Việc thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế (玉皇上帝) rất phổ biến trong tín ngưỡng tôn giáo của người Việt. Các chùa miền Bắc Việt Nam từ lâu đã phối thờ Ngọc Hoàng Thượng đế với các vị thần khác nhau như Nam Tào, Bắc Đẩu, Phạm Thiên, Đế Thích,… Người ta biết đến Ngọc Hoàng Thượng Đế qua bộ phim Tây Du Ký. Dưới con mắt thế tục, Ngài được kính ngưỡng như vị thần tối vĩ đại, là vua trong các vị thần.
Vậy, Đức vua cha Ngọc Hoàng Thượng Đế là ai?, có vai trò gì trong Tứ Phủ Đạo Mẫu?, đền Đức Vua cha Ngọc Hoàng ở đâu?. Mời quý vị cùng tìm hiểu.
Tên gọi “Ngọc Hoàng Thượng Đế”(1)
Ngọc Hoàng Thượng đế có nhiều tôn xưng khác nhau như Hạo Thiên Thượng Đế (昊天上帝), Ngọc Hoàng Đại Đế (玉皇大帝), Ngọc Đế (玉帝), Ngọc Hoàng (玉皇), Hạo Thiên Kim Khuyết Chí Tôn Ngọc Hoàng Đại Đế (昊天金闕至尊玉皇大帝), Huyền Khung Cao Thượng Ngọc Hoàng Đại Thiên Đế (玄穹高上玉皇大天帝), Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn Huyền Linh Cao Thượng Đế (玉皇大天尊玄靈高上帝), hay dân gian thường gọi là Thiên Công (天公, Ông Trời).
Dưới thời nhà Tống, vua Chơn Tông (眞宗, tại vị 997-1022) cũng như Huy Tông (徽宗, tại vị 1100-1125) đều có ban Thánh hiệu cho Ngọc Hoàng Đại Đế.
- Vua Chơn Tông ban cho Thánh hiệu là Thái Thượng Thiên Chấp Phù Ngự Lịch Hàm Chơn Thể Đạo Ngọc Hoàng Đại Thiên Đế (太上開天執符御歷含眞體道玉皇大天帝).
- Vua Huy Tông là Thái Thượng Thiên Chấp Phù Ngự Lịch Hàm Chơn Thể Đạo Hạo Thiên Ngọc Hoàng Thượng Đế (太上開天執符御歷含眞體道昊天玉皇上帝).
Trong các kinh điển của Đạo Giáo tôn xưng là Hạo Thiên Kim Khuyết Vô Thượng Chí Tôn Tự Nhiên Diệu Hữu Di La Chí Chơn Ngọc Hoàng Đại Đế (昊天金闕無上至尊自然妙有彌羅至眞玉皇大帝). Ngài được xem như là một vị thần minh tối cao của Đạo Giáo, địa vị chỉ dưới Tam Thanh Tôn Thần (三清尊神) mà thôi. Dưới con mắt thế tục, Ngài được kính ngưỡng như vị thần tối vĩ đại, là vua trong các vị thần.
Theo truyền thuyết dân gian, Ngọc Hoàng Thượng Đế không những thọ mạng Thiên Tử thống trị con người, mà còn cai quản cả Tam Giáo Nho, Lão, Thích, cùng với chư vị thần tiên của ba đạo này, cũng như các thiên thần, địa kỳ, người, quỷ đều thuộc quyền thống quản của Ngài. Ngoài việc quản lý ba cõi Thiên, Địa, Nhân, Ngọc Hoàng Đại Đế còn trông coi về sự hưng long, suy bại, tốt xấu, phước họa của vũ trụ vạn vật. Thuộc hạ quản lý về học vụ có Văn Xương Đế Quân (文昌帝君); về thương vụ có Quan Thánh Đế Quân (關聖帝君); về công vụ có Công Thánh Tiên Sư (巧聖先師); về nông vụ có Thần Nông Tiên Đế (神農先帝); về việc địa phương có Đông Nhạc Đại Đế (東岳大帝), Thanh Sơn Vương (青山王), Thành Hoàng Da (城隍爺), Cảnh Chủ Công (境主公), Thổ Địa Công (土地公), Địa Cơ Chủ (地基主); về cõi âm có Phong Đô Đại Đế (酆都大帝) và Thập Điện Diêm Vương (十殿閻王).
Theo lý luận của Đạo Giáo, Trời có 13 tầng, mỗi tầng có 3 vạn dặm, địa phương ngoài Trời ra được gọi là Vô Cực (無極), cõi trong Trời là Thái Cực (太極). Ngọc Hoàng Đại Đế là thần linh tối cao vô thượng trong vũ trụ, hết thảy chư thần linh đều phải vâng lịnh Ngài.
Cõi Trời Thái Cực chia thành 5 cõi Trời khác nhau:
- Trung Thiên (中天) có Ngọc Hoàng Đại Đế an ngự, trên chưởng quản 36 cõi trời, ba ngàn thế giới, dưới trông coi 72 cõi, hết thảy sinh linh.
- Đông Thiên (東天) có Tam Quan Đại Đế (三官大帝), chủ quản ban phước, kéo dài tuổi thọ, giải trừ tai ách, xá tội, tiêu nạn.
- Nam Thiên (南天) có Văn Hành Thánh Đế (文衡聖帝), chủ quản việc ủy nhiệm chư thần linh, lên xuống, khảo sát, xem xét công tội của các thần.
- Tây Thiên (西天) có Thích Ca Mâu Ni (釋迦牟尼), chủ quản việc tín ngưỡng, quy y của con người. Bắc Thiên (北天) có Tử Vi Đại Đế (紫微大帝), chủ quản việc ban phước, tiêu tai, ban bố tài lộc.
Thần tích Ngọc Hoàng Thượng Đế
Về lai lịch của Ngài, theo Cao Thượng Ngọc Hoàng Bản Hạnh Tập Kinh (高上玉皇本行集經) của Đạo Giáo cho rằng vào thời xa xưa có một trú xứ tên Quang Nghiêm Diệu Lạc Quốc (光嚴妙樂國); Quốc Vương xứ này là Tịnh Đức Vương (淨德王), Hoàng Hậu là Bảo Nguyệt Quang (寶月光). Cả hai đều lớn tuổi nhưng không có con nối dõi. Bỗng một đêm nọ, bà mộng thấy Thái Thượng Lão Quân (太上老君) ẵm một đứa hài nhi đưa vào trong bài thai của Hoàng Hậu. Bà cung kính đón nhận, đến khi tỉnh dậy mới hay rằng mình đã có thai. Mang thai tròn 12 tháng, rồi đến ngày mồng 9 tháng giêng năm Bính Ngọ thì hạ sinh Thái Tử. Ngay từ lúc nhỏ, Thái Tử đã thông tuệ, đến khi lớn lên phụ tá cho Quốc Vương rất đắc lực, thương dân, làm việc thiện, cứu người nghèo khổ.
Sau khi vua cha băng hà, Thái Tử từ bỏ ngôi vị, vào trong Phổ Minh Hương Nham Sơn (普明香岩山) tu đạo, trãi qua 3.200 kiếp, mới chứng được Kim Tiên, hiệu là Tự Nhiên Giác Hoàng. Sau đó, lại trãi qua cả ức kiếp mới chứng thành Ngọc Đế, hy sinh thân mạng để cứu độ chúng sanh. Từ đó, mồng 9 tháng giêng hằng năm được xem như là ngày khánh đản của Ngọc Hoàng Đại Đế. Tại các Đạo Quán đều có thiết lễ dâng cúng, gọi là Ngọc Hoàng Hội (玉皇會) để cầu nguyện phước quả, sống lâu. Tại tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc cũng như Đài Loan, ngày này được gọi là ngày Bái Thiên Công (拜天公, Lạy Ông Trời); cho nên cả gia đình lớn nhỏ, già trẻ đều giữ gìn trai giới, tắm rửa sạch sẽ, dâng hương hành lễ, vái lạy, tụng kinh. Thời xưa, ở phương Bắc của Trung Quốc có tục lệ tế lễ Ngọc Hoàng, rước tượng Ngài đi cùng khắp thôn xóm. Tương truyền 25 tháng 12 là ngày Ngọc Hoàng Đại Đế hà phàm tuần tra nhân gian, cho nên các Đạo Quán cũng như trong dân gian đều có thắp hương, tụng kinh để nghênh đón Ngài.
Trong bài Mộng Tiên (夢仙), Bạch Cư Dị (白居易, 772-846) có đoạn thơ xưng tán Ngọc Hoàng Đại Đế rằng: “An kỳ tiện môn bối, liệt thị như công khanh, ngưỡng yết Ngọc Hoàng Đế, khể thủ tiền trí thành (安期羨門輩、列侍如公卿、仰謁玉皇帝、稽首前致誠, mong sao lòng kẻ mọn, hầu hạ như công khanh, ngưỡng tâu Ngọc Hoàng Đế, cúi đầu tâm chí thành).(2)
Truyền thuyết giáng trần của Thượng Đế
Truyền thuyết dân gian của Trung Quốc cho rằng Ngọc Hoàng Thượng Đế vốn là một người trần có tên gọi là Trương Hữu Nhân. Ông có đức tính cần kiệm, khiêm nhường và kiên nhẫn nên người đời đã gọi là Trương Bách Nhẫn. Ngoài ra do hay giúp đỡ những người xung quanh và tu luyện thành tiên nên ông đã được gọi là Đại Quý Nhân.
Trương Hữu Nhân đã có một người vợ họ Vương và cả hai có 7 cổ con gái. Cũng theo một truyền thuyết khác thì vợ của Ngọc Hoàng có hiệu là Thiên Hậu và cả hai có 9 người con trai. Theo truyền thuyết Táo Quân của người dân Trung Quốc, Trương Lang do cùng họ với Ngọc Hoàng nên đã được phong làm Táo Vương. Còn Ngọc Hoàng và vợ sẽ ở cùng nhau tại cung điện trên trời được gọi tắt đó là điện Linh Tiêu.
Quan điểm trong dân gian Việt Nam
Trong đạo Mẫu của Việt Nam, “Ngọc Hoàng được gọi là Vua cha Ngọc Hoàng, là cha của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, là đấng thần chủ tối cao. Ngọc Hoàng được cho là ở và làm việc tại một cung điện trên trời gọi là Thiên Phủ, nơi có rất nhiều tiên nữ hầu hạ, và các thiên tướng, thiên binh canh gác.”(3) Ngài cai quản toàn bộ bầu trời, mặt đất, biển cả, và cõi âm phủ, đứng đầu tất cả các thần, tiên, thánh, nhân trong các cõi với quyền lực tối cao có quyền năng tự nhiên như mây mưa sấm chớp, nước lửa… Ngọc Hoàng có quyền ra lệnh cho các vị thần thực hiện các ý định của mình, thường là những điều tốt đẹp. Ngọc Hoàng cũng là người xét phong cho các vị thần, hoặc xét phạt các thần tiên và thánh nhân. Mặc dù so về vai vế thứ bậc, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vị Thánh cao nhất trong đạo Mẫu nhưng trên cõi Thiên phủ, Ngọc Hoàng thượng đế lại là đấng tối cao; vì vậy, ngài thường có ban thờ riêng trong các đền và phủ thuộc hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ.
Truyện dân gian Việt Nam “Con cóc là cậu Ông Trời” kể con cóc lên cầu Ngọc Hoàng làm mưa. Ngọc Hoàng nhận lời rằng mỗi khi cóc gọi làm mưa xuống trần gian.
Câu chuyện nổi tiếng khác là “Ngọc Hoàng và người học trò nghèo” thì lại ca ngợi quyền năng và sự công bằng của Ngọc Hoàng.
Thời gian tiệc vua cha Ngọc Hoàng
Theo quan niệm dân gian, ngày 09 tháng 01 là ngày Thánh Đản, khi đó Ngọc Hoàng sẽ tự thân giáng hạ xuống dưới nhân gian.
Khi đó có các vị thần theo hầu ngài là vị thần tiên, Kim Đồng Ngọc Nữ và 7 vạn thiên binh thiên tướng, vị thần Nam Tào, Bắc Đẩu, Chú Sinh Nương Nương, Phúc Lộc Thọ… Cùng với đó là những vị thần giữ chức cai quản ở dưới hạ giới như Thổ Công, Thổ Địa, Địa Phủ, thần sông, rừng, núi, thần bếp, thần cây… Tất cả sẽ chờ đón và nghinh thỉnh Ngọc Hoàng hạ giới vào dịp đầu năm để định xét về phúc lộc và tội lỗi.
Khi Ngọc Hoàng hạ lệnh các vị thần tiên sẽ xá tội và ban phúc xuống 10 phương, 6 cõi. Chính vì vậy nhân gian ở Tam giới sẽ làm lễ nghinh thỉnh để thỉnh cho Ngọc Hoàng và được cầu phúc. Tại các đền, miếu, quán,… lúc này sẽ dâng lên 18 món ăn và tấu sớ để cầu mong cho cả năm được Ngọc Hoàng Thượng Đế xá tội và ban phúc.
Đặc biệt những gia đình có người thân bị mất ở dưới địa phủ, người mất oan nghiệt, oan trái hay chết đường chết xá mà vong hồn còn phiêu dạt ở chưa về được với gia đình hay những nhà có tổ tiên nghiệp nặng sẽ cầu mong cho Ngọc Hoàng được xá tội để siêu thoát và đầu thai kiếp khác.
Phong tục ngày cúng vía Ngọc Hoàng Thượng Đế ngày nay vẫn được người dân duy trì. Thời gian cúng là vào giờ Tý, cúng trong khoảng ngày mới bắt đầu khi mặt trời còn chưa mọc thì mới đạt được ý nguyện và được Ngọc Hoàng chứng giám.
Ngọc Hoàng Bảo Cáo
Chí tâm quy mệnh lễ
Tử kim kim khuyết, bạch ngọc ngọc kinh
Trụ diệu hữu chi cảnh trung
Xứ huyền chân chi thiên thượng
Công thành đạo bị
Cố diệu tướng trác quan vu chư thiên
Tâm quảng thể bàn
Cố từ quang biến chúc vu tam giới
Vị tôn nhi thượng cực vô thượng.
Đạo diệu nhi huyền chi hựu huyền.
Chân thánh tông sư, thiên nhân y trượng
Đại bi đại nguyện, đại thánh đại từ
Khung thương thánh chủ, Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn.
Lễ vật trong ngày cúng vía Ngọc Hoàng
Trong ngày cúng cần phải chuẩn bị đầy đủ các loại lễ vật đó là:
- Nhang/ hương cúng.
- Đèn cầy.
- Hoa tươi.
- Trà, nước lọc.
- Trái cây.
- Phẩm vật…
Lễ vật được sử dụng trong ngày vía Ngọc Hoàng sẽ được gọi là lục lễ. Những loại hương, nhang, đèn, hoa quả để cúng không có gì quá đặc biệt. Thế nhưng đối với loại trà được dâng trong ngày cúng vía Ngọc Hoàng phải có sự khác biệt một chút. Bạn nên sử dụng loại trà khô để cúng và rót vào 9 chiếc chén nhỏ.
Bên cạnh đó lễ vật Phẩm cũng được rất nhiều người quan tâm trong ngày này. Phẩm ở đây sẽ được hiểu là vật phẩm được sử dụng để dâng lên cúng tế Ngọc Hoàng. Bạn có thể lựa chọn vật phẩm là đồ khô như khoai mì, các loại nấm đông cô, tàu hũ, táo tàu được sấy khô hay các loại bún, miến khô… Ngoài ra bạn cũng cần phải chú ý tới số lượng của các vật phẩm, nên lựa chọn số lượng là các số lẻ bao gồm số 3, 5, 7, …
Khi đã chuẩn bị đầy đủ lục lễ, gia chủ cũng nên chuẩn bị thêm đường để đổ khuôn,vàng mã và mía để cúng. Chú ý lựa chọn mía vỏ vàng và còn nguyên cả phần ngọn.
Đền thờ
Việc thờ cúng Ngọc Hoàng đã trở thành tín ngưỡng của tôn giáo người Việt Nam. Ở hầu hết các chùa chiền tại miền Bắc của Việt Na đã phối thờ Ngọc Hoàng thượng đế cùng với nhiều vị thần khác như Nam Tào, Bắc Đẩu, Đế Thích, … Dưới đây là các di tích sau đây thờ Ngọc Hoàng Thượng đế (chỉ thống kê nơi thờ chính, không tính việc phối thờ Ngọc Hoàng trong rất nhiều đền, chùa và điện thờ Mẫu Tam Phủ).
- Đền Đậu An tại thôn An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên là nơi thờ Ngọc Hoàng Thượng đế cùng các thiên thần.
- Điện Bồ Hong trên đỉnh núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
- Chùa Vân An ở thị trấn huyện Bảo Lạc, Cao Bằng thờ Ngọc Hoàng Thượng đế và Quan thế âm Bồ Tát với lễ hội Lồng Tồng hằng năm được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng Giêng, ngày sinh của Ngọc Hoàng Thượng đế.
Chú thích
- “Tự điển – Ngọc Hoàng Thượng Đế”. phatgiao.org.vn. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2024.
- “Tự điển – Ngọc Hoàng Thượng Đế”. phatgiao.org.vn. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2024.
- Ngô Đức Thịnh, Cẩm nang thờ Mẫu Tứ Phủ, tr.217.