Lược sử
Chùa Huỳnh Cung có tên chữ là “Sùng Phúc tự”. Chùa tọa lạc trên một diện tích rộng hai mẫu tám sào Bắc Bộ, nằm ở đầu thôn Huỳnh Cung, trong một không gian thoáng đãng ven bờ nam sông Tô Lịch, ngày nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.
Tương truyền rằng: Ngày xưa, có một pho tượng đá ngồi trên tòa sen tự nhiên nổi lên ở thửa ruộng “Nhất tự”, dân các làng đều muốn rước Ngài về thờ nhưng không khiêng được và chỉ đi được vài trăm mét thì phải dừng lại không đi được nữa. Dân làng nhận thấy đây là điềm lành đã dựng ở nơi đó một ngôi chùa để thờ Ngài (chính là ngôi chùa hiện nay). Chùa đã được trùng tu nhiều lần. Khuôn viên chùa rộng lớn tới 10.000m2.
Trụ trì chùa hiện nay là Sư cô Thích Giác Minh.
Kiến trúc
Chùa có mặt bằng xây dựng theo kiểu “nội Công, ngoại Quốc”. Tam quan gồm 2 tầng 4 mái, đầu hồi bít đốc, trên bờ nóc đắp lưỡng long triều nguyệt, ở dưới có 3 cửa vòm và 2 cột gạch.
Tam quan xây gạch, lợp ngói, cửa chính giữa lớn hơn cửa hai bên. Qua tam quan về phía bên phải là khu vườn với 13 ngọn tháp 3 tầng. Về phía bên trái qua một sân gạch là đến chùa làm theo kiểu nội công, ngoại quốc. Phía trước chùa là tiền đường, phía sau là thượng điện được nối liền với nhau bằng một ống muống.
Song song với ống muống và nối hai đầu tiền đường, hậu điện là hai dãy hành lang. Giữa tiền đường với ống muống có một cửa võng chạm trổ công phu sơn son thếp vàng. Tòa thượng điện có xây nhiều bệ thấp dần từ trong ra ngoài, đây là nơi tọa lạc của các tượng: bộ Tam Thế ngồi trên toà sen, A Di Đà với hai bên là Đại Thế Chí và Quan Âm bồ tát, Thích Ca, Văn Thù và Phổ Hiền, Quan Âm chuẩn đề (ngàn mắt ngàn tay nhưng chỉ được biểu hiện dưới dạng 12 tay), Phạm Thiện và Đế Thích, Ngọc Hoàng ngồi trong long ngai, Thích Ca sơ sinh trong vòng Cửu Long với bên phải là Mục Liên và bên trái là Địa Tạng.
Bên tả thượng điện còn có 11 tượng đội mũ cánh chuồn tương truyền là những người cùng sinh cùng hoá với Thành hoàng làng. Sát tường hai bên trái và phải tam bảo là Thập điện Diêm Vương, Thổ Thần và đức Thánh Tăng. Ngoài tiền đường có các pho tượng Đức Ông, Nam Tào, Bắc Đẩu.
Cuối cùng ở gian hồi bên hữu tiền đường còn có tượng Bà Hậu. Ngoài ra, tại hành lang bên phải còn có 3 pho tượng Tam Phủ, 2 pho tượng Quan Hoàng và 1 pho tượng Cậu. Trong nhà Tổ còn có tượng Quan âm tọa sơn và Kim Đồng, Ngọc Nữ.
Di vật
Tượng Đức Vua nay vẫn còn ở chùa Sùng Phúc. Đến chùa mọi người thấy ở bên tả của Tam bảo có pho tượng đầu đội mũ cánh chuồn, mặc áo đại trào có thắt lưng, ngồi trên tòa sen. Cốt tượng bằng sa thạch nên pho tượng là một ví dụ độc đáo về kỹ thuật tô tượng, đắp tượng ở nước ta xưa kia.
Ngoài ra, trong chùa còn lưu giữ 10 chân tảng đá xanh kê cột, trang trí diềm ngoài là 15 hoặc 16 cánh sen nhỏ nhắn, xinh xắn mang phong cách nghệ thuật đời Lý và cũng phù hợp với điều ghi trong tấm bia năm 1735. Ở bên hữu tiền đường chùa ghi về việc trùng tu chùa lớn vào thời kỳ này do công đức của bà Trần Thị Điển, Thị nội cung tần được gia phong Chiêu Nghi, cúng 5 mẫu ruộng và 300 quan tiền để tu sửa đình, chùa.
Chùa kiến trúc theo kiểu nội công, ngoại quốc. Trong chùa có 49 pho tượng, có nhiều pho tượng đúc vào thế kỷ XVIII. Một bài văn ghi trên quả chuông chùa tuy đúc năm Thành Thái thứ 7 (1895) nhưng cũng cho thấy chùa Sùng Phúc đã có từ lâu. Dân làng đã đúc chuông, song, vật đổi, sao dời, chuông mất, tiếng chìm, sau này làng lại đúc một lần nữa. Đến nay dân làng lại bàn việc hưng công, quyên góp thập phương để đúc chuông chùa.
Đặc biệt, chùa còn có 1 cuốn Thần phả về 2 vị Thành hoàng là hai anh em sinh đôi có cùng ngày hóa vào thời Hùng Vương 17.
Hiện nay, chùa có nghĩa trang với 11 bảo tháp phổ đồng cho Tăng Ni các chùa ở nội thành Hà Nội viên tịch. Trong đó, ngôi tháp lớn chính giữa tôn thờ xá lợi Hòa thượng Thích Tố Liên, một danh tăng Phật giáo Việt Nam cận đại.
Giá trị
Là một ngôi chùa lớn, ra đời sớm, song được bảo quản khá tốt nên các nếp kiến trúc cổ trong chùa khá vững chắc. Chùa còn bảo lưu rất nhiều tượng Phật được tạo tác ở nhiều thế kỷ, lại có một khuôn viên rộng lớn, cao ráo, chùa Huỳnh Cung là một danh lam thắng cảnh ở phía nam Thủ đô Hà Nội.
Chùa đã được công nhận di tích lịch sử – văn hóa năm 1989.
Tham khảo
- http://tamhiep.thanhtri.hanoi.gov.vn/tin-tuc-noi-bat/-/asset_publisher/UByp2W88WPKe/content/tam-hiep-vung-at-con-nguoi-va-truyen-thong
- https://mytour.vn/location/611-chua-huynh-cung.html
- https://top9.com.vn/chua-sung-phuc-chua-huynh-cung-kham-pha-ve-dep/
- https://vn.alongwalker.co/chua-huynh-cung-s52600.html