Thân thế
Thiền sư Vô Ngôn Thông (zh. 無言通), 759 (?) – 826, là một vị Thiền sư Trung Quốc, đệ tử của Thiền sư nổi tiếng Bách Trượng Hoài Hải. Năm 820, sư qua Việt Nam, ở tại chùa Kiến Sơ (zh. 建初寺), ngày nay thuộc Hà Nội, thành lập phái thiền Vô Ngôn Thông. Thiền sư Vô Ngôn Thông mất năm 826, và phái thiền của sư kéo dài được 17 thế hệ.
Thiền sư Vô Ngôn Thông họ Trịnh, quê ở Quảng Châu, xuất gia tại chùa Song Lâm xứ Vũ Châu. Tánh Sư điềm đạm ít nói mà thông minh, nên thời nhân gọi là Vô Ngôn Thông.
Dòng thiền Vô Ngôn Thông
Những Thiền sư quan trọng của dòng Thiền Vô Ngôn Thông là Khuông Việt (933 – 1011), Thông Biện (? – 1134), Mãn Giác (1052 – 1096), Minh Không (mất 1141) và Giác Hải. Thế hệ cuối cùng là khoảng cuối thế kỷ XIII. Phái Vô Ngôn Thông theo đúng dòng Thiền của Huệ Năng, chủ trương đốn ngộ (giác ngộ nhanh chóng). Các vị thiền sư dòng Vô Ngôn Thông đều có tâm hồn thi sĩ. Riêng thiền sư Không Lộ vừa được cho là thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông, nhưng cũng thuộc thiền phái Thảo Đường.
Sở ngộ và sự tu tập
Sư lễ Phật, có một Thiền khách đến hỏi: Tọa chủ lễ đó là cái gì?
Sư đáp: Là Phật.
Thiền khách bèn chỉ tượng Phật hỏi: Cái này là Phật gì?
Sư không đáp được.
Đến tối, Sư y phục chỉnh tề đến lễ Thiền khách, thưa: Hôm nay Thầy hỏi, tôi chưa biết ý chỉ thế nào?
Thiền khách hỏi: Tọa chủ được mấy hạ?
Sư thưa: Mười hạ.
Thiền khách bảo: Đã từng xuất gia chưa?
Sư càng thêm mờ mịt.
Thiền khách khuyên Sư đồng đến tham vấn với Mã Tổ. Đi đến Giang Tây nghe tin Mã Tổ đã tịch, bèn đến yết kiến Bá Trượng Hoài Hải.
Một hôm trong giờ tham vấn, có vị Tăng hỏi Bá Trượng: Thế nào là pháp môn đốn ngộ của Đại thừa?
Bá Trượng đáp: Đất tâm nếu không, mặt trời trí tuệ tự chiếu.
Nghe câu này, Sư hoát nhiên đại ngộ.
Sau, Sư về Quảng Châu trụ trì tại chùa Hòa An. Có người hỏi: Thầy phải Thiền sư chăng?
Sư đáp: Bần đạo chẳng từng học thiền.
Sư lặng thinh giây lâu, gọi người kia. Người kia đáp: Dạ!
Sư chỉ cây tòng lư (cây móc).
Một hôm, Sư bảo Huệ Tịch đem giường lại. Huệ Tịch đem đến. Sư bảo: Đem lại chỗ cũ. Huệ Tịch vâng theo.
Sư hỏi: Cái giường ở bên này là vật gì?
Huệ Tịch đáp: Không vật.
Sư gọi: Huệ Tịch!
Huệ Tịch đáp: Dạ!
Sư bảo:Đi!
Năm Canh Tý niên hiệu Nguyên Hòa thứ mười lăm đời Đường (820), Sư sang An Nam ở chùa Kiến Sơ làng Phù Đổng, huyện Tiên Du Bắc Ninh. Ở đây trọn ngày, Sư ngồi xây mặt vào vách, suốt mấy năm mà không ai biết, chỉ Thiền sư Cảm Thành (trụ trì chùa này) biết Sư là vị Cao tăng đắc đạo trong nhà thiền. Cảm Thành hết lòng kính trọng tôn thờ Sư làm thầy.
Một hôm, Sư gọi Cảm Thành đến bảo: Ngày xưa Tổ sư là Nam Nhạc Hoài Nhượng khi sắp tịch có dặn mấy lời:
Tất cả các pháp đều từ tâm sanh
Tâm không chỗ sanh, pháp không chỗ trụ.
Nếu đạt tâm địa chỗ trụ không ngại
Chẳng gặp thượng căn dè dặt chớ dạy.
(Nhất thiết chư pháp giai tùng tâm sanh
Tâm vô sở sanh pháp vô sở trụ.
Nhược đạt tâm địa sở trụ vô ngại
Phi ngộ thượng căn thận vật khinh hứa.)
Nói xong, Sư chấp tay thị tịch, nhằm năm Bảo Lịch thứ hai đời Đường (826).
Cảm Thành rước Sư lên hỏa đàn, thu hài cốt xây tháp thờ ở núi Tiên Du.
Tham khảo
- Sách “Thiền sư Việt Nam”, Thích Thanh Từ, DL 1999 – PL 2543
- https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%B4_Ng%C3%B4n_Th%C3%B4ng