tạp chí Viên âm (1940).
– Phật giáo Việt Nam (1960).
– Liên Hoa (1961).
– Giác ngộ, 1982.
– Tập văn – Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (từ năm 1985-2001)
Về đối ngoại
Năm 1981, Hòa thượng tham gia phái đoàn Phật giáo Việt Nam dự hội nghị Tôn giáo vì hòa bình chống chiến tranh hạt nhân tại Max-cơ-va.
Tháng 9 năm 1985, Hòa thượng làm Trưởng đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam thăm Liên Xô-Mông Cổ.
Năm 1989, Hòa thượng làm Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham dự Hội nghị Hòa Bình Châu Á, tổ chức tại Mông Cổ.
Năm 1994, Hòa thượng làm Trưởng phái đoàn Chiêm bái Phật tích tại Ấn Độ.
Năm 1995, Hòa thượng là thành viên của phái đoàn Quốc hội Việt Nam dẫn đầu đi thăm một số nước Đông Âu và Nghị viện châu Âu.
Năm 1998, Hòa thượng là thành viên của phái đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam sang thăm và dự lễ Khánh thành tháp Hòa Bình tại Đài Loan.
Năm 1999, Hòa thượng làm Trưởng phái đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam sang thăm hữu nghị Phật giáo Trung Quốc.
Về nhiếp hóa đồ chúng
Hòa thượng đã truyền thọ Ngũ giới, Thập thiện giới và Bồ-tát giới tại gia cho hàng ngàn Phật tử khắp 3 miền đất nước. Ngài đã độ nhiều đệ tử xuất gia như: Đạo Dung, Hải Tịnh (đã viên tịch), Hải Ấn, Phước Tú, Kiên Tuệ, Kiên Niệm, Kiên Định,… Về Ni giới, trước đây là đệ tử 5 giới, nay đã xuất gia, có các Ni sư như: Chơn Cẩn, Hải Liên, Hải Hiền,…
Hòa thượng đã cùng Hội đồng Điều hành Học viện chỉ đạo tiến hành xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế (nguyên là chùa Hồng Đức do Sư bà Diệu Không cúng để Giáo hội làm nơi đào tạo Tăng tài).
Với những công đức mà Hòa thượng đã đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, vào năm 2000, Nhà nước Việt Nam đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhì;vào năm 2001, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng bằng Tuyên dương công đức cho Hòa thượng.
Thời kỳ viên tịch
Tháng 9 năm 2001, bệnh cũ tái phát, mặc dù đã được hàng đệ tử thân cận tận tình chăm sóc và được các giáo sư bác sĩ, y sĩ bệnh viện Thừa Thiên Huế tận tình chữa trị, nhưng vì tuổi cao sức yếu, Hòa thượng đã an tường xả báo thân lúc 16 giờ 30 ngày 03 tháng 10 năm 2001 (nhằm ngày 17 tháng 8 năm Tân Tỵ). thọ 81 tuổi đời, 53 tuổi đạo.
Hòa thượng đã trở về thế giới Niết bàn vô tung bất diệt, nhưng gương sáng của trí tuệ và phạm hạnh của Hòa thượng vẫn còn mãi với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với Phật tử xứ Huế, chùa Từ Đàm quê hương như là tình cảm của Cố đô và Văn hóa xứ Huế cùng trang sử muôn màu của Phật giáo Việt Nam thời cận và hiện đại.
Nguồn: Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 3, TT. Thích Đồng Bổn, thành hội Phật giáo TP. HCM. 1995