Chùa Vĩnh Nghiêm (Chùa Đức La – Yên Dũng, Bắc Giang)

Chùa Vĩnh Nghiêm (Chùa Đức La – Yên Dũng, Bắc Giang)

Thông tin cơ bản

Giới thiệu chung

Chùa Vĩnh Nghiêm toạ lạc tại thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Dưới thời Lê – Nguyễn, địa danh này thuộc xã Ông La. Cuối thế kỷ XIX Ông La đổi thành Đức La, cho nên nhân dân quanh vùng thường gọi là chùa La hay chùa Đức La.

Lịch sử hình thành

Chùa được xây dựng vào thời Vua Lý Thái Tổ (1009 – 1028) với tên gọi là Chúc Thánh. Đến thời Vua Trần Nhân Tông (1278 – 1293), chùa được mở mang, trùng tu lại và đổi tên thành Vĩnh Nghiêm. Cuối thế kỷ 19, chùa thuộc địa phận thôn Đức La nên nhân dân trong vùng còn gọi là chùa La hay chùa Đức La.

Kiến Trúc

Bước vào là cổng tam quan xây gạch theo kiểu đầu hồi bít đốc, có 4 vì kèo, kết cấu vì theo kiểu 3 hàng chân cột. Từ tam quan đi khoảng hơn 100 m dưới bóng những cây thông cổ thụ là đến chùa Hộ. Tương truyền những cây thông này được trồng từ ngày khởi dựng chùa. Người xưa đã từng ca ngợi: “Những cây thuỷ tùng từ thời vua Trần Nhân Tôn vẫn vươn mình xanh tốt, ngạo nghễ với thời gian…” “thực là một nơi sơn thuỷ hữu tình”.

Trên sân chùa, ta gặp một bia đá sáu mặt dựng trên một bệ sen. Thân bia cao 1.18m, mỗi mặt rộng 0,32m. Mặt bia là một khung hình chữ nhật. Trên đầu khung có một ô chạm rồng bên dưói dùng đế khắc chữ. Những nghệ sĩ điêu khắc đã chạm trên mỗi mặt bia một con rồng, còn một mặt chạm đôi rồng chầu mặt nguyệt. Rồng trên bia chùa Vĩnh Nghiêm mình trơn, không vẩy, mũi thú, sừng có chạc, bờm bốc lửa đang bay lượn tròn trên nền mây cụm. Bia dựng năm Hoằng Định thứ 7 (1606). Nội dung ghi lại công cuộc tu sửa chùa năm đó.

Phía trái sân chùa có vườn tháp gồm 5 cây bảo tháp được xây bằng gạch quần tụ bên nhau. Đây là nơi lưu giữ thi hài của các thế hệ tăng sư trụ trì ở đây như: Hòa thượng Phù Lãng Trung pháp hiệu Sa Môn – Thông Duệ – Ứng Duyên, nhà sư Thanh Quýnh, nhà sư Tịnh Phương Sa Môn pháp huý Tâm Viên và cây tháp lớn nhất là của nhà sư Thanh Hanh – từng làm phó giám ở chùa Vĩnh Nghiêm thời Thành Thái.

Cụm kiến trúc chính của chùa Vĩnh Nghiêm nằm trên một trục chính dọc, quay mặt về hướng đông nam, gồm 4 khối lớn:

Khối thứ nhất gồm 3 nếp chùa: chùa Hộ, chùa Thiêu Hương, chùa Phật kết cấu hình chữ “công”.

Chùa Hộ là một kiến trúc to lớn và khang trang. Nền chùa cao hơn mặt sân 60 cm. Toàn bộ mặt trước được bó vỉa bằng đá. Mái lợp ngói mũi hài kiểu tàu đao lá mái với 4 đao cong. Các bờ nóc và bờ dải đều gắn gạch hoa chanh hộp rỗng. Chùa Hộ có 8 vì kèo, trong mỗi vì kèo có 4 hàng chân cột. Các cột này đều có kích thước lớn, cao tối 4,75m. Vì kèo chùa Hộ làm kiểu chồng rường – thượng tam hạ tứ. Các thành phần kiến trúc đều làm bằng gỗ lim, bào trơn đóng bén, không thấy trạm khắc, trang trí.

Toà Thiêu Hương của chùa làm theo kiểu 3 vì kèo quay mặt ra phía ngoài. Bộ khung chùa Thiêu Hương được nối với chùa Hộ bằng hệ thống kẻ góc ăn qua trụ con đặt trên các xà nách ỏ cột góc. Chùa Thiêu Hương cũng kết cấu vì kèo kiểu 4 hàng chân cột. Nơi đây được trang trí lộng lẫy với 3 lớp hoành phi và cửa võng thếp vàng. Gian đầu là nơi sư tụng kinh, từ gian thứ 2 vào trong là thế giới tượng Phật và tượng La Hán.

Nếp chùa cuối của khối kiến trúc thứ nhất là chùa Phật. Chùa Phật rộng dài hơn chùa Thiêu Hương và có 4 vì kèo làm kiểu bốn hàng chân cột. Riêng 2 vì ở giữa có 4 chiếc cột to lớn, màu gỗ xám mốc khác hẳn với màu gỗ lim đen bóng của chùa Hộ. Hàng cột này là những bộ phận còn sót lại của kiến trúc thời Lê. Chùa Phật 3 mặt bưng ván, có hiên sau rộng, hai đầu hiên có 2 tấm bia nhỏ, chữ khắc đã mờ, không rõ năm khởi tạo.

Ba nếp chùa Hộ, chùa Thiêu Hương, chùa Phật liên kết nhau trong một khối kiến trúc chữ công với các nét ngang nở ra rất đẹp mắt. Nền của 3 nếp chùa không bằng phẳng mà cứ nâng dần từ chùa Hộ cho tới bậc kê tượng Tam thế sát ván hậu của chùa Phật.

Rời khối kiến trúc thứ nhất, qua một khoảng sân hẹp thì tới khối kiến trúc thứ 2 cũng làm theo kiểu chữ công nhưng thấp và nhỏ hơn gọi là nhà tổ đệ nhất, gồm 3 nếp.

Nếp nhà đầu tiên của nhà tổ đệ nhất dài 12.7 m, rộng 7.l m có 5 gian chính với 6 vì kèo, mỗi vì có 4 hàng chân. Hai vì giữa kèo tam giác, hai vì hồi kiểu chồng rường có trục nón để đỡ nóc. Hiên trước nhà dựng một tấm bia đá lớn của Hòa thượng Thích Thiện Hoà soạn vào mùa đông năm 1934.

Nếp thứ hai là gian chuôi vồ có hương án làm kiểu chân quỳ dạ cá. Những hình hoa dây, rồng chầu dùng để trang trí hương án này mang những đặc điểm rõ nét của phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII. Đó là một sản phẩm của điêu khắc thời Lê Trung Hưng còn sót lại.

Nếp thứ 3 của khối kiến trúc thứ 2 này có chiều dài 8.8 m, rộng 6.80 m. Căn nhà có 4 vì kèo với 4 hàng chân cột mỗi vì.

Kiến trúc của khối nhà tổ đệ nhất đơn giản. Đáng chú ý là hệ thống ván giong trang trí những cụm mây lăn tăn gọi là mây linh chi, thời Lê. Các đầu bẩy được chạm lá cuộn có đuôi uốn sóng, nét mập bay chếch ngang. Hình trang trí này giống với nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Lê – thế kỷ XVII.

Khôi kiến trúc thứ 3 của chùa Vĩnh Nghiêm là gác chuông cao 2 tầng mái. Đây là kiến trúc phối hợp giữa kết cấu gỗ và gạch. Theo văn bia chùa, gác chuông dựng vào thế kỷ XIX, nhưng cho tới nay nó đã trải qua bao nhiêu lần tu sửa. Tầng trên của gác chuông treo một quả chuông lớn, tầng dưới dùng làm nơi tiếp khách.

Nền gác chuông có hình gần vuông (7.25 X 7.40), sàn ván gỗ. Rìa đầu hồi làm lốì bậc thang dật cấp, mép có gắn hoa chanh. Ớ bốn góc hồi lại xây thêm 4 trụ gạch vuông kiểu đầu quả dành dành.

Bộ “khung nhà” tầng trên làm theo kiểu vì kèo tam giác với kiểu thức có 4 mái đao cong. Riêng 4 góc đao nhô ra được hỗ trợ thêm bằng 4 cột nhỏ ngắn. Hàng bẩy tiền và hậu được chạm 4 rồng lá cách điệu. Các đầu bẩy đều được treo những quả chuông đồng nhỏ. Mỗi khi có gió thổi, chuông rung, phát ra những âm thanh thánh thót, phá bớt cảnh u tịch của chùa.

Nếp nhà cuối cùng của kiến trúc chùa Vĩnh Nghiêm là nhà tổ đệ nhị, kết cấu kiểu chuôi vồ. Toà nhà này dài 27.80 m, rộng 14 m (cả hậu trường). Kết cấu bên trong cũng là khung gỗ, nhưng hai đầu hồi và tường hậu đã được xây gạch. Cấu trúc khung gỗ kiểu vì kèo tam giác với 4 hàng chân cột. Các thành phần trong vì đều mảnh, nhỏ, chỉ được bào trơn, đóng bén, không có điêu khắc trang trí. Bên trong nhà tổ đệ thị có 11 gian và 3 gian chuôi vồ.

Nhìn chung các toà kiến trúc trong khu vực chính đều khá đồ sộ, bề thế, dựng trên nền cao kê đá tảng hoặc bó gạch. Những hàng cột lim lớn đỡ các lớp mái ngói mũi hài khổ to, bản dầy, với đầu đao uốn cong, bờ dải, bờ nóc gắn gạch hộp, trổ hoa chanh và các hình tranh trí quen thuộc như cuốn thư, hoa lá… đã tạo cho ngôi chùa Vĩnh Nghiêm có một dáng vẻ đặc biệt. Sự tồn tại song song kiểu kiến trúc đầu thế kỷ XIX và kiến trúc ở vào giai đoạn cuối thế kỷ XVII chẳng những đã mang lại tính chất đa dạng của công trình mà còn là một ví dụ cho việc so sánh các giai đoạn phát triển của nền kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Đó là một kiến trúc tiêu biểu cho một thời điểm trên hành trình lâu dài của nền kiến trúc dân tộc.

Những đặc điểm kiến trúc của chùa Vĩnh Nghiêm đã có biến đổi. Tuy là nhỏ bé nhưng nó đánh dấu một quá trình phát triển đi lên của kỹ thuật xây dựng ở nước ta.

Trung tâm Phật giáo thời Trần

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Vĩnh Nghiêm tự là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng dưới thời Trần ở xứ Kinh Bắc. Vị trí này khiến cho Vĩnh Nghiêm tự trở thành một trạm dừng chân cho khách hành hương trước khi vượt sông, leo núi về “đất thánh” của thiền phái Trúc Lâm – trên núi An Tử.

Tầm quan trọng của chùa Vĩnh Nghiêm thời Trần đã phần nào được thể hiện trong câu ca dao:

“Ai qua An Tử Quỳnh Lâm

Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa đành”

Về vai trò một thời của chùa Vĩnh Nghiêm, ta chỉ được thấy thấp thoáng qua một số thư tịch cổ. Sách “Thiền uyển tập anh” cho hay: “Vào năm Hưng Long thứ 21 (1313), Đại sư Pháp Loa về chùa Vĩnh Nghiêm trụ trì để định chức các tăng đồ trong toàn quốc. Như vậy từ đây đánh dấu việc thống nhất chặt chẽ trong toàn quốc của Phật giáo. Từ sau đó, cứ 3 năm nhà Trần lại định chức các tăng đồ một lần”. Vậy thì vai trò đầu tiên của ngôi chùa này chính là trung tâm đào luyện các tăng ni và ban hành các pháp chế của Phật đạo toàn quốc.

Chùa Vĩnh Nghiêm còn có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử riêng của Phật giáo Việt Nam. Vĩnh Nghiêm là nơi gặp gỡ của 3 nhân vật đã sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm – một dòng thiền phái rất thịnh hành ở Việt Nam vào thời Trần là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Thư tịch “Tam tô thực lục” còn ghi: “Trạng nguyên Huyền Quang một hôm theo vua Trần Nhân Tông đến huyện Phượng Nhỡn vào chùa Vĩnh Nghiêm nghe Pháp Loa giảng kinh, bèn dâng biểu xin xuất gia tu đạo. Vua ưng cho, bèn thụ giáo với Pháp Loa, lấy Pháp hiệu là Huyền Quang”. Đó là sự việc thời Trần Nhân Tông cách đây hơn 700 năm. Như vậy chứng tỏ chùa Đức La (Vĩnh Nghiêm) phải được xây dựng trước đó, đến thời Trần chỉ mở mang thêm mà thôi.

Sau lần giác ngộ Phật đạo ỏ chùa Đức La, vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang đã lập nên giáo phái Trúc Lâm. Ba vị trở thành tam tổ: “Là những bậc giáo hoàng thời ấy. Vì ngoài sự đắc đạo tu hành, thuyết Pháp độ sinh, các ngài còn được đặc quyền cầm sổ tăng tịch trong nước, thống lãnh hết thảy tăng đồ”.

Nơi lưu trữ và bảo quản mộc bản kinh Phật

Chính vì là nơi đào luyện tăng đồ nên Vĩnh Nghiêm tự còn là nơi lưu giữ bảo quản kho ván in kinh, sách nhà Phật có số lượng hàng nghìn bản là di sản văn hóa vô cùng quý báu của quốc gia. Tương truyền nhà kho đê ván của chùa xưa rộng hơn 10 gian nhà. Hiện nay chùa Vĩnh Nghiêm còn bảo lưu tất cả 6 kệ in sách kinh vởi số lượng vài nghìn bản. Hai kệ lớn đặt ở chùa Hộ, 3 kệ nhỏ đặt ở toà Thiêu Hương và 1 kệ nhỏ đặt ở nhà tổ đệ nhất.

Hai kệ lớn ở chùa Hộ, mỗi kệ có tối vài trăm bản, hai kệ này cơ bản là ván in pho kinh Hoa Nghiêm, kệ đặt ở bên phải có lẫn khoảng trên 20 bản của bộ kinh A di đà.

Ba kệ nhỏ ở toà Thiêu Hương có số lượng khoảng trên dưới 500 bản được sắp xếp lộn xộn gồm nhiều loại sách khác nhau. Một kệ nhỏ ở nhà tổ đệ nhất có gần 100 bản, hầu hết là kinh Đại thừa.

Các ván in này đều bằng chất liệu gỗ thị, có kích cỡ trung bình 33cm X 23cm X 2,5cm, màu đen thẫm, do đã qua nhiều lần in nên dầu mực được phủ lớp mỏng bên ngoài có tác dụng chống mối mọt rất hiệu quả. Phần lớn mỗi vãn in được khắc chữ ở 2 mặt theo kiểu chân phương, nhưng chữ khắc ngược. Mỗi mặt ván là 2 trang sách. “Biên lan có khung viền 4 xung quanh gồm 1 đường chỉ to và 1 đường chỉ nhỏ (văn vũ biên lan). Bản tâm (hay bản khẩu) thường khắc dòng chữ cho biết tên sách (hoa khâu). Hai bên thượng hạ bản tâm có ngư vĩ (đuôi cá) theo kiểu song ngư vĩ. Tả hữu, thượng hạ biên lan có thiên đầu, địa cước rộng chừng 2,5cm.

Qua kiểm kê, theo dòng chữ khắc trên bản tâm có thể nhận thấy ván khắc ở chùa Vĩnh Nghiêm phần nhiều là kinh, số ít là sách nhà Phật. Trên số lượng tổng thể thì có tới 2/3 là kinh Hoa Nghiêm, còn lại là kinh Di đà, kinh quan thế âm, Tì khâu Ni giới kinh, thai thánh Chân kinh…

Nghệ thuật điêu khắc tượng Phật

Bên cạnh kho ván kinh, sách nhà Phật vô cùng quý báu, chùa Vĩnh Nghiêm còn có một bộ sưu tập điêu khắc lớn, bao gồm tượng Phật, tượng chân dung mà niên đại đã được khẳng định rõ ràng vào thời Nguyễn – như bia chùa đã nói tới.

Toàn bộ tượng Phật được bày ở khối kiến trúc thứ nhất gồm chùa Hộ, Thiêu Hương và chùa Phật.

Tượng ở chùa bao gồm tượng Thiên Vương vận võ phục tượng trưng cho tướng nhà Phật, động chúa Mẫu và hai pho tượng Hộ Pháp, bên tả là khuyến thiện, bên hữu là trừng ác. Hai pho tượng này có quy mô lớn, đầu tượng gần chạm nóc chùa. Bên cạnh hai pho Hộ Pháp là tượng Long thần và Địa tạng. Gian giữa chùa Hộ nhìn thẳng vào toà Thiêu Hương có tấm hoành phi lớn đề bốn chữ: A di đà Phật. Nhà Thiêu Hương được trang trí lộng lẫy nhất trong 3 nếp chùa. Bên trên cửa võng đều có hoành phi đề chữ lớn, lần lượt từ ngoài vào: “Tam giới Đại Sư”, “Pháp Vượng Vô Thượng”, “A Di Đà”.

Gian đầu toà Thiêu Hương là nơi tụng kinh của nhà sư. Ở đây có chiếc mõ đặc biệt lớn, được sơn đen, lỗ thoát âm có đề hai dòng chữ Phạn.

Chùa Phật là thế giới tượng Phật được bày từ gian thứ 2, tầng tầng lớp lớp cho tới gian tận cùng. Hai bên dãy tượng Phật là những cây đèn nến có kích thước lớn. Hai bên sườn nhà Thiêu Hương là dãy tượng La Hán.

Tượng ở chùa Vĩnh Nghiêm đều có quy mô lớn, phủ màu sơn nâu cánh gián rất trang nghiêm. Các tượng đều đặt ngồi nhập định trên toà sen hoặc đang thuyết pháp. Tượng Phật chùa Vĩnh Nghiêm đã tuân thủ những quy pháp của phép tạo tượng, trở thành những tác phẩm điêu khắc rất có giá trị.

Ngoài tượng Phật, chùa Vĩnh Nghiêm còn có một số tượng chân dung tiêu biểu như tượng Tam Tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang trong đó đáng chú ý là tượng tổ đệ nhất Trần Nhân Tông ngồi ở tư thế “Tham thiền nhập định”. Sư tổ có gương mặt bầu, đầy đặn, đôi mắt dài và đẹp, cặp lông mày thanh mảnh, môi đỏ. Người tạc như có ý nhấn mạnh: dẫu có quy y nhưng ông vua này không mất đi những nét quý phái của người trần tục trên gương mặt. Sư tổ mình vận áo cà sa phủ kín, hai tay đặt trên đùi bàn tay trái úp, tay phải lần tràng hạt.

Pho tượng Trần Nhân Tông mặc dù hoàn toàn có tính chất tượng trưng nhưng nhờ “tạo dáng” tương đối tốt, gương mặt có cá tính, đặc biệt là thoả mãn được điều muốn biểu đạt về đặc tính khổ luyện của nhân vật đã tạo nên một tác phẩm rất đáng quan tâm ở chùa Vĩnh Nghiêm.

Ở nhà tổ đệ nhị còn hai tượng chân dung khác. Một trong hai pho tượng đó là của Hòa thượng Thích Thanh Hanh. Hoà thượng đang ngồi nhập định, mình mặc áo cà sa mầu cánh gián. Dáng người rất khắc khổ với gương mặt gầy, cằm đưa rộng, má hõm sâu, lưỡng quyền cao, tai dài, cổ nhiều nếp nhăn. Đây là những tác phẩm tiêu biểu về tượng chân dung ở chùa Vĩnh Nghiêm.

Từ ngày khởi đạo đến nay, đã có biết bao thế hệ tăng sư trụ trì tại ngôi chùa nổi tiếng này. Rất tiếc đến nay vẫn chưa có danh sách đầy đủ về những lớp người đó. Tấm bia ở chùa Vĩnh Nghiêm chỉ giúp ta biết được một số Hòa thượng và nhà sư trong những năm tháng ở đây đã có công lao giữ gìn công trình kiến trúc này và không ngừng tô đẹp cho cảnh chùa…

Đồng hành cùng kháng chiến

Vào khoảng những năm 30 của thế kỷ XX, người trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm là Hòa thượng Thích Thanh Hanh. Sư tổ Thích Thanh Hanh lúc còn sống là một nhà sư có tiếng tăm, có uy tín lớn đôì với Phật giáo Bắc Kỳ lúc đó. Thực dân Pháp có âm mưu lợi dụng Phật giáo để mê hoặc nhân dân làm công cụ cho việc cai trị của chúng. Thấy Hòa thượng chùa Vĩnh Nghiêm có uy tín, Nguyễn Năng Quốc nhiều lần mời cụ ra làm hội trưởng Hội Phật giáo cho hội thêm uy tín. Quốc đã nhiều lần cho người vào lôi kéo Hòa thượng nhưng Hòa thượng Thích Thanh Hanh đều từ chối lời mời của Quốc với lý do người tu hành không ham phú quý và danh vọng.

Cách mạng Tháng tám thành công, hòa bình không được bao lâu, toàn quốc bùng nổ kháng chiến. Chùa Vĩnh Nghiêm nằm trong vùng địa điểm chiến lược. Mảnh đất này án giữ một vùng đường thuỷ quan trọng thọc sâu vào chiến khu Đông Bắc của ta. Các sư tăng chùa Vĩnh Nghiêm đặc biệt là sư Tứ đệ cho phép dùng chùa làm nơi huấn luyện cán bộ Việt minh, huấn luyện du kích. (Có lần 200 du kích các xã đã tập trung trong chùa huấn luyện).

Suốt những năm đầu của cuộc kháng chiến, chùa đã giúp đỡ nhiều khoá huấn luyện chính trị và quân sự. Bất kỳ khoá huấn luyện nào, sư Tứ và nhà chùa đều hết lòng giúp đỡ nơi ăn chốn ở, chu đáo tận tình. Ngoài việc giúp đỡ củi, rơm, đôi khi có đợt anh em gặp khó khăn về lương thực, nhà chùa cũng sẵn sàng ủng hộ.

Những người tu hành ở chùa Vĩnh Nghiêm không chỉ ủng hộ bằng sự tiếp nhận các lớp huấn luyện, mà còn hưởng ứng lời kêu gọi “tăng gia sản xuất” của Hồ Chủ tịch. Ngay sau hòa bình lập lại, nhà sư Thanh Duyệt (tức Hòa thượng Thích Quảng Duyệt) trụ trì tuy già yếu nhưng vẫn rất chăm lo việc tăng gia sản xuất.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hòa thượng Thích Quảng Duyệt đã từng cuộn áo cà sa chở đò đưa cán bộ và du kích qua sông, tránh cuộc truy lùng của giặc. Từ khi về trụ trì tại chùa Vĩnh Nghiêm, Hòa thượng đã không ngừng truyền đạt nội dung đúng đắn của người tu hành dưới chế độ ta cho Phật tử tăng ni và ra sức làm đẹp cảnh chùa.

Lễ hội

Hàng năm, chùa Vĩnh Nghiêm mở hội vào ngày 14 tháng 2 âm lịch. Ngày này các sư gọi là ngày giỗ tổ nên cũng gọi là hội giỗ tổ chùa La.

Hội chùa La là một hội chùa lớn: Do là hội chùa nên tính chất lễ hội ít mà tính chất lễ giỗ nhiều hơn. Do ngày hội chùa tổ chức tốt, các tăng sư trụ trì ở đây đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xã, huyện, duy trì các hoạt động diễn ra ở nội ngoại chùa.

Trong ngày hội (14/2) các tăng ni ở chùa thắp hương tụng kinh, niệm Phật ở Tam bảo, nhà Tổ đệ nhất và nhà Tổ đệ nhị. Đồng thời cũng thỉnh chuông hoàng dương Phật Pháp vào lúc sớm tối trong ngày.

Từ ngày 13 trở đi, khách thập phương từng đoàn từ 5, 10 đến 20, 30 người lũ lượt kéo về chùa. Khách đến chùa trảy hội, hầu hết là các già, các vãi và thanh thiếu niên, nam nữ. Trong khu vực nội tự, các đoàn dâng hương hành lễ. Xen lẫn trong các đoàn người là các đội văn nghệ của làng biểu diễn tích nhà chùa.

Hội chùa La được mở để giỗ tổ 3 vị tổ sư của thiền phái Trúc Lâm là: Giác hoàng Điều ngự Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang. Cuộc giỗ này do vị sư trụ trì của chùa Vĩnh Nghiêm đứng lên lo liệu. vị sư này là thành viên quan trọng của Giáo hội Phật giáo tỉnh. Với uy tín và kinh nghiệm nghề nghiệp, vị sư đó chỉ đạo các sư tiến hành các nghi thức giỗ tổ ở chùa.

Trong ngày hội, mọi người đều được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công trình kiến trúc cổ thời Lê – Nguyễn và thắp hương niệm Phật ở các toà, tưởng niệm 3 vị sư tổ của thiền phái Trúc Lâm ở nhà tổ đệ nhất.

Hội chùa La là hội lớn của vùng ngã ba Phượng Nhỡn từ nhiều năm nay. Tiếng vang của hội mỗi ngày một lan truyền xa rộng nên ngày càng thu hút khách thập phương xa gần đến dự mỗi năm một đông hơn.

Hơn 700 năm trôi qua lễ từ khi thiền phái Trúc Lâm sáng lập đến nay, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn tồn tại như một trung tâm Phật giáo, một thiền viện đào tạo tăng ni nổi tiếng trong cả nước. Với công trình kiến trúc cổ thời Lê – Nguyễn, hệ thống tượng Phật mẫu mực, nhiều hiện vật quý hiếm cùng vói phong cảnh thanh u, tĩnh mịch, chùa Vĩnh Nghiêm đã đi vào thơ ca không chỉ của người xưa mà ngày nay, chùa vẫn là cảm hứng sáng tác của những nhà thơ mỗi khi về chùa.

Theo Nguyễn Thu Minh, Chùa Cổ Việt Nam, Nxb Thanh Niên

5/5 (32 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)