Thiền sư Thanh Đàm Minh Chánh

Thiền sư Thanh Đàm Minh Chánh

Thông tin cơ bản

Thân thế


Thiền Sư Thanh Đàm (? – ?), cao tăng sống vào đời Nguyễn, cuối thế kỷ XVIII, gần giữa thế kỷ XIX, thuộc thế hệ thứ 37 Tông Tào Động miền Bắc. Sư là đệ tử của Thiền sư Đạo Nguyên Thanh Lãng. 

Hành trạng


Không biết sư sinh năm bao nhiêu, quê quán ở đâu.

Vào năm Đinh Mão (1810) sư xuất gia và tu đạo nơi Thiền Sư Đạo Nguyên Thanh Lãng, tổ sư đời thứ 6 Tông Tào Động Việt Nam. Lúc bấy giờ đang trụ trì, khuông đồ lãnh chúng tại Thiền Viện Nguyệt Quang một ngôi Thiền Tự do Thiền Sư Chân Nguyên thuộc tông Lâm Tế sáng lập.

Cả cuộc đời của Thiền sư Thanh Đàm tựu thành được giác ngộ cũng nhờ vào đề án tham cứu nầy. Ngay từ đầu Thanh Đàm đã không rơi vào trường hợp như ngài A Nan là phải đi hết chặng đường chấp tâm ở trong ngoài, trên giữa thân. Tra vấn mạnh nhất của Thanh Đàm là tâm nằm ở đâu? Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm đức Phật hiển lộ cho ngài A Nan về chân tính thường còn, không thể y cứ vào một căn tính mà có thể cho đó là tâm, không khởi lên phân biệt chấp trước vào đâu, nếu rời tiền trần có tính phân biệt, thì đó mới thật là tâm.

Một hôm, Sư bèn sửa sang y phục, hình sắc nghiêm trang, trải tọa cụ trước Tổ, quỳ gối chắp tay đỉnh lễ Tổ Đạo Nguyên.

Sư hỏi: Tâm chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở chặng giữa. Vậy rốt ráo tâm ở chỗ nào ?

Tổ sư mỉm cười xoa đầu sư, liền chỉ bày tâm ấn và nói kệ rằng:

Theo thời ứng dụng

Gặp vật thấy cơ

Tánh vốn như như

Trong ngoài nào mắc?

(Tùy thời ứng dụng

Ngộ vật kiến cơ

Tánh bổn như như

Hà quan nội ngoại.)

Từ đó sư luôn chuyên cần thiền định, tham cứu tâm tông. Mỗi khi xem các Kinh như Lăng Nghiêm, Diệu Pháp Liên Hoa, gặp chỗ thắc mắc. Sư đều đỉnh lễ, thưa hỏi nơi tổ Đạo Nguyên.

Năm Canh Ngọ, sư đăng đàn thọ giới cụ túc, giới đàn riêng do các chùa thuộc Tông Tào Động tại Miền Bắc tổ chức, trong đó Thiền Sư Đạo Nguyên làm Hòa Thượng Đường Đầu.

Sau khi thọ giới xong, sư tiếp tục nỗ lực, công phu, thường cầu hỏi mong được thấy tính.

Thiền Sư Đạo Nguyên Thanh Lãng trao kệ chỉ dạy, truyền pháp cho sư:

Trán phóng hào quang đâu phải Phật

Dưới chân mây trắng chưa là Tiên

Hãy nuôi trâu nọ cho cường tráng

Hôm sớm cày sâu đám ruộng mình.

(Quang phóng mi gian vô đạo Phật

Vân sinh túc hạ vị ngôn tiên

Nhiêu quân bảo dưỡng ngưu phì tráng

Triêu tịch thục canh bỉ thốn điền)

Sư trụ trì Chùa Bích Động hơn 48 năm, chú giải hai bộ kinh là Pháp Hoa, Bát Nhã. Làm chỗ dựa cho người học thâm nhập kinh tạng, ngộ được ý chỉ của chư Phật.

Pháp Hoa Đề Cương


Pháp Hoa Đề Cương là một tác phẩm nghiên cứu biên khảo rất giá trị. Thiền sư Thanh Đàm đã khơi dậy những bí ẩn đang ngự tìm trong kinh Pháp Hoa với nhãn quan của Thiền Học. Ngài đọc kinh với cốt cách của Thiền Sư và luận bàn với tâm thức đã thực ngộ.

Văn của Ngài viết gọn diễn tả trọn vẹn được tinh yếu, nếu không đọc với con mắt khác thường thì khó mà tìm thấy giá trị vô cùng trong đó. Lối thuật dụng Thiền sư Thanh Đàm dùng đến là chen lẫn thơ kệ. Đây là nhịp cầu gạch nối điểm bùng lên giữa đối tượng và nhận thức. Và cũng là phương tiện giúp người đọc cảm thấy dễ chịu cho đôi mắt và tâm hồn. 

Thiền Sư Thanh Đàm biên soạn và hoàn thành vào tháng 8, năm 1820, đời vua Gia Long năm thứ XVIII.

Tác phẩm do Thiền Sư Minh Nam, huynh đệ của Thiền Sư Thanh Đàm, kiểm duyệt và viết bài tựa.

Được khắc ván và lưu hành tại chùa Vĩnh Nghiêm vào năm 1933, do Hòa Thượng Thanh Hanh viết lời tựa

Nội dung nêu lên Tông chỉ của Kinh Pháp Hoa, và chú giải sơ lược cho các chương trong kinh này. Đồng thời lây 14 chữ Khai Thị Ngộ Nhập Nhất Phật Thừa Tri Kiến Đạo Trí Tuệ Tông Chỉ để làm kệ tụng nhằm nêu lên cương yếu của Kinh.

“Diệu tức chỉ cho tâm trong sạch xưa nay. Tâm này từ vô thủy đến giờ tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên. Ở thánh chẳng thêm, nơi phàm chẳng bớt. Nhiễm mà chẳng nhơ, rửa mà chẳng sạch. Lặng lẽ tròn đầy pháp giới, ngất ngất khắp giáp hư không. Tâm là bản nguyên của chư Phật, tâm là Phật tánh của chúng sanh. Nguyên chẳng phải tướng mà tướng từ đó hiện. Vốn là chân không mà không từ đó sanh. Như hạt châu ma-ni trong sạch, không có các sắc mà theo đó thành các sắc. Lại như biển giác lặng lẽ tròn đầy, chiếu nơi sáu trần mà chẳng nhận một trần. Là họa sư của thập ban pháp giới, là trí mẫu của tất cả Như Lai”.

Pháp, tức tất cả pháp. Tất cả pháp là ứng dụng của một diệu tâm. Một diệu tâm là linh nguyên của tất cả pháp. Nói pháp tức là tâm, bảo tâm chính là pháp. Pháp là cái tùy duyên của Diệu hữu, chẳng nhiễm gọi là Diệu pháp. Tâm là cái ứng vật của chân không, ly trần chính nó là chân tâm. Luận về chân tâm thì đâu nhờ thi vi. Nói Diệu pháp thì chẳng ngại tu chứng, nhưng pháp môn tu chứng có đến vô lượng, nên chọn môn nào gần gũi thích hợp mà vào”.

Dưới đây là một số lời hỏi đáp do Thiền Sư Thanh Đàm đặt ra và trả lời trong Pháp Hoa Đề Cương.

Hỏi: Tâm này truyền thọ thế nào?

Đáp: Đức Thế Tôn đưa cành hoa, ngài Ca Diếp mỉm cười. Về sau, các Tổ truyền trì, cơ đầu chẳng phải một. Người ngộ tự biết vậy

Hỏi: Làm sao tu trì?

Đáp: Dừng ! Dừng

Thiền sư Đạo Xuyên bảo: Tri âm tự có gió, tùng hòa; Gió mát, trăng trong, khoảng bao la.

Lại bảo: Ở tâm đắc, ở tay ứng, Tuyết gió trăng hoa, Trời cao, đất dày, Sáng sáng gà hướng canh năm gáy, Xuân lại nơi nơi hoa núi xinh.

Hỏi: Rốt ráo là gì? Đáp: Hòa thượng Phổ Hóa nói: “Tìm chỗ đi chẳng thể được”.

Bát nhã trực giải


Thiền Sư biên soạn và viết lời tựa vào năm Thiệu trị thứ 3, Quý Mão(1843). Tàng bản tại chùa Bích Động, khắc ván và lưu hành tại chùa Vĩnh Nghiêm.

Nội dung nhằm giải nghĩa, nêu rõ Tâm Tông, diệu nghĩa của Kinh Bát Nhã. Gồm hai phần là Trực Giải và Kệ Tụng.

“Kinh nầy, đức Phật muốn khiến cho tất cả chúng sanh lìa bỏ sanh diệt, sống lại với thể chân như, chẳng sanh chẳng diệt. Nên Phật nói tâm kinh dạy người tu hành muốn trở về chân như, chứng diệu quả Niết Bàn rốt ráo chẳng sanh chẳng diệt, phải nương theo nhân địa và pháp môn của Bồ tát Quán Tự Tại đã tu, thực hành sâu vào một môn mới soi thấy rõ năm uẩn đều không. Nếu ngộ được uẩn không thì thật tướng chân không bản nhiên rõ ràng, chẳng từ nơi người khác mà được, cũng chẳng phải đợi nói năng chỉ bày rồi mới biết”.

Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tâm phàm chưa hết, hết tức Bồ đề, chỉ dứt tình phàm, riêng không thánh giải”. Ví như lau gương, chẳng phải lau gương mà là lau bụi, bụi hết ánh sáng tự hiện, cũng chẳng từ nơi khác mà được. Nên biết Kinh nầy nương theo Ngài Quán Tự Tại soi thấy rõ năm uẩn đều không, đấy là cứu cánh..

Công án thiền


Thiền Sư Thanh Đàm đưa ra ba công án, thông qua hình thức kệ tụng cho người học tham cứu thiền, nhằm mục đích làm cho người tu phát khởi nghi tình, tự liễu ngộ tự tâm.

1- Đức Thế Tôn vì sao đến khi sắp Nhập Niết Bàn mới truyền tâm ấn ?

2- Tổ Đạt Ma đến Đông Độ truyền pháp, vì sao lại ngồi thiền 9 năm, hay là cơ duyên chưa chín mùi?

3- Lục Tổ sau khi được tâm ấn lại ẩn tích ở nam Lãnh Dương, chẳng vì người thuyết pháp, hay do nhân tính mịt mù?

Sư trước tác về công án Trưởng giả Thuần Đà trong Kinh Pháp Hoa.

Tham khảo


  • Sách “Thiền uyển tập anh”, Lê Mạnh Phát, Viện nghiên cứu Phật học, Nhà xuất bản Văn học, năm 1990
  • Sách “Thiền sư Việt Nam”, Thích Thanh Từ, DL 1999 – PL 2543
  • https://www.tienvnguyen.net
  • http://www.thuongchieu.net/index.php/chuyende/thiensuvn/879-thin-s-thanh-am-hiu-minh-chanh
Chấm điểm
Chia sẻ
Thiền Sư Thanh Đàm Minh Chánh

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)