Đền Thượng (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai)

Đền Thượng (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đền Thượng toạ lạc trên đỉnh đồi Hỏa Hiệu (đỉnh Mai Lĩnh), phía sau là núi Mai Lĩnh, phía trước là sông Nậm Thi hiền hòa trong xanh tại phường Lào Cai, thị xã Lào Cai, sát đường biên giới Việt – Trung.

Lịch sử và nhân vật

Ngôi đền gắn liền với những dấu ấn lịch sử liên quan đến hoạt động của Trần Hưng Đạo ở mảnh đất biên giới Lào Cai trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên thế kỷ XIII của nhà Trần. Đền được xây dựng vào thời Lê, niên hiệu Chính Hòa (1680 – 1705).

Trong Danh thắng, di tích và lễ hội truyền thống Việt Nam viết rằng:

Trong suốt thời kỳ lịch sử từ nhà Lê đến Tây Sơn, đồi này được gọi là đài hỏa hiệu. Lịch sử đã ghi nhận: Vào tháng 9/1257, giặc Nguyên có âm mưu xâm lược nước ta, chủ trại Quy Hóa (Lào Cai, lúc bấy giờ thuộc tỉnh Hưng Hoa) tên là Hà Khuất đã cử người xuống kinh đô báo triều đình. Nhà Trần ban lệnh cả nước sắm vũ khí và điều quân lên biên giới diệt giặc. Dưới sự chỉ huy tài tình của Trần Hưng Đạo, binh sĩ triều Trần đã ba lần đánh tan quân Nguyên, trong đó có sự góp phần không nhỏ của quân sĩ Lào Cai, nơi địa đầu Tây Bắc Tổ quốc. Sau này, trong các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, Lào Cai luôn là pháo đài vững chắc bảo vệ biên giới đất nước. Năm 1794, giặc Thanh sang cướp nước ta, quân dân Lào Cai đánh đuổi giặc và lập điện thờ Đức Thánh Trần giúp sức.(1)

Những năm đầu thế kỷ XIX, cửa khẩu Lào Cai được củng cố xây dựng thành một trong ba cửa khẩu lớn nhất triều Nguyễn, vùng Lào Cai trở thành một thương trường lớn có tên là Lão Nhai. Cùng với việc phòng thủ biên giới, phát triển quan hệ buôn bán và chính trị, nhà Nguyễn còn chú trọng đến đời sống văn hóa tâm linh. 

Cuốn Danh thắng, di tích và lễ hội truyền thống Việt Nam cho biết thêm:

Năm 1836, từ điện thờ, dân làng Lão Nhai đã quyên góp tiền của xây thành đình. Đình Thượng thờ một vị tướng quân của Trần Hưng Đạo có tên nôm là ông Sét, sau này được dân làng Lão Nhai suy tôn làm Thành Hoàng làng, cử người về Vạn Kiếp rước vong linh của Trần Hưng Đạo lên đình để thờ, rồi đổi thành Đền Thượng. Đền Thượng thực chất là nơi thờ vọng Đức Thánh Trần(2)

Bài viết Đền Thượng Lào Cai – Hào khí Đông A nơi cửa ngõ biên giới cũng viết về lịch sử đền:

Đến năm 1917 (năm Khải Định thứ 2), các bô lão và dân chúng lại tôn tạo ngôi đình mở rộng quy mô để tỏ lòng ngưỡng vọng các bậc thánh hiền, cũng tỏ rõ ý chí noi theo các bậc tiền nhân mà giữ gìn bờ cõi. Năm Giáp tý (1923), các vị tiên chỉ chức sắc, lão nhiêu, anh em các cấp trên dưới và nhân dân ở thôn Tân Bảo, xã Lao Kay, châu Bảo Thắng cùng hội họp đồng tâm chung sức tu tạo đình Thượng. Sau khi tu tạo đình uy nghi, bề thế, Tiên chỉ Hoàng Đình Ninh đã tổ chức một đoàn người về Kiếp Bạc xin âm phúc, bát nhang Đức Thánh Trần rước lên đặt tại đình Thượng để thờ phụng. Từ đó, đình Thượng chuyển thành đền Thượng(3).

Kiến trúc cảnh quan

Đền Thượng đã trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, lần gần đây nhất vào giữa năm 2024. 

Để đảm bảo công tác tu bổ, tôn tạo quần thể di tích Đền Thượng và Đền Am, thành phố Lào Cai đã có thông báo tạm dừng các hoạt động tham quan, chiêm bái, thực hành nghi lễ tại Đền Thượng và Đền Am từ ngày 16/4 đến 31/8/2024 (tức ngày 8/3 đến 28/7 âm lịch). Đồng thời, Ban Quản lý Di tích thành phố đã hoàn thành việc di chuyển tượng pháp, đồ thờ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đơn vị thi công tiến hành hạ giải(4).

Ông Ngô Ngọc Hà, Trưởng Ban Quản lý di tích thành phố Lào Cai cho biết: 

Lần đại trùng tu này vừa tròn 100 năm đền được chuyển lên vị trí hiện nay. Sau khi trùng tu, Đền Thượng và Đền Am có diện tích rộng hơn, đẹp hơn đáp ứng nhu cầu tham quan, chiêm bái của du khách thập phương nhưng vẫn giữ nguyên lối kiến trúc cổ thời nhà Trần(5).

Vị trí ngôi đền có cảnh quan “Sơn thủy hữu tình”. Mặt đền quay theo hướng Tây Nam nhìn ra nơi hai con sông Hồng và sông Nậm Thi hợp dòng chảy vào Tổ quốc, tạo nên vùng biên giới ngã ba sông tươi đẹp. Bên cạnh cổng vào ngôi đền có cây đa cổ thụ cao tới hơn ba chục mét với chu vi gần chục người ôm không xuể, tỏa bóng xum xuê giữa bầu trời lộng gió. 

Kiến trúc đền Thượng được xây dựng theo kiểu chữ “Đinh”. Cổng ngôi đền có miếu thờ bà Chúa Thượng Ngàn, trung tâm ngôi đền có nhà hậu đường, tòa đại bái và phủ chính. Gian chính của đền được bài trí các pho tượng: Tam tòa Đức Thánh Mẫu, tượng Đức Thánh Trần, các bàn thờ thổ địa cùng các cờ lọng, hoành phi câu đối tạo tính uy nghiêm thần thánh. 

Sự kiện và lễ hội 

Đền Thượng tổ chức mỗi năm ba ngày lễ, là: rằm tháng giêng, rằm tháng Bảy và 20 tháng Tám. Cứ mỗi dịp lễ hội đền, nhất là lễ tết đầu năm mới, không chỉ có những người con của Lào Cai đi xa về gần mà cả khách du lịch bốn phương cũng ghé thăm Đền Thượng thắp một nén nhang tỏ lòng thành kính trước các bậc tiền nhân.

Xếp hạng

Năm 1996, Đền Thượng được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia

Năm 2012, cây đa tại Đền Thượng cũng được công nhận là Cây di sản Việt Nam

Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Đền Thượng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 3247/QĐ-BVHTTDL ngày 16/9/2016.

Chú thích

[1] TS Lưu Minh Trị, Danh thắng, di tích và lễ hội truyền thống Việt Nam, tập 2, Nxb Hà Nội, 2004, tr 67.
[2] TS Lưu Minh Trị, Danh thắng, di tích và lễ hội truyền thống Việt Nam, tập 2, sđd, tr 68.
[3] Lan Phương, Đền Thượng Lào Cai – Hào khí Đông A nơi cửa ngõ biên giới, website vanhoavaphattrien.vn, ngày 02/02/2023.
[4] Nguyễn Thành Phú, Đại trùng tu Đền Thượng, website baolaocai.vn, ngày 01/05/2024.
[5] Nguyễn Thành Phú, Đại trùng tu Đền Thượng, website baolaocai.vn, ngày 01/05/2024.

Tham khảo

  1. TS Lưu Minh Trị (2004), Danh thắng, di tích và lễ hội truyền thống Việt Nam, tập 2, Nxb Hà Nội. 
  2. Nguyễn Thành Phú (2024), Đại trùng tu Đền Thượng, website baolaocai.vn.
  3. Lan Phương (2023), Đền Thượng Lào Cai – Hào khí Đông A nơi cửa ngõ biên giới, website vanhoavaphattrien.vn.
5/5 (1 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ
Ảnh Đền Thượng LÀo Cai

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)