Giới thiệu
Thiền sư Liễu Quán (chữ Hán: 了觀; 1668 – 1743) là một cao tăng Việt Nam, thuộc đời pháp thứ 35, tông Lâm Tế. Sư là người khai lập ra Thiền phái Liễu Quán, một nhánh Thiền mang đậm phong cách của Văn hóa Phật giáo Việt Nam còn truyền lại đến ngày nay.
Thân thế
Thiền sư Liễu Quán họ Lê, húy Thiệt Diệu, tự Liễu Quán, sinh giờ Thìn, ngày 18 tháng 11 năm Đinh Mùi, tức ngày 01 tháng 01 năm 1668, tại làng Bạc Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
Mất mẹ năm sáu tuổi, Thiền sư muốn xuất gia, phụ thân liền đưa đến chùa Hội Tôn ở Phú Yên đảnh lễ Hòa Thượng Tế Viên để cầu thọ giáo.
Hòa Thượng Tế Viên viên tịch, trải qua bảy năm, Thiền sư đã băng đèo vượt suối từ Phú Yên ra đất Thuận Hóa đến núi Hàm Long tức là chùa Báo Quốc ngày nay đảnh lễ Giác Phong Lão Tổ thỉnh cầu tu học.
Đến năm Tân Mùi, năm 1691, sau khi xuống tóc vừa một năm, Thiền sư trở lại quê nhà hái củi nấu cháo, phụng dưỡng phụ thân, thắm thoắt bốn năm, thì phụ thân qua đời.
Cơ duyên tu tập
Qua bốn năm thân phụ mất, nhằm năm Ất Hợi (1695), Sư lại trở ra Thuận Hóa thọ giới Sa-di với Hòa thượng Thạch Liêm. Năm Đinh Sửu (1697), Sư lại thọ giới Cụ túc với Lão hòa thượng Từ Lâm (người Trung Hoa) ở chùa Từ Lâm.
Năm Kỷ Mão (1699), Sư đi tham lễ khắp Thiền lâm trải qua biết bao sự khó khăn khổ nhọc. Đến năm Nhâm Ngọ (1702), Sư lại Long Sơn tham yết Hòa thượng Tử Dung cầu dạy pháp tham thiền. Hòa thượng dạy Sư tham câu:
Vạn pháp qui nhất, nhất qui hà xứ?
(Muôn pháp về một, một về chỗ nào?)
Sư ngày đêm tham cứu đến bảy, tám năm mà chưa lãnh hội, trong lòng tự lấy làm hổ thẹn.
Một hôm, nhân đọc Truyền Đăng Lục đến câu: “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ”, thoạt nhiên Sư được tỏ ngộ. Nhưng vì núi sông cách trở, Sư không thể đến ngài Tử Dung để trình sở ngộ được.
Đến mùa xuân năm Mậu Tý (1708), Sư trở ra Long Sơn cầu Hòa thượng ấn chứng. Sư đem chỗ công phu của mình mỗi mỗi trình bày, đoạn nói đến câu “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ”, Hòa thượng liền bảo:
– Bờ thẳm buông tay, tự nhận đảm đang,
Chết rồi sống lại, dối người chẳng được.
(Huyền nhai tán thủ, tự khẳng thừa đương,
Tuyệt hậu tái tô, khi quân bất đắc.)
Sư liền vỗ tay cười ha hả! Hòa thượng bảo:
Chưa nhằm.
Sư nói:
Trái cân vốn là sắt (bình thùy nguyên thị thiết). Hòa thượng bảo:
Chưa nhằm.
Hôm sau Hòa thượng gọi Sư đến bảo:
Chuyện hôm qua chưa xong, nói lại xem! Sư thưa:
Sớm biết đèn là lửa,
Cơm chín đã lâu rồi.
(Tảo tri đăng thị hỏa,
Thực thục dĩ đa thì.)
Bấy giờ, Hòa thượng mới chấp nhận và khen ngợi.
Mùa hạ năm Nhâm Thìn (1712), Hòa thượng vào Quảng Nam dự lễ Toàn Viện (?), Sư đem trình bài kệ Dục Phật (tắm Phật).
Hòa thượng hỏi:
Tổ Tổ truyền nhau, Phật Phật trao nhau, chẳng biết truyền trao cái gì? Sư thưa:
Búp măng trên đá dài một trượng,
Phất tử lông rùa nặng ba cân.
(Thạch duẩn trừu điều trường nhất trượng,
Quy mao phủ phất trọng tam cân.)
Hòa thượng nói:
– Thuyền chèo trên núi cao,
Ngựa đua dưới đáy bể.
(Cao cao sơn thượng hành thuyền
Thâm thâm hải để tẩu mã.)
Sư đáp:
– Cây đàn không dây trọn ngày gẩy
Trâu đất gẫy sừng rống suốt đêm.
(Chiết giác nê ngưu triệt dạ hống
Một huyền cầm tử tận nhật đàn.)
Sư biện tài lanh lẹ, lâm cơ ứng biến, như nước với sữa rất phù hợp. Hòa thượng rất vui mừng ấn khả.
Chỗ hóa duyên của Sư rất rộng, thường ra vào Huế, Phú Yên để giáo hóa luôn, không nề khó nhọc.
Năm Quý Sửu (1733), Giáp Dần (1734) và Ất Mão (1735), Sư nhận lời thỉnh của chư Tăng trong Tông môn, cùng các Tể quan, cư sĩ ở Huế, dự bốn lễ đại giới đàn. Qua năm Canh Thân (1740), Sư tấn đàn Long Hoa phóng giới, rồi trở về chùa Thiền Tông.
Thời ấy, chúa Nguyễn Ninh Vương rất quí mến đạo đức của Sư, thường mời vào cung đàm đạo, nhưng Sư vẫn từ chối không vào.
Mùa xuân năm Nhâm Tuất (1742), Sư lại dự lễ giới đàn ở chùa Viên Thông.
Thời viên tịch
Cuối mùa Thu năm Nhâm Tuất (1742), Tổ chỉ bệnh nhẹ. Vào giữa tháng mười, Thiền sư gọi đồ chúng mà bảo: “Ngô tương quy hĩ, thế duyên dĩ tận (Duyên đối với thế gian đã hết, Tôi sắp về vậy!) ”. Mọi người đứng bên đều khóc. Tổ dạy: “Quý vị tại sao lại buồn khóc? Chư Phật xuất thế còn thị hiện Niết bàn. Tôi nay đến đi rõ ràng, về ắt có chỗ. Quý vị hãy vâng hành đừng có buồn khóc!”.
Vào tháng 11 năm Nhâm Tuất, trước khi mất vài ngày, Thiền sư ngồi ngay thẳng viết thi kệ thị tịch như sau:
“Thất thập dư niên thế giới trung
Không không sắc sắc diệc dung thông
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý
Hà tất bôn mang vấn Tổ tông”.
Nghĩa là:
“ Hơn bảy mươi năm giữa cõi đời
Không không sắc sắc thảy dung thông
Sáng nay nguyện mãn về quê cũ
Nào phải bôn ba hỏi Tổ Tông”.
Sau khi viết xong thi kệ thị tịch, Thiền sư dạy môn đồ rằng: “Câu nói sau cùng của Lão Tăng sống đạo là gì? Lồng lộng nguy nga, huy hoàng rực rỡ. Xưa đến, nay đi. Muốn hỏi chỗ trọng yếu đến đi thế nào? Kìa trời biếc lắng trong, trăng thu vằng vặc, toàn thân hiển lộ nơi sa giới đại thiên. Lời pháp sau cùng của ta, quý vị hãy nghĩ suy, vô thường nhanh chóng, Bát nhã phải tinh cần học tập. Đừng vội quên lời ta, mỗi vị hãy tự mình tinh tấn lên!”.
Ngày 22 tháng 11 năm Nhâm Tuất, tức ngày 18 tháng 12 năm 1743, sau khi uống trà, pháp thoại và hành lễ buổi sáng xong, Thiền sư hỏi mấy giờ? Môn đồ đáp là giờ Mùi, Thiền sư Liễu Quán liền an nhiên thị tịch.
Thiền sư hưởng thọ 76 tuổi, tính theo niên đại sinh và tịch, 43 năm được truyền y bát, 34 năm thuyết pháp độ sanh, đệ tử xuất gia kế thừa pháp có 49 vị, đệ tử tại gia có đến ngàn, vạn người.
Chúa Võ Vương – Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) quý trọng đạo hạnh của Thiền sư, cung kính dâng lên Thiền sư thụy hiệu: “Chánh Giác Viên Ngộ Hòa Thượng” để khắc vào bia.
Sau khi Thiền sư viên tịch nhục thân của Ngài đã được môn đồ cung tiễn đến nhập bảo tháp.
Thiền sư Thiệt Diệu – Liễu Quán truyền thừa Chánh Pháp Nhãn Tạng đời 72 từ Tổ Ca Diếp Ấn Độ; đời thứ 35 từ phái thiền Lâm Tế – Nghĩa Huyền ở Trung Hoa và là vị Sơ Tổ của phái thiền Liễu Quán ở Việt Nam.
Kệ truyền pháp
Tổ sư Liễu Quán để lại bài kệ truyền pháp sau đây:
|
|
Tán thán công hạnh
Tổ sư Liễu Quán thuyết pháp độ sinh 34 năm (1708-1742), độ xuất gia và tại gia kể đến hàng ngàn. Ghi nhận đóng góp của Sư cho Phật giáo Việt Nam, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết: Nếu ở Đàng Ngoài, Thiền sư Chân Nguyên được xem là nhân vật then chốt để phục hưng Phật giáo Đàng Ngoài, thì ở Đàng Trong Thiền sư Liễu Quán cũng được xem là vị thiền sư lãnh đạo công cuộc phục hưng Phật giáo Đàng Trong……Thiền sư Liễu Quán đã làm cho thiền phái Lâm Tế trở thành một thiền phái linh động, có gốc rễ ở Đàng Trong. Trước ông, Phật giáo ở Đàng Trong mang nặng màu sắc Quảng Đông. Ông đã Việt hóa thiền phái Lâm Tế, và làm cho thiền phái này trở thành thiền phái của đa số Phật tử Đàng Trong. Kiến trúc lễ nhạc bắt đầu trút bỏ màu sắc Trung Quốc và từ từ mang lấy màu sắc dân tộc. Những bài tán lễ như “Cực lạc Từ Hàng” chẳng hạn, đã hoàn toàn mang màu sắc Việt. Bốn vị đệ tử lớn của ông là Tổ Huấn, Trạm Quan, Tế Nhân và Từ Chiếu dã tạo lập bốn trung tâm hoằng đạo lớn, và hàng chục tổ đình được tạo dựng khắp Đàng Trong trong thế kỷ 18 đã thuộc về môn phái Liễu Quán. Phong trào Phật giáo phục hưng ở thế kỷ 20 đã dựa trên cơ sở của môn phái mang tên ông….
Ở thành phố Huế, hiện có con đường mang tên Sư Liễu Quán.
Bảo tháp
Sau khi viên tịch, di cốt của thiền sư được nhập vào bảo tháp thuộc vùng rừng thông của làng An Cựu xưa (Thừa Thiên Huế). Đây là một ngôi tháp đẹp, cổ kính và uy nghiêm.
Ngôi tháp cổ tựa lưng vào núi Thiên Thai, xung quanh được bao bọc bởi những cây cổ thụ lớn.
Tháp có hai lớp tường thành bằng đá bao quanh. Lớp trong hình bát giác, lớp ngoài hình tứ giác. Ở ngoài nhìn trên cổng tường vào tháp có biển đề chữ: “Ðàm hoa lạc khứ hữu du hương” (hoa đàm rụng hương thơm vẫn còn).
Hai bên có hai câu đối: “Bửu đạt trường minh bất đoạn môn tiền lưu lục thủy; Pháp thân độc lộ y nhiên tạo lý khán thanh sơn” (Tiếng linh báu ngân dài cùng dòng nước lục trước cửa chảy hoài không dứt; Pháp thân lộng y nhiên bất động ngắm núi xanh).
Phía trước tháp cũng có một hồ bán nguyệt trồng hoa sen, hoa súng, tiếp đó là hương án được làm bằng đá chạm trổ hình tượng hai con rồng rất tinh tế.
Ngay chân tháp cổ là tấm bia đá, được gắn sâu vào mặt trước của chân tháp, dòng lạc khoản ghi “Sắc tứ Chánh Giác Viên Ngộ Liễu công Lão Hòa thượng chi tháp” (Tháp của Lão Hòa thượng Liễu công, thụy hiệu là Chánh Giác Viên Ngộ).
Ở vị trí trung tâm của tháp có nhà bia lớn, văn bia gồm gần 1.500 chữ Hán được soạn và dựng 6 năm sau ngày Tổ Liễu Quán viên tịch.
Chính nội dung tấm bia này là một tài liệu đầy đủ nhất còn lại cho người đời sau biết rõ công hạnh tu chứng và hóa đạo của Tổ Liễu Quán.
Đặc biệt, bài minh trên bia do hòa thượng Thiện Kế biên soạn, nhưng lại có dấu triện vuông ghi là “Quốc chủ ngự bút chi bảo” của Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát.
Tham khảo
- Sách “Thiền uyển tập anh”, Lê Mạnh Phát, Viện nghiên cứu Phật học, Nhà xuất bản Văn học năm 1990.
- Sách Thiền Sư Việt Nam, Thích Thanh Từ, DL 1999 PL 2543.
- https://vi.wikipedia.org
- https://giacngo.vn/to-su-lieu-quan-hanh-tung-thi-ke-thi-tich-post15943.html
- https://vnexpress.net/ngoi-thap-co-cua-thien-su-lieu-quan-o-xu-hue-3556745.html