“Bán nguyệt san Tiếng Chuông Sớm là tờ Phật học tạp chí do Hội Bắc kỳ Phật giáo Cổ Sơn Môn xuất bản, chính thức cho ra mắt số đầu tiên vào ngày 15-06-1935 (Rằm tháng 5, Ất Hợi), được xem là tờ báo Phật giáo đầu tiên trên đất Bắc. Báo ra được 2 năm, kết thúc ở số 24 ngày 21-05-1936.
Chủ bút là sư cụ Bùi Xuân Dục (pháp hiệu Bảo Giám, trụ trì chùa Đông Lâm, Bắc Ninh), và phó chủ bút là sư cụ Nguyễn Quảng Độ (pháp hiệu Xuân Lan, trụ trì chùa Bảo Phúc, Hà Đông). Tòa soạn đặt tại chùa Bà Đá.
Tiếng Chuông Sớm ra đời có phần vội vã, ngay trong thời điểm có nhiều căng thẳng, bất đồng giữa các sơn môn và Hội Phật giáo Bắc kỳ. Tháng 11/1934, hội Phật giáo Bắc kỳ thành lập; mãi đến tháng chạp năm 1935 tạp chí Đuốc Tuệ mới ra số đầu tiên. Trong khi đó cuối năm 1934 các sơn môn Linh Quang và Hồng Phúc đã đặt cơ sở để tạp chí Phật học là Tiếng Chuông Sớm ra đời, làm cơ quan hoằng dương Phật pháp của Hội Bắc kỳ Phật giáo Cổ Sơn Môn. Với sự hợp sức sáng lập của Hòa thượng Đỗ Văn Hỷ (tăng cang chùa Linh Quang) và quản lý là Hòa thượng Đinh Xuân Lạc (trụ trì chùa Trầm, Hà Đông và chùa Vũ Thạch, Hà Nội), số đầu tiên đã phát hành giữa năm 1935, trong khi tuần báo Đuốc Tuệ còn đang chuẩn bị ra mắt. Sự đối lập về quan điểm chấn hưng Phật giáo của 2 tổ chức trở thành tiêu điểm của những tuyến bài đăng tải trên Tiếng Chuông Sớm. Sau nhờ sự thương thảo giữa Hòa thượng Thanh Hanh với Hòa thượng Thanh Tường, Hội Bắc kỳ Phật giáo Cổ Sơn Môn đã cùng đứng dưới mái nhà Hội Phật giáo Bắc kỳ để chấn hưng Phật giáo, từ đây các bài viết dần có tính cởi mở, liên giao hơn như: Một mối cảm tình của Hội Phật giáo đối với Tiếng Chuông Sớm, Cùng cụ lớn Nguyễn Năng Quốc, chào mừng Đuốc Tuệ ra đời… Cầu nối quan trọng của Ngài Thanh Hanh đã giúp Tiếng Chuông Sớm cùng Đuốc Tuệ làm cái việc “kẻ soi đèn buổi tối, người đánh thức sớm mai, cùng gõ mõ khua chuông, làm việc lợi tha”.
Về hình thức, Tiếng Chuông Sớm có số trang rất đều là 48 trang, duy số cuối thì còn 40 trang. Nét chữ ở từng trang báo vẫn còn rất rõ, kể cả phần Hán văn. Báo có 4 mẫu thiết kế bìa, được ghi bằng cả Quốc ngữ, tiếng Pháp và tiếng Hán. Số đầu tiên có một kiểu bìa riêng, các số 2-12 có chung một thiết kế, tương tự vậy cho các số 13-15 và 16-24. Nhìn lại các tờ báo Phật giáo buổi đầu, thật sự ít thấy có tờ báo nào có sự đầu tư về thông tin như vậy tại trang bìa như Tiếng Chuông Sớm; ngoài thông tin của tờ báo, báo còn đề thêm 4 câu chú Thỉnh chuông “Nguyện thử chung thanh siêu pháp giới,…” và 2 dòng chữ Hán thể hiện tinh thần hợp lực của 2 sơn môn Linh Quang và Hồng Phúc trong việc xuất bản Tiếng Chuông Sớm, lưu thông tam tạng thánh giáo. Những số ra đầu, báo đề ngày có hơi lộn xộn nên dễ gây nhầm lẫn, nên sau làm Tổng mục lục, chúng tôi có mở ngoặc ghi rõ để tiện theo dõi. Số 1 ghi ra ngày 15 tháng 6; số 2 ghi ngày 1 tháng 7; số 3 lại ghi ngày 15 tháng 6, xem kĩ lại thì số 1 được ghi theo tây lịch, từ số 3 trở đi thì ghi theo âm lịch, có chú thích thêm tây lịch bằng tiếng Pháp. Số 12 đề ngày mùng 1 tháng Một, nhưng đúng phải là tháng 11.
Nếu như Đuốc Tuệ có sự tham gia của rất nhiều giới tri thức lớn, nhà văn, nhà nghiên cứu tài danh bấy giờ, thì đội ngũ biên tập Tiếng Chuông Sớm lại có phần “khiêm tốn”. Các bài viết đa phần là của quý sa môn trụ trì trong tòa soạn và 2 vị chủ bút, phó chủ bút. Nhờ sự góp mặt của các nhà báo, nhà văn vào ban biên tập như Mộng Vân Nguyễn Trung Như, hay “gia đình làm báo” – Nguyễn Mạnh Bổng, Nguyễn Tiến Lãng (phụ trách phần tiếng Pháp) và thi sĩ Tản Đà (phụ trách phần chữ Hán); trợ bút tờ Trung Bắc Tân Văn-Mai Đăng Đệ, đã làm đa dạng thêm thể loại cho báo.
Về nội dung, trừ các bài thơ, tin tức, thì còn lại là các bài viết dài kỳ chiếm gần 60% tổng số bài của Tiếng Chuông Sớm, rơi vào phần dịch kinh, truyện ký, tiểu thuyết xuyên suốt từ số đầu đến khi kết thúc. 1/3 dung lượng mỗi số báo dành cho việc dịch các bộ: Đại phương tiện Phật báo ân kinh, Bách thí dụ kinh, Đại báo phụ mẫu ân trọng kinh và giảng luận kinh điển. Kết cấu của một số báo, cũng được thể hiện rõ ràng, chỉn chu ngay trang mục lục với các mục: dịch kinh, tu trì, truyện ký, tiểu thuyết, văn đàn, tiêu tức tùng đàm. Các số sau chất lượng bài viết không giảm mà có thêm nhiều bài có giá trị. Một tầm nhìn và nỗ lực đáng ghi nhận ở số 13 là sự xuất hiện các bài trong Phật điển tùy lục để giảng giải, chú thích các điển tích trong kinh Phật tổ theo tinh thần như Tiếng Chuông Sớm nói đó là “nhằm dọn đường để làm bộ Phật học từ điển”. Cũng ở số này, mục Truyện ký đăng tải sự tích các tổ trong Đại Nam thuyền uyển truyền đăng lục, ngỡ là sẽ còn nữa nhưng đáng tiếc chỉ đăng được 3 số không liên tục, thuật qua về các tổ Tây Thiên và Đông Độ, sự tích tổ Vô Ngôn Thông và tổ Cảm Thành (báo ghi tổ Thành Cảm), rồi ngưng. Từ số 16 trở đi, báo có mở thêm mục Dư luận để đăng tải các bài lai cảo của bạn đọc về việc chấn hưng Phật giáo.
Tiếng Chuông Sớm có khoảng 10 bút danh có số bài viết liên tục, nổi bật đều là những nhân vật nòng cốt của tòa soạn. Bài nhiều kỳ chúng tôi xem mỗi kỳ như 1 bài, cộng lại độ 383 bài, trong đó vị chủ bút Bùi Xuân Dục (pháp hiệu Bảo Giám, tự Nguyên Dương) với 36 bài, chú trọng dịch bộ Đại phương tiện Phật báo ân kinh kéo dài suốt 24 số. Sư cụ Đinh Xuân Lạc góp mặt 24 bài với các pháp hiệu, bút hiệu: Thanh Tường, Trầm Sơn, Vũ Thạch. Mân Châu Nguyễn Mạnh Bổng 22 bài; Đắc Nhất 18 bài; phó chủ bút Xuân Lan Nguyễn Quảng Độ 15 bài, chú trọng dịch Tịnh độ thần chung. Mai Đăng Đệ với 11 bài; Nguyễn Văn Yên 9 bài; Tân Châu Dương Sĩ Hiền 9 bài.
Mộng Vân Nguyễn Trung Như có 44 bài chủ yếu là dịch thơ, dịch truyện, và góp vào Tiếng Chuông Sớm một tiểu thuyết duy nhất-Nam du ký. Riêng với bút danh H.S hay Hội Sơn có tổng số bài viết lớn nhất là 48 bài, nhưng không thấy nêu tên trong danh sách nhân viên tòa soạn và trị sự. Trong một chút cứ liệu từ Việt Nam Phật giáo sử luận, bài Công cuộc chấn hưng ở Bắc kỳ, Nguyễn Lang có một lần nhắc đến bút hiệu này với cách gọi ký giả H.S.
Vậy là đã gần 90 năm, một tờ báo Phật giáo đầu tiên của miền Bắc ra đời; dẫu đương thời về mặt nội dung, báo gặp phải những tranh luận từ nhiều bên và ngay trên những diễn đàn báo chí khác, chính Tiếng Chuông Sớm cũng tự hiểu rằng “Tiếng Chuông Sớm ra đời vốn đã biết trước thể nào cũng chẳng tránh khỏi sự công kích…, nên bất kỳ lời khen hay chê, chúng tôi đều hoan nghinh cả…”. Có thể là vội vàng nhưng đó là cấp yếu, Tiếng Chuông Sớm với sự mạnh dạn đáng ghi nhận trong buổi đầu chấn hưng Phật giáo, như mồi đèn tiếp lửa, góp vào mạch nguồn báo chí Phật giáo giai đoạn này.
TỔNG MỤC LỤC TIẾNG CHUÔNG SỚM
Như đã nói, phần lớn các bài trong Tiếng Chuông Sớm là bài viết nhiều kỳ (dịch kinh, giảng giáo lý, truyện ký và tiểu thuyết), mà cách đề tên tác giả ở mỗi kỳ lại có phần nhập nhằng lúc đề tên thật, pháp hiệu, bút hiệu, tên chữ khá khó xác định có phải cùng một người hay không. Khó khăn hơn là việc có hơn một tác giả tham gia vào bài viết (một chính một phụ), một trong 2 có hoặc không viết tiếp ở số tiếp theo, hay có bài không đề tên mà phải suy ra từ những số liên tục trước hoặc sau đó. Như trường hợp bài Tịnh độ thần chung đầu bài đề tác giả Xuân Lan/Nguyễn Quảng Độ, cuối bài có ghi thêm H.S, xem kĩ kết cấu thì thấy bài viết có tính chính phụ, phần chua nghĩa thêm được H.S diễn giảng. Xét thấy điều này cũng đúng với bài Tam quy, ngoài phần chính của sư cụ Bảo Giám, thì tác giả H.S cũng có phần diễn giải tiểu dẫn trước khi tiếp bài của sư cụ.
Trường hợp ở mục truyện ký, tin tức tùng đàm cũng tương tự, với nhiều tin bài tường thuật của nhiều tác giả; nên trong thư mục theo số báo chúng tôi cố gắng kê cứu rõ một cách tổng quát, còn thư mục theo tác giả chúng tôi sẽ tách riêng từng phần trong một bài/chuyên mục. Bài nhiều kỳ có khi tác giả dùng cả tên thật, bút/pháp hiệu chúng tôi sẽ chọn ghi một cái xuất hiện nhiều nhất và chú thích thêm. Để thể hiện chút nét riêng của Tiếng Chuông Sớm, ngoài những thể loại truyền thống Kinh giảng, Giáo lý, Lịch sử Phật giáo, chúng tôi chọn giữ lại đúng cách phân chia mà báo đã định hình sẵn ở các mục Truyện ký, Tiểu thuyết, Thơ, Tiêu tức tùng đàm.
Ngoài ra báo còn có nhiều ảnh chân dung của quý ân nhân, quý sư cụ trong tòa soạn và ban trị sự, các buổi lễ kỷ niệm…, nhưng không được đánh số trang, nên chúng tôi tạm thời lập thêm một thư mục hình ảnh riêng, chỉ dừng lại là cho biết nó nằm ở số báo nào.
Tuổi 90 đã đến gần nhưng nay Tiếng Chuông Sớm mới được chỉnh trang trong một dáng hình mới để gửi đến quý bạn đọc, nghĩ thấy cũng đã không còn sớm nữa. Ấn hành Tiếng Chuông Sớm kì này, Huệ Quang có bộ báo gốc không liên tục từ số 1-24, nhiều số trùng nhưng lại thiếu số 2,3; nên chúng tôi phải đành xử lý và bổ khuyết 2 số đó bằng file sẵn có để ra mắt độc giả 2 tập đầy đủ liên tục 24 số.
Xin chân thành tri ân các thiện hữu gần xa đã tặng báo hoặc cho mượn báo, để 24 số báo Tiếng Chuông Sớm ít ỏi nhưng quý hiếm này được đến với bạn đọc gần xa.”
Huệ Quang, Trung thu Nhâm Dần 2022
Vũ An Di