Tên gọi và vị trí địa lý
Đền Phú Xá là một ngôi đền thờ tại làng Phú Xá (tên cũ là Phú Lương), nay là khu dân cư Phú Xá, phường Đông Hải 1, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Ngôi đền là một trong “Tứ linh từ” linh thiêng của huyện cổ An Dương, nay là một trong 3 “linh từ” linh thiêng của quận Hải An (Từ Lương Xâm, Phủ Thượng Đoạn, Đền Phú Xá).
Lịch sử và nhân vật
Đền Phú Xá gắn liền với công lao của Đức Thánh Trần Hưng Đạo (Trần Quốc Tuấn) và các vị anh hùng nhà Trần, đỉnh cao là trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288.
Tương truyền, khi đó để chuẩn bị cho cuộc đại chiến trên sông Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo đã lấy làng Phú Lương xưa (nay là tổ dân phố Phú Xá, phường Đông Hải 1) làm nơi cất giữ kho lương thảo, phục vụ cho chiến đấu. Trận chiến sông Bạch Đằng đại thắng, Đại tướng quân Trần Hưng Đạo tiếp tục chọn làng Phú Lương là nơi mở hội khao thưởng quân sĩ trước khi kéo quân về Vạn Kiếp. Năm 1300, khi Trần Hưng Đạo qua đời, dân làng Phú Lương đã lập đền thờ Phú Lương (tức Đền Phú Xá ngày nay) để tưởng nhớ công lao của người.(1)
Tại vị trí ngôi đền cổ kính hôm nay, nhân dân còn tôn thờ Nữ tướng hậu cần Bùi Thị Từ Nhiên, quê ở làng Phú Lương, huyện An Hải (nay là Thôn Phú Xá, xã Đông Hải, huyện An Dương, Thành phố Hải Phòng). Bà kết duyên cùng ông Phạm Phúc Lương người cùng làng. Hai ông bà sống bằng nghề làm ruộng, cần cù làm ăn.
Tương truyền, vào năm 1288, khi quân đội của Trần Hưng Đạo đang trên đường hành quân đi đánh giặc Nguyên qua làng, Bùi Thị Từ Nhiên – người con dâu họ Phạm đã tự mình đem thóc gạo và kêu gọi dân làng đóng góp lương thực nuôi quân. Vốn sẵn lòng yêu nước, căm thù giặc bà tự nguyện xin làm việc nuôi quân phục vụ chiến dịch Bạch Đằng năm 1288. Bà được Trần Hưng Đạo trọng dụng và giao cho giữ trọng trách chăm lo quân lương và cung cấp hậu cần cho quân đội. Bà đã lập kho lương thảo để phục vụ tướng sĩ nhà Trần trong cuộc chiến đấu chống lại quân Nguyên. Do phải chiến đấu trên sông nước, việc mang theo lương thảo trở nên khó khăn. Vậy nên Bùi Thị Từ Nhiên đã nghĩ ra cách làm bánh đa tráng bằng bột chín phục vụ quân sĩ như một món lương khô rất thuận lợi trong chiến đấu. Để ghi nhớ công lao của Bà trong cuộc chiến với quân Nguyên – Mông, Trần Hưng Đạo đã phong tặng cho Bà danh hiệu “Nữ tướng hậu cần”.
Sau chiến thắng Bà Bùi Thị Từ Nhiên lại cùng dân làng lo việc làm ăn, xây dựng quê hương.
Truyền ngôn ở đây còn kể rằng, giặc tan, bà Bùi Thị Từ Nhiên lại cùng dân làng chăm lo sản xuất, xây dựng xóm làng. Hậu quả của cơn hồng thuỷ năm Canh Thân(1320), làng quê bị tàn phá, người dân phải bỏ đi nơi khác làm ăn sinh sống. Khi bước rút, dân làng trở về, bắt tay khôi phục xóm thôn. Bà Bùi Thị Từ Nhiên vận động nhân dân sửa lại ngôi đền thờ Trần Quốc Tuấn.(2)
Năm 1328, Nữ tướng hậu cần Bùi Thị Từ Nhiên qua đời, dân làng nhớ công lao của bà đã tạc tượng thờ bà tại đền thờ Phú Lương cùng với Trần Hưng Đạo.
Làng Phú Xá ban đầu gọi là Phú Lương, thời Tự Đức (1848-1882) do tránh tên huý chồng bà Bùi Thị Từ Nhiên nên mới được đổi thành Phú Xá.(3)
Bên cạnh đó, tại hậu cung đền, gia thân của Ngài Trần Hưng Đạo đều được thờ phụng như: Đức Vương Phụ , Đức Vương Mẫu , Vương Phi Phu Nhân cũng được thờ tại hậu cung của Đền. Gian Đệ Nhị đặt tượng Tứ Vị Vương Tử – Các người con trai của Ngài và Phu Nhân lần lượt là :
- Đức Thánh Cả Hưng Vũ Vương Húy Hiệu Trần Quốc Nghiễn
- Đức Thánh Phó Hưng Hiến Vương Húy Hiệu Trần Quốc Uất
- Đức Thánh Tam Hưng Nhượng Vương Húy Hiệu Trần Quốc Tảng
- Đức Thánh Tứ Hưng Trí Vương Húy Hiệu Trần Quốc Hiện
Gian Đệ Tam Thờ hai người con gái của Đức Ông và Vương Phi , lần lượt là :
- Đệ Nhất Vương Cô – Quyên Thanh Công Chúa Sắc Phong Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Thái Hậu – Húy Hiệu Trần Thị Trinh .
- Đệ Nhị Vương Cô – Khâm Sai Đại Hoàng Công Chúa – Sắc Phong Anh Nguyên Quận Chúa Húy Hiệu Trần Thị Tĩnh.
Ngoài hai người con gái của Ngài và Đức Phu Nhân thì gian Đệ Tam còn thờ Đức Vương Tế Điện Súy Thượng Tướng Quân Quan Nội Hầu Sắc Phong Chiêu Cảm Hùng Văn Đại Vương – Húy hiệu Phạm Ngũ Lão.
Không chỉ là ngôi đền gắn liền với chiến thắng lịch sử trên sông Bạch Đằng, trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc, đền Phú Xá còn là căn cứ hoạt động cách mạng, nơi cất giữ vũ khí, khí tài, đạn dược, quân trang để trung chuyển cho chiến trường Miền Nam.
Kiến trúc cảnh quan
Đền Phú Xá tọa lạc trên một thửa đất cao ráo, xây dựng theo thế phong thủy được trùng tạo vàthời Tự Đức, quay về hướng Đông Nam phía cửa biển Bạch Đằng – nơi đã từng chứng kiến những trận đánh chống giặc ngoại xâm đã đi vào sử sách. Trước trước cửa Đền là một hồ bán nguyệt.
Từ ngôi đền nhỏ làm bằng tre, tranh, nứa lá ban đầu, trải qua nhiều lần tu tạo, đền Phú Xá ngày nay đã trở thành một công trình kiến trúc bề thế kiểu nội công, ngoại quốc, nét trang trí nghệ thuật chạm khắc, đắp vẽ mang đậm dấu ấn phong cách thời Nguyễn cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Đền Phú Xá hiện nay có kiến trúc bề thế với kết cấu kiểu nội công ngoại quốc, gồm 5 gian tiền đường, nhà thiên hương, giải vũ, nhà đệ nhị và hậu cung. Trên hệ thống mái, nóc đền được trang trí đắp vẽ các đề tài như lưỡng long chầu mặt trời, kim, nghê.
Hiện vật
Ngôi đền lưu giữ những bức tượng pháp, cổ vật, đồ gốm có giá trị cao về mỹ thuật và nghệ thuật điêu khắc có niên đại thế kỷ 17,18,19 được lưu giữ tại đây đã tạo nên giá trị lịch sử của di tích.
Đặc biệt, đền Phú Xá còn giữ được 3 đạo sắc phong của các đời Vua phong cho Đức Đại Vương Thượng Từ và Phu Nhân của Ngài.
Sự kiện và lễ hội
Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ
Lễ hội đền Phú Xá được tổ chức vào ngày giỗ Trần Hưng Đạo (20/8 âm lịch) và ngày mất của bà Bùi Thị Hiệu Từ Nhiên (5/3 âm lịch). Nhân dân Phú Xá lại tập trung về đền, sửa soạn bao sái đồ tế tự, nghi vệ thành hoàng cùng vị tượng đức thánh Trần, tượng bà Bùi Thị Từ Nhiên trong tấm lòng thành kính.
Xếp hạng
Với những giá trị to lớn về lịch sử văn hoá, về nghệ thuật kiến trúc hàm chứa tại di tích, đền Phú Xá được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16 tháng 11 năm 1988 và trở thành một điểm đến tham quan bổ ích, hấp dẫn du khách trong và ngoài thành phố.
Tham khảo
- Cổng thông tin Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng, Đền Phú Xá, website sovhtt.haiphong.gov.vn, xem tại ngày 23/11/2024.
- Phạm Ngân (2018), Đền Phú Xá: Nơi chứa đựng kho tàng lịch sử, website An ninh Hải Phòng – anhp.vn.
- Vũ Liễu (2023), Lễ hội Đền Phú Xá (quận Hải An): Kỷ niệm 735 năm chiến thắng Bạch Đằng và 723 năm ngày mất của Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, website Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng – haiphong.gov.vn.