Chùa Bạch Hào là ngôi chùa có phong cảnh sông nước hữu tình, mang những nét độc đáo của vùng đồng bằng Sông Hồng. Chùa tọa lạc tại làng Hào Xá, Xã Thanh Xá, Huyện Thanh Hà, Tỉnh Hải Dương. Chùa Bạch Hòa còn có tên gọi khác là Chùa Hào Xá hay Chùa Hào (gọi theo hán việt là Bạch Hào cổ thiền tự).
Lược sử
Mảnh đất của làng Hào Xá như hình con chim phượng Hoàng xòe cánh. Chùa Hào Xá tọa lạc ở phần đầu chim có lông màu trắng nên có tên là Bạch Hào tự. Vào thời nhà Lý, theo ngọc phả chùa được xây dựng vào năm 1011 vào thời nhà Lý Thái Tổ. Năm ấy, nhân dân trong làng đã dựng lên một ngôi chùa 3 gian bằng tre lợp lá gồi, lá cọ để thờ Phật.
Vào thời nhà Trần, theo tư liệu lịch sử nơi sản sinh ra những vị anh hùng như: Nguyễn Danh Nguyên và Nguyễn Danh Quang với Lý Đình Khuê là 3 vị anh hùng đi theo vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đi đánh giặc Nguyên Mông ở Phải Lại, Vạn Kiếp. Giặc tan, nhà vua ca ngợi, bằng chứng là bia đá ghi lại:”Từ ngày nước nhà xảy ra chiến sự Tam Công ngày đêm miệt mài tu thân luyện chí tìm phương kế cứu nước, cứu dân” để nhớ công lao của 3 vị anh hùng.
Đất nước trở về yên bình, Vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con và xuất gia. 3 vị anh hùng kia cũng quy y cửa Phật về trụ trì tại chùa Minh Khánh (nay thuộc thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà) và chùa Hào.
Ngày 6/1/1293 Điều Ngự Đầu Đà Trần Nhân Tông du ngoạn đầu xuân,truyền giảng kinh sách bằng đường thuỷ. Đến trang Hạ Hào, ba cư sĩ tổ chức cùng dân làng mở hội đua thuyền để tiếp đón vị đệ nhất tổ thiền phái Trúc Lâm. Thấy phong cảnh sông nước hữu tình, Thượng hoàng hạ lệnh cho dựng lại chùa, mở rộng quy mô và đổi lại tên là chùa Bạch Hào, làm hoành phi câu đối, lập bệ thờ bằng đá hình tòa sen để thờ Phật và giao cho 3 ông ở lại tu tại chùa.
Thờ tự
Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ tam tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông và 3 vị cư sĩ là Nguyễn Danh Nguyên, Nguyễn Danh Quang và Lý Đình Khuê. Ít có nơi như chùa Hào vừa thờ Phật, vừa thờ thành hoàng.
Kiến trúc và cảnh quan
Chùa Bạch Hào có niên đại từ thời nhà Lý năm 1011 theo lối kiến trúc bao gồm:Tiền đường 5 gian, Hậu cung 2 gian, Nhà tổ 3 gian. Tiền đường, được xây dựng theo kiểu chồng rường đấu sen. Các vì kèo đều có chạm khắc hoa lá, trúc hoá long, kỳ 4 thuật chạm bong kênh.
Hiện nay trong chùa có rất nhiều hiện vật quý như: hệ thống tượng Phật, bệ đá hoa sen thời Trần. Đặc biệt, có 10 bia đá ghi lại công lao của 3 vị cư sĩ, trong đó, có 3 bia đá thời Lê, 7 bia đá thời Nguyễn, vườn tháp 7 mộ sư, có ao cá, vườn cây ăn quả.
Ngoài ra trong chùa, có nhiều hiện vật quý:
- Tượng Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông tạc bằng gỗ ngự trong khám thờ ở nhà tổ.
- Bài vị của 3 vị thành hoàng: Nguyễn Danh Nguyên và Nguyễn Danh Quang với Lý Đình Khuê cùng các vị sư đã tu tại chùa.
- 7 sắc phong mang niên hiệu của các vị vua triều Nguyễn về sắc phong thành hoàng, gia tăng mỹ tự cho ba vị cư sĩ trụ trì: Tự Đức lục niên 1853; Tự Đức tam thập tam niên 1880; Đồng Khánh tam niên 1888; Duy Tân tam niên 1909; Khải Định cửu niên 1924; Khải Định cửu niên 1924; và có một sắc phong bị rách mất một nửa nên không rõ niên hiệu, chỉ biết sắc này phong cho ông Phả tế.
- Bức đại tự trong bái đường có bốn chữ Hán “Hào tướng lưu quang” (Tướng làng Hào toả sáng).
- Tượng Tăng phó Trần Như Thừa và gần 30 pho tượng Phật; mỗi pho tượng có một thần thái riêng, thể hiện tài hoa chạm khắc gỗ của nghệ nhân xưa và phản ánh sâu đậm tư tưởng, giáo lý của thiền phái Trúc Lâm.
- Hoành phi câu đối: chùa còn lưu giữ nhiều hoành phi câu đối ca ngợi Phật pháp và ba vị cư sĩ Thành hoàng; trong nhà tổ có câu đối: “Hộ tòng thần thế Tam công miếu; Tự hưởng Hào trang vạn cổ thần” (Miếu thờ tam công theo hầu vua, Bậc Thần hưởng tế muôn đời trang Hào Xá) và “Hào tướng lưu quang” (Tướng làng Hào tỏa sáng mãi)
Tham Khảo
- https://vuonhoaphatgiao.com/tu-vien/cac-chua-trong-nuoc/cac-chua-o-hai-duong/chua-bach-hao/
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_B%E1%BA%A1ch_H%C3%A0o