Giới thiệu
Thiền sư Phúc Điền, hiệu An Thiền, người gốc Hà Tây (nay là Hà Nội) sinh ra và xuất gia vào khoảng triều Tây Sơn, hoằng dương đạo pháp vào các triều Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức. Ngài được biết đến với hai công hạnh nổi bật. Thứ nhất trùng hưng nhiều ngôi già lam danh tiếng ở miền Bắc, như các chùa Pháp Vân, Đại Giác, Phú Nhi, Liên Trì, Liên Phái,… Việc thứ hai là sưu tầm và tổ chức khắc ván nhiều bộ kinh sách quan trọng của Phật giáo, đặc biệt các bộ có liên quan đến Phật giáo sử, mà nhờ đó ngày nay chúng ta có thêm chút tư liệu về thiền tổ, thiền phái nước Nam vốn còn quá ít ỏi.
Thiền sư Phúc Điền là người có công lớn trong việc bảo tồn sử liệu Phật giáo. Ông biên soạn sách Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Tập Lục. Ông trụ trì chùa Liên Tông, làng Bạch Mai, tỉnh Hà Đông, nhưng công việc san khắc này được thực hiện tại chùa Bồ Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Công việc san khắc, ông giao cho Thiền sư Phương Viên, Giám tự chùa Bồ Sơn, đứng ra chủ trì. Một vị Tăng chùa Bồ Sơn pháp danh là Thanh Hà phụ trách việc viết chữ khắc bản. Thiền sư Phúc Điền viết bài tựa cho sách đầu năm 1859, và có lẽ sách được ấn hành trong năm đó.
Phúc Điền cũng là người khai sơn chùa Thiên Quang, ở núi Đại Hưng tỉnh Hà Nội. Chùa này được Thiền sư Phổ Tịnh, đệ tử của Thiền sư Chiếu Khoan trụ trì. Thiền sư Phổ Tịnh hồi còn nhỏ đã theo Thiền sư Phúc Điền để tu học, sau này ông thọ giới Cụ túc với Thiền sư Chiếu Khoan.
Tác phẩm
Sách Hán Nôm do hòa thượng Phúc Điền trước tác, diễn Nôm hoặc biên tập được biết đến nay còn có:
- Đạo giáo nguyên lưu 3 quyển (còn gọi là Tam giáo quản khuy).
- Thiền uyển truyền đăng lục 5 quyển
- Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi
- Tại gia tu trì Thích giáo nguyên lưu
- Thiền lâm bảo huấn diễn Nôm
- Thiền lâm quy ước
- Tam bảo hoằng thông
- Phóng sinh giới sát văn
- Hiệu đính Phật tổ thống ký
- Sa di luật nghi giải âm
- Tam giáo nhất nguyên giả âm
- Hộ pháp luận diễn âm
- Thái căn đàm diễn âm
Trùng san kinh sách Hán văn:
- Kinh Hoa Nghiêm
- Kim Cương Di Đà kệ chú chân kinh
- Vô Lượng Thọ kinh
- Đại phương tiện Phật báo ân kinh chú nghĩa
- Giải hoặc biên
- Đỉnh hồ sơn chí
Hai mươi ba vị Tổ
Danh hiệu hai mươi ba vị Tổ truyền thừa chùa Yên Tử từ Hiện Quang tổ sư đến Vô Phiền đại sư, thấy trong sách Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Lục quyển hai của Phúc Điền Hòa thượng đính bản:
- Hiện Quang tổ sư
- Viên Chứng quốc sư
- Đại Đăng quốc sư
- Tiêu Dao tổ sư
- Huệ Tuệ tổ sư
- Nhân Tông tổ sư
- Pháp Loa tổ sư
- Huyền Quang tổ sư
- An Tâm quốc sư
- Phù Vân (hiệu Tĩnh Lự) quốc sư
- Vô Trước quốc sư
- Quốc Nhất quốc sư
- Viên Minh tổ sư
- Đạo Huệ tổ sư
- Viên Ngộ tổ sư
- Tổng Trì tổ sư
- Khuê Thám quốc sư
- Sơn Đằng quốc sư
- Hương Sơn đại sư
- Trí Dung quốc sư
- Tuệ Quang tổ sư
- Chân Trú tổ sư
- Vô Phiền đại sư.
Tham khảo
- Sách “Thiền uyển tập anh”, Lê Mạnh Phát, Viện nghiên cứu Phật học, Nhà xuất bản Văn học năm 1990.
- Sách Thiền Sư Việt Nam, Thích Thanh Từ, DL 1999 PL 2543.
- https://thuvienhuequang.vn/blogs/bai-viet/thien-uyen-truyen-dang-luc-5-quyen-cua-hoa-thuong-phuc-dien