Đại sư Tường Quang Chiếu Khoan (1741 – 1830)

Đại sư Tường Quang Chiếu Khoan (1741 – 1830)

Thông tin cơ bản

Giới thiệu


Đại sư Tường Quang Chiếu Khoan (1741 – 1830) đời pháp thứ 42, tông Lâm Tế. Sư họ Nguyễn, quê ở bến đò Trình Viên Hà Nội. Thuở bé, Sư đến chùa Vân Trai đảnh lễ Hòa thượng Kim Liên xin xuất gia. Sau khi được thu nhận là môn đồ ở chùa Vân Trai, Sư rất cần mẫn tu tập. Đến lớn lên thọ giới Cụ túc xong, Sư thường tập tu theo hạnh đầu-đà (khổ hạnh).

Về đời tu của Sư rất là khiêm hạ, cả ngày chỉ tụng kinh lễ Phật nhiễu tháp và luôn thúc liễm thân tâm. Nếu gặp vị Tăng nào đến là Sư ra đảnh lễ, chẳng phân cao thấp. Sư ba năm tịch cốc, sáu năm mỗi ngày ăn một bữa. Phàm có ai cúng dường Sư món gì, Sư đem cúng dường lại chúng Tăng hết, chẳng dám giữ riêng. Sư đi đâu chỉ có ba y tùy thân, tự mang theo không phiền người gìn giữ. Sư lấy Lục độ làm tiêu chuẩn trong đời tu hành. Đến đâu, Sư cũng khuyên người giảng kinh, phóng sinh, tu phước, bố thí, chép kinh. Phật tử xin quy y với Sư rất đông không thể tính hết.

Công tác Phật sự


Thiền sư Chiếu Khoan lúc còn sa di đã giúp thầy mình lo công tác trùng san tác phẩm Xuất Gia Sa Di Quốc Âm Thập Giới của tổ Như Trừng Lân Giác. Đây là một phật sư quan trọng nhằm bảo lưu tư liệu về văn học Phật giáo. Nhờ bản in này mà chúng ta có được một tư liệu quốc âm thời hậu Lê, với ngôn ngữ thật chân chất, một số từ việt cổ còn xót lại nhằm giúp cho nhà Ngôn ngữ học có cơ hội tiếp xúc với nhiều vốn từ cổ. Bản in này khắc năm Cảnh Thịnh 5 (1793). Theo một tờ chiếu của Vua Cảnh Thịnh, thời Tây Sơn cho biết chính sách của Nhà nước đối với Phật Giáo lúc này cởi mở. Tuy không cho phép xây thêm chùa nhưng có nhiều biện pháp nhằm cho Phật giáo phát triển theo chiều tích cực. Cộng với chính sách xem trọng chữ nôm, do đó Tịch Truyền và Chiếu Khoan liền khắc in lại tác phẩm.

Theo bản in Kinh Kim Cương cho biết: “Thiền sư Chiếu Khoan Hạo Hạo trụ trì chùa Báo Ân đã cùng đàn na khắc in vào mùa đông năm Canh Thân (1800) dưới sự chứng minh của hòa thượng Hải Quýnh Chiêu Chiêu, viện Ly Trần, chùa Liên Tôn, bản sư tỳ kheo Tịch Truyền Nghiễm Nghiễm, quán Kim Sơn giám khắc”.

Trong bản in Chuẩn Đề Nghi Phạm có đóng chung với Chuẩn Đề Nghi tức nghi thức hành trì chú Chuẩn Đề cho biết vào năm Minh Mệnh (năm 1824), thiền sư Hạo Hạo, viện Tường Quang đã khắc in nghi thức này, bản lưu tại chùa Linh Bảo. Thiền sư Hạo Hạo đây chính là thiền sư Chiếu Khoan, trụ trì chùa Báo Ân. Theo tư liệu trên, chùa Báo Ân lúc này có một viện lấy tên là viện Tường Quang. Sau này khi thiền sư mất, đệ tử lập tháp lấy tên tháp cũng Tường Quang, do đó người ta hay gọi tên ngài là Tường Quang Chiếu Khoan, tức lấy tên viện để gọi tên, đây là một cách khiêm xưng theo các chùa tại Việt Nam.

Thiền sư Chiếu Khoan còn đứng in Đức sinh lục vào năm Quý Hợi, bản lưu tại chùa Thiên Phúc, xã Đông Thai, huyện Thanh Trì. Khi đứng in sách, thiền sư có mời trưởng lão Thích Minh Minh viện Hoa Lâm chứng minh, tỳ kheo Tịch Giảng Nhất Nhất chùa Phù Ninh, tỳ kheo Tịch Tĩnh viện Từ Phong, tỳ kheo Vô Lự chùa Đa Bảo chứng san.

Về hệ thống truyền thừa và bài kệ truyền thừa, Thiền Uyển Truyền Đăng Lục, quyển hạ ghi lại như sau: “khoảng triều Bảo Thái nhà Lê, hòa thượng Viên Văn, người nước Đại Minh, lại truyền phái Lâm Tế, 48 chữ rằng:

“Trí tuệ thanh tịnh,
Đạo đức viên minh.
Chân như tính hải,
Tịch chiếu phổ thông.
Tâm Nguyên quảng tục,
Bản giác xương long.
Năng nhân thánh quả,
Thường diễn khoan hoằng.
Duy truyền pháp ấn,
Chính ngộ hội dung.
Kiên trì giới hạnh,
Vĩnh thiệu tổ tông”

Hòa thượng Viên Văn đến núi Tiên Du, trùng hưng chùa Phật Tích là đời thứ nhất. Truyền xuống đời thứ 2 hòa thượng Minh Lương, chùa Phù Lãng, núi Côn Cương; truyền xuống đời thứ 3 hòa thượng Chính Giác Chân Nguyên, chùa Long Động, núi Yên Tử; truyền xuống đời thứ 4 thượng sĩ Như Trừng, chùa Liên Tôn; truyền xuống đời thứ 5 hòa thượng Trạm Công Tính Tuyền, chùa Tam Huyền; truyền xuống đời thứ 6 tổ sư Từ Phong Hải Quýnh; truyền xuống đời thứ 7 đại sư Kim Sơn Tịch Truyền; truyền xuống đời thứ 8 đại sư Tường Quang Chiếu Khoan; truyền xuống đời thứ 9 đại sư Phổ Tính, núi Hùng Vương”.

Qua đó, chúng ta biết được hệ thống truyền thừa dòng Lâm Tế tại miền bắc được truyền thừa ở chùa Vân Trai. Chùa Vân Trai lúc này là tổ đình, nơi an cư kiết hạ của chư Tăng. Vai trò của ngôi chùa đối với phật giáo là không nhỏ. Từ Vân Trai nối kết với Liên Phái, Phúc Thung, Sùng Phúc (chùa Hội), Nghiêm Xá, Hàm Long, Đại Bi (chùa Sét) tạo nên một hệ thống truyền thừa Phật giáo mạnh mẽ, góp phần phát triển chốn tổ Liên Tông.

Kệ viên tịch


Đến năm Canh Dần niên hiệu Minh Mạng năm thứ mười một (1830), Sư gọi đệ tử lớn là Từ Tánh bảo:

Ta từ bé đến già chuyên tâm tiến đạo, nay giờ quy tịch đã đến. Hãy nghe ta nói kệ:

Người bậc nhất tu pháp vô vi
Người bậc nhì phước tuệ đầy đủ
Người bậc ba làm thiện chừa ác
Người bậc tư tam tạng tinh thông.

(Nhất đẳng nhân tu vô vi pháp
Nhị đẳng nhân phước tuệ song tu
Tam đẳng nhân hành thiện trở ác
Tứ đẳng nhân tam tạng tinh thông.)

Nói xong, Sư ngồi yên viên tịch, thọ 70 tuổi.

Bảo tháp


Theo văn bia tháp Tường Quang ghi lại: “Nay thiền sư Chiếu Khoan trụ trì chùa Báo Ân, xã Vân Trai. Sư quê Thường Tín, Sơn Nam, chính tín xuất gia, đồng chân vào đạo. Sư trùng tu chùa chiền, trong ngoài trang nghiêm, thiện tín nghe tên, làng xã mộ đức…”

Tham khảo


  • Sách “Thiền uyển tập anh”, Lê Mạnh Phát, Viện nghiên cứu Phật học, Nhà xuất bản Văn học năm 1990.
  • Sách Thiền Sư Việt Nam, Thích Thanh Từ, DL 1999 PL 2543.
  • https://phathocdoisong.com/
4/5 (1 bình chọn)
Chia sẻ
Đại Sư Tường Quang Chiếu Khoan

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)