Chùa Hoàng (Hoằng Hoá, Thanh Hoá)

Chùa Hoàng (Hoằng Hoá, Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Chùa Hoàng hiện nay ở làng Khang Ninh, xã Hoằng Đức, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đây là vùng đất được hình thành và có con người định cư từ rất sớm ở buổi đầu của thời đại các vua Hùng dựng nước. 

Lịch sử

Đến đầu thế kỷ XIX, dưới triều vua Gia Long (1802 – 1820), vùng đất này là thôn Phùng Dực, thuộc tổng Hành Vỹ, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoá). Dưới thời vua Đồng Khánh, thôn Phùng Dực được đổi thành xã Phùng Dực, tổng Hành Vỹ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. 

Tháng 1/1953 thành lập các xã trong huyện trên cơ sở các xã nhỏ, Phùng Dực thuộc xã Hoằng Đức là một trong 47 xã của huyện Hoằng Hóa (tháng 9 năm 1989 thành lập thêm thị trấn Bút Sơn). Hiện nay, xã Hoằng Đức có 3 làng truyền thống là: Phúc Thọ (tên cũ là Thọ Khang, Thọ Vực, Hoa Bút), Vĩnh Yên (Trại Bút), Phùng Dực. Chùa Hoàng nằm ở giáp Bồng (làng Phùng Dực).

Thờ phụng

Theo các cụ già ở làng Khang Ninh cho biết: Chùa Hoàng là nơi thờ Phật, thờ Mẫu, ở đây còn thờ cả hai nhân vật Phùng Phường (con trai) và mẹ là Phùng Thanh. Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta không còn một tài liệu nào ghi chép để hiểu rõ về hai nhân vật này. Dù vậy thì trong cảm quan huyền thoại, người dân ở đây đã đưa Phùng Phường và Phùng Thanh vào thờ ở chùa, hẳn rằng hai người này phải là người có công đức lớn với nhân dân và họ đã trở thành vị thần linh trong điện thờ với Thánh Mẫu. 

Theo các cụ cao niên ở địa phương cho biết, Phật điện ở chùa Hoàng trước đây có hệ thống tượng thờ bằng gỗ, được sắp đặt theo thứ tự như sau:

Ở tầng cao nhất là ba pho tượng Tam Thế, với tên gọi đầy đủ là Tam Thế thường trụ diệu pháp thân, ba pho tượng này là biểu tượng các chư vị Phật của ba thời: Quá khứ, Hiện tại và Vị lai. Ba vị Phật này chỉ là đại biểu cho chư Phật trong Tam thiên thế giới, theo quan niệm của Phật giáo Đại Thừa.

Phía dưới là ba pho tượng Di Đà tam tôn, gồm tượng Phật A Di Đà ở chính ngôi; tượng Quán Thế Âm bên phải; tượng Bồ Tát Đại Thế Chí bên trái. Tượng Phật A Di Đà có kích thước lớn hơn các tượng khác. 

Dưới ba pho tượng Di Đà tam tôn, là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, với tượng Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi ở bên trái và tượng Phổ Hiền đứng bên phải. Tượng Văn Thù Sư Lợi và tượng Phổ Hiền Bồ Tát được tạc trong tư thế đứng. Bộ ba tượng này thể hiện cảnh Phật Thích ca đang thuyết Pháp. 

Ban dưới cùng là tòa Cửu Long, với hình tượng Phật Thích Ca sơ sinh đang đứng. Hai bên tượng Thích Ca sơ sinh là tượng Đế Thích và tượng Phạm Vương (còn gọi là Phạm Thiên). Khi Đức Thích Ca chưa thành đạo, họ luôn ở bên cạnh để hộ trì. Tượng của họ được tạo trên tư thế ngồi ngai báu, đội mũ miện, mặc áo cổ cồn. 

Trong Tiền đường có hai tượng Hộ Pháp, những thiên thần bảo vệ Phật pháp, mặc giáp trụ, cầm vũ khí, đứng hoặc ngồi trên lưng sấu, một loại sư tử huyền thoại. Những tượng này được đắp bằng đất, phủ sơn, và có kích thước rất lớn, đầu gần chạm mái. Ngoài ra ở Tiền đường còn có bàn thờ mười vị Diêm Vương, được gọi là Thập điện Diêm vương, tức mười vị vua cai quản mười tầng địa ngục. Bàn thờ mười vị Diêm Vương được đặt sát tường ở hai bên chính điện. Trong nhà Tiền đường còn có một số bàn thờ khác, thờ thần Thổ địa (thần đất), Long vương, hay Đức ông, người bảo vệ tài sản của chùa.

Nhà Tổ: Ngoài tượng ngài A Nan, còn có tượng thờ Bồ Đề Đạt Ma và bài vị của các vị tổ sư từng tu hành tại chùa 

Nhà Mẫu: là nơi thờ Tam Tòa Thánh Mẫu và các phụ tá của Mẫu thường được thấy trong các thần điện thờ Mẫu ở Việt Nam. Qua cách bài trí và tượng thờ ở chùa Hoàng chúng ta biết, chùa Hoàng ngoài thờ Phật còn phối thờ Mẫu và các vị thành hoàng làng.

Không gian và kiến trúc

Chùa Hoàng nằm ở trung tâm Giáp Bồng xưa, nay là làng Ninh Khang, xã Hoằng Đức, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Chùa có kiến trúc hình chữ Nhị (=), có quy mô bề thế. Toàn bộ không gian chùa được cấu trúc trên một mặt bằng không gian gồm: Cổng – Bình phong – Sân – Tiền đường – Hậu cung được phân bố trên một diện tích khoảng 2 héc ta. Chùa quay mặt về hướng tây – nhìn ra cánh đồng Bái Trăm (nay thuộc thành phố Thanh Hóa), xa xa là núi Ngọc (Châu Ngọc) là một trong 99 ngọn núi của dãy Hàm Rồng thơ mộng, Phía đông là khu vực vườn củi (nay là Trường Tiểu học Hoằng Đức), phía nam giáp vườn ngoài (nay là Giáp Bưởi), phía bắc giáp Cồn Núi (nay là sân vận động). Nhìn trên tổng thể, chùa Hoàng nằm ở một khuôn viên đất đai cao ráo và thoáng đãng của làng, thế đất tụ linh, tụ phúc mang đặc điểm của một chốn thờ tự, linh thiêng mà người xưa đã chọn.

Chùa Hoàng đến nay đã không còn giữ được diện mạo cũ, tuy nhiên căn cứ vào những di vật hiện còn như đá lăn giai, gạch ngói, chân tảng, bệ thờ… cho thấy trước kia chùa Hoàng có quy mô khá lớn. Căn cứ vào lời kể của các cụ già làng Khang Ninh cho biết: Chùa Hoàng trước kia có cấu trúc gồm: cổng Tam quan, bình phong được trang trí giữa chùa, sân lát gạch bát màu đỏ. Nhà Tiền đường là ngôi nhà gỗ 5 gian 6 vì, có kết cấu chồng rường kẻ bẩy mái cong, có sân Thiên Tỉnh ngăn cách giữa nhà Tiền đường và Hậu cung. Nhà Hậu cung cũng có kiến trúc bên trong bằng hệ thống khung gỗ chồng rường, kẻ bẩy – mái cong. Phía ngoài ở nhà Tiền đường, Hậu cung hai đầu hồi đắp hình mặt hổ phù, các đầu đao có kìm nóc, đỉnh mái có lưỡng long triều nguyệt. Tại các cột nanh, cột hiên ở cổng, nhà Tiền đường, Hậu cung đều được đắp các câu đối chữ Hán nổi ca ngợi công đức, giáo lý của Phật.

Những di vật hiện còn lại gồm: 05 chân lộng loại to; 06 chân lộng nhỏ; 01 máng đá vỡ; 11 chân tảng vuông; 08 đá lăn giai; 02 bia đá; 02 bàn đá; 01 bát hương đá tròn; 06 đài nước gỗ; 02 mâm gỗ; 01 giá gương gỗ; 03 ống hương gỗ; 03 mâm bồng gỗ; 01 mâm bồng vuông; 01 hộp gỗ đựng đồ; 01 bàn thờ gỗ; 01 nậm rượu gỗ; 01 lọ sành; 01 chuông đồng và nhiều hiện vật khác rất có giá trị. 

Để bảo tồn và phát huy một công trình lịch sử, văn hóa có giá trị lớn trong đời sống tâm linh. Chính quyền địa phương và nhân dân đang có kế hoạch và phương án để phục dựng, tôn tạo lại chùa Hoàng trên nền đất cũ nhằm đáp ứng nguyện vọng về đời sống tâm linh của nhân dân tại vùng đất thiêng này.

Tham khảo

  • Chùa Xứ Thanh (Tập IV), Nguyễn Thị Khuyến
Chấm điểm
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)