Quốc sư Phù Vân (Đạo Viên hoặc Viên Chứng)

Quốc sư Phù Vân (Đạo Viên hoặc Viên Chứng)

Thông tin cơ bản

Thiền sư Đạo Viên (Viên Chứng) còn có hiệu là Phù Vân, được vua Trần Thái Tông tôn xưng là Quốc sư Trúc Lâm, là đệ tử của Thiền sư Hiện Quang, thuộc thế hệ thứ 15 của phái thiền Vô Ngôn Thông.

Năm 1221, Thiền sư Đạo Viên kế thế trụ trì chùa Hoa Yên. Năm Bính Thân (1236), vua Trần Thái Tông không chấp thuận việc chú là Thái sư Trần Thủ Độ ép buộc lấy chị dâu và chán việc tranh ngôi giành quyền của triều đình, tranh danh đoạt lợi và lý vô thường của cuộc đời, nên bỏ ngôi vua, trốn lên núi Yên Tử vào chùa Vân Yên để xin Quốc sư Phù Vân xuất gia tu Phật.

Quốc sư chào đón xong, thong thả ung dung hỏi vua: “Lão tăng ở rừng núi hoang dã đã lâu, xương cứng, thân thể gầy gò, ăn rau, nhai hạt dẻ, uống nước suối, vui cảnh rừng đã quen, lòng đã nhẹ như đám mây nổi, nên mới theo gió vào đây. Nay bệ hạ bỏ địa vị nhân chủ mà đến cảnh quê mùa rừng núi, chắc hẳn là muốn tìm cầu điều gì cho nên mới đến đây?”

Khi nghe Quốc sư hỏi, vua ứa nước mắt khóc và thưa rằng: “Trẫm còn thơ ấu, đã sớm mất cha mẹ, trơ vơ đứng trên sĩ dân, không có nơi nương tựa. Lại nghĩ rằng: Sự nghiệp đế vương đời trước hưng phế bất thường, cho nên trẫm mới vào chùa này, chỉ muốn cầu thành Phật, chứ chẳng muốn tìm cầu gì khác”.

Quốc sư đáp: “Trong núi vốn không có Phật, Phật vốn ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng lại là trí tuệ sáng suốt, đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay, không cần cực khổ, khó nhọc đi tìm ở bên ngoài”.

Ngày hôm sau, Thái sư Trần Thủ Độ đem theo các quan kỳ cựu, lớn tuổi trong triều đình và các vị bô lão trong dân chúng lên chùa Vân Yên trên núi Yên Tử tìm gặp vua, Thái sư thống thiết nói: “Tôi chịu lời ủy thác của Tiên Quân có bổn phận phụng sự cho bệ hạ làm chủ thần dân, nhân dân đang mong đợi bệ hạ như con đỏ trông chờ cha mẹ. Huống chi ngày nay, các cố lão trong triều đình đều là họ hàng thân thích, sĩ thứ trong nước đều vui vẻ phục tùng, đến cả đứa trẻ lên 7 tuổi cũng biết bệ hạ là cha mẹ dân. Hơn nữa, Thái tổ vừa mới bỏ tôi, đất trên mộ chưa ráo, lời dặn dò còn văng vẳng bên tai. Thế mà bệ hạ trốn tránh vào rừng núi ẩn cư để cầu thỏa lấy ý chí riêng của mình. Tôi tạm nghĩ: Nếu bệ hạ vì mục đích tu lấy cho riêng mình thì được, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao? Nếu vì muốn được lời khen suông cho đời sau thì sao bằng lấy chính thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ. Nếu bệ hạ không nghĩ lại, quần thần chúng tôi cùng nhân dân cùng xin chết cả ngày hôm nay, quyết không trở về”.

Vua nói: “Trẫm còn trẻ tuổi, chưa cáng đáng được việc nặng nề thì Phụ hoàng đã vội lìa đời, sớm mất chỗ trông cậy, trẫm không dám ở ngôi vua mà làm nhục cho xã tắc”.

Thái sư nài nỉ hai ba lần mà vua cũng không đổi ý, Thái sư bảo mọi người: “Vua ở đâu thì lập triều đình ở đó”.

Nói xong, Thái sư cắm cây nêu trong núi, chỉ định chỗ làm cung điện và sai người lo xây cất.

Quốc sư Phù Vân thấy thế mới tâu với vua: “Xin bệ hạ hãy gấp về kinh sư, chớ để làm hại đến núi rừng của lão tăng”.

Vì vậy, buộc lòng vua phải chấp nhận trở về kinh đô. Khi đó, Quốc sư nắm tay vua mà nhắn nhủ: “Phàm làm đấng vua của thần dân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình và tâm của thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón bệ hạ trở về, bệ hạ không về sao được. Tuy nhiên, sự nghiên cứu nội điển, xin bệ hạ đừng phút nào quên”.

Sau khi bị bắt buộc phải về kinh đô tiếp tục ở ngôi vua vừa lo việc triều chính, vua vẫn thi hành theo lời nhắn nhủ của Quốc sư Phù Vân, vua tham học kinh điển, sách thiền học và tu tập theo Thiền tông. Vua cũng thường thỉnh các bậc kỳ đức trong chốn thiền lâm để tham vấn Phật pháp và Thiền học, trong số đó gồm có: Quốc sư Phù Vân, các Thiền sư Tức Lự, Ứng Thuận, Đại Đăng… Vua cũng tham học Thiền với Thiền sư Thiên Phong – Nguyên Trường của phái thiền Lâm Tế (đời 20) từ Trung Quốc vân du sang Đại Việt hoằng dương Phật pháp. Vua thỉnh thoảng cũng đến chùa Chân Giáo kinh đô Thăng Long tham vấn thiền học với Thiền sư Đức Thành, vua cũng thường tổ chức những buổi tham học Thiền ở viện Tả Nhai, mời các Thiền sư Trung Hoa và các bậc kỳ đức Việt Nam nêu trên cùng tham dự.

Năm 1248, vua Trần Thái Tông mời Quốc sư Phù Vân về chùa Thắng Nghiêm ở kinh đô để chủ trì việc khắc bản ấn hành kinh sách Phật giáo. Trong dịp đó, Vua trình cho Quốc sư sách “Thiền tông chỉ nam” do vua biên soạn, Quốc sư xem xong khen ngợi và nói: “Tâm của chư Phật ở cả trong này, sao không khắc in ra để chỉ bày cho kẻ hậu học!”. Vua vâng lời, cho đem in sách này để phổ biến.

Về kinh sư kỳ này, Quốc sư Phù Vân có nhiệm vụ kiểm điểm lại các kinh sách và các quyển ngữ lục của Thiền trước khi đem khắc bản gỗ để in ấn và phát hành phổ biến. Không biết việc in kinh sách lần này được tổ chức như thế nào, các kinh sách nào được in và phát hành bao nhiêu quyển? Thời gian in kinh đó tiến hành trong bao lâu? Có lẽ trong lần về kinh đô này, Quốc sư Phù Vân cũng được thỉnh thuyết giảng Phật pháp và tham dự các buổi tham vấn Phật pháp ở viện Tả Nhai.

Quốc sư Phù Vân đã có nhiều ảnh hưởng đối với vương hầu tôn thất và triều thần nhà Trần. Quốc sư cũng đã góp phần công đức quí báu trong việc in ấn hành kinh điển Phật giáo và các sách ngữ lục của Thiền tông, nhờ đó Phật pháp được truyền bá sâu rộng trong dân chúng.
Hiện chúng ta không có tác phẩm nào của Quốc sư Phù Vân để hiểu rõ về tư tưởng Thiền học của Ngài, nhưng qua lời kể của vua Trần Thái Tông, một thiền giả ngộ đạo, kể lại trong bài tựa sách “Thiền học chỉ nam”, chúng ta có thể hiểu được là Quốc sư Phù Vân là bậc đạt đạo, đạo cao đức trọng, là bậc đã giải thoát, có chủ trương “Thiền đốn ngộ” như Tổ sư Hiện Quang qua câu nói của Quốc sư với vua: “Núi vốn không có Phật! Phật ở nơi tâm, tâm yên lặng mà có trí tuệ, đó gọi là Phật. Giác ngộ được tâm này thì lập tức thành Phật, không phải khó nhọc tìm cầu ở bên ngoài”.

Quốc sư Phù Vân quả là bậc đắc đạo, sống an nhàn tự tại, thanh thoát như “đám mây bay” đúng với pháp hiệu “Phù Vân” của Ngài và hợp với câu nói của Ngài: “Lão tăng ở rừng núi lâu, xương cứng, dung mạo gầy ốm, ăn rau, nhai hạt dẻ, uống nước suối, vân du trong chốn rừng núi, lòng nhẹ như đám mây nổi phiêu bạt theo gió vào đây”.

Quốc sư quả là bậc thoát tục, tự tại vô ngại, tâm không trụ vào đâu và thanh thản như đám mây lơ lửng, phiêu bạt trong không gian, tiêu dao khắp rừng núi thanh vắng, bay khắp mọi nơi, không còn giới hạn của không gian và thời gian, bất sinh bất diệt.

Nghi vấn về thân thế

Trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, GS Nguyễn Lang đưa ra nghi vấn: 

Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư gọi vị thiền sư trên núi Yên Tử mà Thái Tông lên tham yết là Phù Vân, bạn cũ của Thái Tông. Điều này sợ sai, bởi vì Phù Vân là hiệu của thiền sư Tĩnh Lự, thuốc thế hệ thứ 10 của thiền phái Yên Tử, đệ tử của thiền sư An Tâm, trù trì chùa Hoa Yên.

Trong bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam, Thái Tông chỉ gọi vị thiền sư núi Yên Tử là Trúc Lâm đại sa môn, tôn xưng là quốc sư, mà không bao giờ gọi là ông Phù Vân quốc sư. Vị thiền sư này là đệ tử của Hiện Quang, mà theo Thiền Uyển Tập Anh có pháp danh là Đạo Viên; sách Thánh Đăng Lục, sách Yên Tử Sơn Trúc Lâm Trần Triều Thiền Tông Bản Hạnh và tài liệu truyền thừa chùa Hoa Yên (theo hòa thượng Phúc Điền) đều nói tên thiền sư là Viên Chứng. Viên Chứng hay Đạo Viên hay Trúc Lâm quốc sư cũng là một người.

Thiền sư Hiện Quang tich năm 1220, lúc vua Thái Tông mới lên 3 tuổi, thành thử Hiện Quang không phải là người vua gặp trên núi. Đạo Viên thiền sư làm lễ an táng thầy trên núi Yên Tử; năm thầy mất, Đạo Viên ít ra cũng 20 tuổi. Nói Đạo Viên là bạn cũ của Thái Tông e cũng không đúng, bởi vì hồi tám tuổi Thái Tông đã làm vua. Hơn nữa, trong bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam, Đạo Viên đã dùng tiếng lão tăng để tự chỉ mình. Sách Trần Triều Thiền Tông Bản Hạnh cũng nói Đạo Viên là “lão tăng thầy già”. Vậy liên hệ giữa hai người là liên hệ thầy trò mà không phải là bạn hữu.

Tham khảo

  • Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nguyễn Lang
Chấm điểm
Chia sẻ
Quoc Su Phu Van

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)