Lễ hội Đền Sái (11 tháng Giêng)

Lễ hội Đền Sái (11 tháng Giêng)

Có lẽ hiếm có ngôi làng nào, địa phương nào lại có nhiều “vua giả” như ở làng sái, làng Thụy Lôi, Đông Anh, Hà Nội. Bởi ở khu vực này hàng năm có một lễ hội cực kỳ đặc biệt và thu hút được hàng ngàn hàng vạn du khách thập phương tới xem và thưởng thức.
 
Cứ vào dịp ngày 11 tháng giêng âm lịch hàng năm, tại làng Thụy Lôi của xã Thụy Lâm huyện Đông Anh lại thu hút đông đảo bà con và nhân dân đến tham gia lễ hội Đền Sái. Trước đây lễ hội này đã từng bị gián đoạn, tuy nhiên đã được khôi phục lại toàn bộ kể từ năm 1989 và cho đến nay.

Lễ rước vua


Công việc chuẩn bị rước “vua sống” có nhiều khâu, nhiều việc song việc quan trọng nhất là chọn “vua giả”, “công chúa giả” và các quan. Tập tục làng quy định các ông lão vào tuổi 55, ngày mồng 8 tết phải sửa hai mâm cỗ, mâm lớn dâng lên đền Sái, mâm nhỏ cúng thành hoàng làng. Mâm cỗ cúng thành hoàng sau đó được khao dân. Sau khi hoàn thành lệ làng người đó được gọi là quan thượng thính. Những người đã qua lễ thượng thính đến tuổi 60 được đóng làm quan “tứ trụ”.

Quan tứ trụ gồm bốn người:

  • Quan trấn phủ là người trấn ải biên thùy hàng năm được triệu về bảo vệ vua đi bái yết thánh.
  • Quan tám lý là người được bàn bạc công việc lớn của triều đình
  • Quan đề lĩnh là người lĩnh ấn tiên phong thi hành nhiệm vụ
  • Quan tự vệ là người được đi sát nhà vua, vừa là người bảo vệ vua

Sau bốn năm làm quan mới được đóng làm chúa, vai chúa trước đây phải tự sắm lấy trang phục (thường là màu vàng), kiệu của công chúa không lộng lẫy bằng kiệu của vua.

Người được đóng làm vua phải là người khỏe mạnh, không dị tất (khâu chọn người này từ lúc người làm lễ thượng thính, qua các lần đóng làm quan và chúa). Người có độ tuổi 71 tự sắm lấy áo thụng, mũ cánh chuồn và một đôi hia, kiệu rước lộng lẫy sơn son thếp vàng.

Trong hội rước “vua giả” tất cả động tác, tình tiết đều nhằm diễn lại tích xưa, ấy là việc vua cùng đoàn tùy tùng về bái kiến đức thánh Huyền Thiên; vì vậy các ngôi thứ, võng lọng đều phỏng theo lối của triều đình.

Ngày 8 tháng Giêng, các quan tổ chức đi lễ ở các đền xung quanh đền Sái như đền Thủy, đền Trung, đền Thượng…

“Vua giả” phải lo nuôi một trâu, một lợn, “chúa giả” phải lo một bò, một lợn để sáng 11 làm lễ giết trâu, bò, lợn tế thánh sau đó khao dân làng. Khoảng 9 giờ sáng từ trong các ngõ không khí tưng bừng náo nhiệt, các dòng họ có người được chọn làm “vua”, “chúa”, “quan”, lần lượt rước kiệu, võng ra tập trung tại đầu làng để bắt đầu cuộc hành hương rước lễ đi bái yết đức thánh Huyền Thiên.

Trước khi màn rước “Vua” là lễ khênh kiệu từ đình làng về đền Sái với màn quay kiệu hừng hực khí thế và vui nhộn. Đám rước kiệu đi trong tiếng nhạc của phường bát âm và tiếng chiêng trống trầm hùng trang nghiêm.

Đi đầu đám rước là cờ, tiếp đến là kiệu chúa sau đó là kiệu vua có che tàn lọng sặc sỡ, uy nghiêm và sau cùng là võng các quan: Trấn ải, Tự vệ, Tán ly, Đề lĩnh. Vua, chúa đi kiệu, các quan đi bằng võng, ăn mặc theo đúng tích xưa. Người khiêng kiệu và võng là các thanh niên trai tráng khỏe mạnh được trong họ chọn cử ra đảm nhiệm. Đám rước đi khoan thai trong tiếng nhạc, tiếng trống, tiếng chiêng và rợp trời cờ xí.

Thỉnh thoảng kiệu “Chúa giả” được tung hô, quay một hai vòng làm cho không khi càng thêm sống động. Động tác tung hô này thể hiện tính xông pha, tinh thần xung trận của “chúa” vừa có ý dẹp đường để “vua” đi. Đám rước đến Đồng Chầu, “vua” xuống kiệu lên gò Bái Vọng làm lễ bái vọng đức thánh Huyền Thiên trên đền Sái.

“Chúa” ngồi trên kiệu đến đền Thượng, “chúa” xuống làm lễ “ướm gươm” vào hòn đá ở sau đền (tượng trưng cho Bạch Kê Tinh). Chúa chém ba nhát rồi để phẩm đỏ xuống đá, tục truyền ấy là động tác giết gà trắng. Sau khi làm lễ ướm gươm, “chúa” vào đền đứng vái trước bài vị của Cao Sơn đại vương rồi “biến mất”. Dân làng khiêng kiệu không về đình.

Sau khi làm lễ bái vọng, “vua” cùng các “quan” về đình “ngự” để hành lễ. Cuối ngày 12 tháng Giêng diễn lại tích “chúa” đi hành hội trừ yêu quái: sau khi đi hành hội ba vòng quanh đình có tứ giáp trong làng mang mào gà trắng đến trình “vua” coi như “chúa” đã diệt được ma gà và yêu quái. Sau lễ rước, “vua” trở về nhà bái kiến tổ tiên, gia tộc. Bà con làng xóm vui mừng tới chúc mừng.

Các hoạt động khác


Đền Sái  là ngôi đền nổi tiếng nhất Kinh Kỳ với danh tiếng rút quẻ thẻ cực thiêng và chính xác. Rút quẻ thẻ giống như rút quẻ bói, con hương đệ tử thường rút quẻ đầu năm tại đền để xem quẻ phán gia sự năm mới như thế nào, tốt hay là xấu. Để từ đó gia chủ có thể chuẩn bị trước tâm lý. Thẻ tốt thì lòng an tâm, thẻ xấu thì sẽ sắm lễ cầu thánh thần phù hộ gia quyến bình an, vượt qua vận hạn. Khách hành hương đã từng rút quẻ thẻ tại đây đều nói rằng quẻ rút được phán rất đúng gia sự trong năm nên đã tin lại càng tín hơn.  

Tiếng lành đồn xa, cứ thế đền Sái trở thành địa chỉ nổi tiếng nhất Kinh Kỳ khi nhắc đến rút quẻ đầu năm. Do vậy, vào những ngày lễ đầu năm, khung cảnh hàng dài cả trăm mét người xếp hàng chen chúc để được vào đền rút thẻ diễn ra thường xuyên và trở thành một khung cảnh quen thuộc, đặc trưng tại đền Sái. Sau khi rút thẻ xong, con hương sẽ đến gian các ông đồ thầy cạnh đền để giải nghĩa thẻ. 

Ngoài nổi tiếng với việc rút quẻ đầu năm đền Sái cũng nổi tiếng là địa chỉ cầu duyên, cầu con hay là nơi con hương dâng lễ vật cầu bình an, gia đình khỏe mạnh, gia sự tốt lành, làm ăn phát đạt vào những dịp đầu năm mới hay những ngày lễ hội tại đền. 

Tham khảo


  1. Đền Thánh Mẫu: https://denthanhmau.blogspot.com/2017/09/den-sai-thuy-lam-ha-noi.html
  2. Báo VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/le-hoi-den-sai-tung-bung-voi-man-ruoc-vua-song-chua-song-876025.vov
  3. Sở Du lịch Hà Nội: https://sodulich.hanoi.gov.vn/diem-den/diem-den-du-lich-di-san-di-tich/khu-di-tich-va-le-hoi-den-sai.html
  4. Oản Cô Tâm: https://oancotam.com/huyen-thien-tran-vu/

5/5 (1 bình chọn)
Chia sẻ
Đền Sái (1)

Thời gian tổ chức: Ngày 11 tháng Giêng

Nội dung chính

Địa điểm tổ chức
Danh vị
Nội dung đang được cập nhật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

banner APP CHỐN THIÊNG 3 (60X90)