Tên gọi và vị trí địa lý
Chùa Cốc Liễn có tên chữ “Minh Quang tự”, tọa lạc tại thôn Cốc Liễn, xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Cách trung tâm thành phố Hải Phòng 18km về phía Nam, cách thị trấn Đối 2,5km về phía Đông.
Làng Cốc Liễn ngày nay xưa có tên gọi là trang Minh Liễn, thuộc tổng Sâm Linh, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương
Sách Chùa cổ Hải Phòng, tập 2 cho biết:
Thôn Cốc Liễn, trước năm 1945 là xã Cốc Liễn, tổng Sâm Linh, phủ Kiến Thụy, tỉnh Kiến An. Tên Cốc Liễn có muộn nhất trước thế kỷ 17, vốn trước gọi là trang Minh Liễn, đời Thành Thái (1889 – 1907) đổi tên thành Cốc Liễn.1
Lịch sử và nhân vật
Theo dấu tích hiện còn, Minh Quang tư được xây dựng vào khoảng thời Nguyễn (thế kỷ 19). Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Cốc Liễn được dỡ bỏ do thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến của Ủy ban hành chính kháng chiến. Cho tới những năm gần đây, thể theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân, tín đồ đạo Phật, chùa Cốc Liễn được khôi phục lại.
Kiến trúc cảnh quan
Chùa Cốc Liễn có bố cục theo lối chữ Đinh (丁), gồm 3 gian tiền đường và 2 gian hậu cung. Toàn bộ công trình được xây dựng bằng những vật liệu quen thuộc như gạch, đá và ngói, tạo nên một không gian vừa vững chắc, vừa gần gũi, không xa rời lối trang trí kiến trúc truyền thống của các ngôi chùa Việt Nam.
Hiện vật
Ngôi chùa hiện sở hữu một hệ thống tượng Phật vô cùng giá trị. Các pho tượng có kích thước nhỏ nhưng được chạm khắc tỉ mỉ, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Từ bộ Tam Thế uy nghiêm với những đường nét sắc sảo, gồm các tượng A Di Đà, Quán Âm Thị Kính, các vị thần như Thánh Tăng, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào, Bắc Đẩu… tất cả đều được thể hiện sinh động qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, mang đậm mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Sự kiện và lễ hội
Chùa có những ngày lễ quan trọng như lễ Phật Đản (8/4 âm lịch), lễ Vu Lan (15/7 âm lịch).
Xếp hạng
Chùa Cốc Liễn được xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Thành phố năm 2006.