Thân thế
Huệ Vũ Đại vương Trần Quốc Chẩn (có sách chép là Quốc Chân, Quốc Trấn) sinh năm Tân Tị (1281), mất năm Mậu Thìn (1328), là một trong những danh tướng kiệt xuất của nhà Trần, tài đức vẹn toàn, hết lòng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tân Tỵ, [Thiệu Bảo] năm thứ 3 [1281], Nguyên Chí Nguyên năm thứ 18). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 29 hoàng tử Quốc Chẩn sinh. (1)
Theo sách Ngự Chế Việt Sử Tổng Vịnh, ông là con thứ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, em của Thái tử Trần Thuyên. Sau khi thái tử Trần Thuyên lên ngôi, ông được phong là Huệ Vũ đại vương, giữ chức Nhập nội Bình Chương.
Trần Quốc Chân là em của Trần Anh Tông, được phong là Huệ võ đại vương và được giữ chức Nhập Nội Binh Chương.(2)
Sử sách không ghi chép chính xác mẹ của ông là ai, có lẽ là chính thê của Nhân Tông, Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu, hoặc em gái bà là Tuyên Từ hoàng hậu, cả hai đều là con gái Trần Hưng Đạo.
Vị tướng tài năng
Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã được Nhân Tông và Anh Tông rất mực yêu mến.
Tháng 8, Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường lại xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh.
Thượng hoàng có lần ngự cung Trùng Quang, vua đến chầu, quốc công Quốc Tuấn đi theo. Thượng hoàng nói:
“Nhà ta vốn là người hạ lưu (thủy tổ người Hiền Khánh), đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc”.
Bấy giờ thợ xăm đã đợi mệnh ở ngoài cửa cung. Vua rình lúc Thượng hoàng quay nhìn chỗ khác, về ngay cung Trùng Hoa. Một lúc lâu, Thượng hoàng hỏi Quan gia đâu rồi, các quan tả hữu thưa là đã về cung Trùng Hoa. Thượng hoàng bảo: “Quan gia đã trốn rồi chăng? thì xăm cho Huệ Vũ Quốc Chẩn vậy”.(3)
Quốc phụ có xăm hình rồng ở đùi, mà về sau nối ngôi không xăm ở đùi nữa là bắt đầu từ Anh Tông.
Năm Hưng Long thứ 10, ông được phong chức Nhập nội Bình chương, tương đương Tể tướng.
Nhâm Dần, [Hưng Long] năm thứ 10 [1302], (Nguyên Đại Đức năm thứ 6). Mùa xuân, tháng giêng, lấy thái úy Đức Việp làm thống chính thái sư; Huệ Võ Đại Vương Quốc Chẩn làm Nhập nội bình chương; Chiêu Văn Vương Nhật Duật làm Thái úy quốc công.(4)
Năm Hưng Long thứ 20, Chiêm Thành lấn chiếm biên giới phía nam Đại Việt. Anh Tông ngự giá thân chinh, đến phủ Lâm Bình, chia quân làm ba đường, sai Trần Quốc Chẩn theo đường núi, Trần Khánh Dư theo đường biển, đích thân vua tự dẫn sáu quân theo đường bộ; thủy bộ, cùng tiến đánh. Một lần quân Chiêm định tập kích ngự doanh, quân Trần Quốc Chẩn kịp thời cứu viện, phối hợp với Đoàn Nhữ Hài bao vây, bức hàng quân Chiêm Thành thắng lợi, quân Trần không tốn một mũi tên.
Năm Đại Khánh thứ 5, vua Trần Minh Tông sai Trần Quốc Chẩn cùng tướng quân Phạm Ngũ Lão tiếp tục đi đánh dẹp quân Chiêm Thành thu được thắng lợi lớn, giữ yên bờ cõi quốc gia.
Mậu Ngọ, [Đại Khánh] năm thứ 5 [1318], (Nguyên Diên Hựu năm thứ 5). Mùa xuân, tháng 2, ngày 18, đem trưởng công chúa Thiên Chân gả cho Huệ Chính vương (không rõ tên). Phong Huệ làm Phò ký lang.
Mùa thu, tháng 8, ngày 19, Tuyên Từ thái hậu băng.
Sai Huệ Vũ Đại Vương Quốc Chẩn đi đánh Chiêm Thành. Tộc tướng nhà Lý là Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến chết tại trận. Quản Thiên võ quân Phạm Ngũ Lão tung quân đánh phía sau giặc.(5)
Không chỉ là người có tài trong việc cầm quân xung trận, Trần Quốc Chẩn còn là người đức độ, được vua Trần Anh Tông rất mực quý mến, tin tưởng, các quan trong triều hết lòng nể phục. Đại Việt sử ký toàn thư chép:
Trước đây, Anh Tông không khỏe, vua ngày đêm ở luôn ngoài cửa phòng ngủ của Thượng hoàng, mỗi khi vào thăm thì cùng đi với Quốc Chẩn. Vì Anh Tông tin cậy Quốc Chẩn hơn cả, định đem vua gửi gắm Quốc Chẩn, cho nên không cho vào thăm một mình, mà phải cùng đi với Quốc Chẩn, cốt để cho tình nghĩa vua tôi được khăng khít và không còn nghi ngại gì nữa.(6)
Năm Đại Khánh thứ 10 (1323), con gái ông là Huy Thánh công chúa thành hôn với Trần Minh Tông, tức Lệ Thánh hoàng hậu. Do có nhiều công lao với triều đình, hơn nữa lại là cha vợ của Minh Tông, vào Giáp Tý, năm Khai Thái thứ nhất (1324), Trần Quốc Chẩn được vua Trần phong chức: Nhập nội Quốc phụ Thượng tể – chức quan đầu triều coi giữ Lục bộ Thượng Thư.
Tháng 12, sách phong con gái trưởng của Huệ Vũ Đại Vương Quốc Chẩn là Huy Thánh công chúa làm Lê Thánh hoàng hậu (tức là Hiến Từ thái hậu). […] Mùa hạ, tháng 4, lấy Huệ Vũ Đại Vương Quốc Chẩn làm Nhập nội quốc phụ thượng tể, Kiểm hiệu thái úy Nhật Duật làm Tá thánh thái sư; Uy Túc công Văn Bích làm Nhập nội phụ quốc thái bảo, Văn Huệ công Quang Triều làm Nhập nội hiệu tư đồ.(7)
Cuốn Ngự Chế Việt Sử Tổng Vịnh cũng viết về sự việc này:
Lệ Thánh Hoàng hậu là con gái của Huệ Võ Vương Trần Quốc Chân, Đầu được phong là Huy Thánh công chúa. Khi vua Minh Tông lên ngôi, được phong làm Hoàng hậu.(8)
Cái chết oan khuất
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã chép lại đầu đuôi vụ án này như sau:
Trước đây, Thượng hoàng vẫn trông mong nhiều vào Quốc Trấn, muốn phó thác nhà vua cho ông ta; đến lúc thượng hoàng bị bệnh, mỗi khi nhà vua đến thăm, Thượng hoàng bắt phải đi cùng với Quốc Trấn, để khỏi sinh lòng hiềm nghi gián khích. Đến nay nhà vua tuổi đã nhiều mà chưa quyết định ngôi trừ phó(9). Quốc Trấn tự nhận mình là cố mệnh đại thần, vả lại là bố đẻ ra hoàng hậu, nên cố chấp là:
“Đợi khi nào hoàng hậu sinh con trai trưởng sẽ lập làm thái tử”.
Văn Hiến hầu (không rõ tên) muốn đánh đổ hoàng hậu mà lập hoàng tử tên là Vượng, bèn lấy một trăm lạng vàng đút lót cho gia thần của Quốc Trấn tên là Trần Phẫu, để Trần Phẫu vu cáo Quốc Trấn âm mưu làm phản. Nhà vua tin lời Trần Phẫu, bắt Quốc Trấn giam ở chùa Tư Phúc, rồi đem việc ấy hỏi Thiếu bảo Trần Khắc Chung. Khắc Chung về bè đảng với Văn Hiến, lại là người cùng làng với mẹ đẻ của Vượng, hơn nữa, Khắc Chung từng giữ chức sư phó để dạy Vượng, vì thế Khắc Chung liền tâu ngay bằng câu thành ngữ:
“Tróc hổ dị, phóng hổ nan” (bắt hổ thì dễ, thả hổ ra thì nguy).
Nhà vua bèn cấm tuyệt không cho Quốc Trấn ăn uống, để bắt phải tự tử. Hoàng hậu phải thấm nước vào áo đưa vào cho uống. Quốc Trấn uống xong thì mất. Những người bị bắt lây đến hơn trăm người, mỗi khi tra hỏi thì đều kêu gào là oan.(10)
Minh oan
Cuốn Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép về Trần Phẫu đem việc Văn Hiến Hầu đút lót vàng ra tố cáo, nhờ đó mà Trần Quốc Chẩn được giải oan:
Vài năm sau, gặp khi vợ cả vợ lẽ tên Phẫu ghen nhau, đem chuyện Văn Hiến đút vàng tâu lên vua. Phẫu bị hạ ngục. Ngục quan Lê Duy là người cương trực, xét xử ngay ngày hôm ấy. Tên Phẫu bị lăng trì, nhưng chưa kịp hành hình thì gia nô của Thiệu Võ (không rõ tên) là con của Quốc Chẩn đã ăn sống hết cả thịt của nó. Văn Hiến được miễn tội chết, bị giáng làm dân thường, xóa tên trong sổ [hoàng tộc].(11)
Đến năm 1341, thời vua Trần Dụ Tông, vụ án Trần Quốc Chẩn được minh oan hoàn toàn. Triều đình phục chức Nhập nội Quốc phụ Thượng tể cho Trần Quốc Chẩn, trả lại phẩm giá cho người đã khuất. Việc Trần Minh Tông không nhận biết được mưu gian giết chết cha vợ – một tướng tài kiệt xuất là điều đáng tiếc, trở thành bài học đau xót nhất trong lịch sử 175 năm thịnh trị của nhà Trần về đào tạo và sử dụng người hiền tài.
Để sửa sai, nhà vua đã cho khôi phục chức tước, sai lập Đền Quốc Phụ thờ ông nằm bên tả ngạn sông Kinh Thầy là một trong tám di tích thuộc “Chí Linh bát cổ” nổi tiếng được nhiều sử sách ghi nhận. Trước kia đền thuộc xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh nay thuộc thôn Nẻo, phường Chí Minh, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Chú thích
- Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển VI, Khoa Học Xã Hội, 1993, tr 187.
- Dực Tông Anh Hoàng Đế, Ngự Chế Việt Sử Tổng Vịnh, tập Thượng, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách xuất bản, 1970, tr 226.
- Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển VI, sđd, tr 209.
- Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển VI, sđd, tr 216.
- Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển VI, sđd, tr 229.
- Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển VI, sđd, tr 231.
- Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển VI, sđd, tr 233.
- Dực Tông Anh Hoàng Đế, Ngự Chế Việt Sử Tổng Vịnh, tập Thượng, sđd, tr 207.
- Trừ phó: Người trù bị để sau này sẽ nối ngôi vua.
- Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – Chính Biên – Quyển IX, Nxb Giáo Dục, 1998, tr 269.
- Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển VI, sđd, tr 236.
Tham khảo
- Ngô Sĩ Liên (1993), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ – Quyển VI, Khoa Học Xã Hội.
- Dực Tông Anh Hoàng Đế (1970), Ngự Chế Việt Sử Tổng Vịnh, tập Thượng, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách xuất bản.
- Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (1998), Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – Chính Biên – Quyển IX, Nxb Giáo Dục.
- Thơm Quang, Linh thiêng đền thờ Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn, website Báo điện tử của tỉnh Hải Dương – baohaiduong.vn, số ra ngày 22/12/2021.