Tên gọi và vị trí địa lý
Chùa Kiến Sơ tọa lạc bên tả ngạn sông Đuống, thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, nằm trong khu di tích Phù Đổng, cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 15 km về phía đông bắc. Tên gọi Kiến Sơ mang ý nghĩa là nơi ban đầu gặp gỡ, cũng chính là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Thiền sư Vô Ngôn Thông và Thiền sư Cảm Thành; cũng mang hàm nghĩa dòng thiền Vô Ngôn Thông đã có buổi ban đầu gặp gỡ và nảy nở trên đất Việt chính tại nơi đây.
Lược sử
Theo sách Thiền uyển tập anh chép lại chùa Kiến Sơ được xây dựng gắn liền với Thiền sư Cảm Thành[1] như sau: “Thiền sư là người huyện Tiên Du, họ … Lúc mới xuất gia ở núi Tiên Du thuộc bản quận, đạo hiệu là Lập Đức. Lấy việc trì giới tụng kinh làm đầu. Phú hào trong làng là ông học Nguyễn kính mộ đức hạnh cao cả của sư, tự nguyện cúng gia trạch làm chùa, mời sư đến trụ trì nhưng sư từ chối. Đêm ấy sư chiêm bao thấy thần nhân đến bảo: “Nếu làm theo chí nguyện của nhà họ Nguyễn thì chỉ chừng vài năm sẽ gặp may mắn lớn.” Vì thế sư bèn nhận lời mời của ông họ Nguyễn (chùa ấy chính là chùa Kiến Sơ ở hương Phù Đổng).”[2]
Chùa còn gắn liền với quá trình du nhập của Thiền phái Vô Ngôn Thông. Tác giả Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận đã viết về sự du nhập của dòng thiền này như sau: “Niên hiệu Nguyên Hòa thứ 15 đường Ðường (năm 820) Vô Ngôn Thông từ Quảng Châu qua Việt Nam, ở lại chùa Kiến Sơ, làng Phù Ðổng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh). Ðây là một ngôi chùa mới được thành lập, ở đó có một vị tăng tên là Ðức Lập trú trì. Vô Ngôn Thông cư trú chùa Kiến Sơ, ngoài hai bữa cơm cháo thì dành hết thì giờ vào việc thiền tọa, xây mặt vào vách, không nói năng gì. Nhiều năm trôi qua như thế, ít ai để ý đến ông: duy chỉ có Lập Ðức thấy phong thái đặc biệt của ông hết lòng chăm sóc. Do sự gần gũi này mà Lập Ðức tiếp nhận được tông chỉ màu nhiệm của Vô Ngôn Thông, đường ông đổi tên cho là Cảm thành vào truyền cho tâm pháp. Ông tịch vào năm 826; thời gian cư trú tại chùa Kiến Sơ chỉ có sáu năm”[3]
Như vậy có thể nhận định được rằng chùa Kiến Sơ đã có từ rất sớm, trước năm 820. Chùa còn lưu truyền nhiều truyền thuyết về vua Lý Thái Tổ thuở nhỏ đã đến tu và học tập kinh Phật ở chùa này. Viết về sự kiện này tác giả Nguyễn Hồng Dương đã có những phân tích như sau: “Dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi của Vạn Hạnh đã lựa chọn được nhân sự cho ngai vàng. Hệ thống Vô Ngôn Thông là một nửa lực lượng Phật giáo. Cần có sự nhất trí từ phía dòng phái này. Bấy giờ truyền thừa dòng Quan Bích là Thiền sư Đa Bảo, chùa Kiến Sơ. Tư liệu phần nào cho thấy những dấu hiệu về việc liên kết giữa hai dòng thiền. Sách Thiền uyển tập anh, phần viết về Thiền sư Đa Bảo có kể lại cuộc ra mắt của ứng viên và sự tán thưởng của người đứng đầu dòng phái: Lý Thái Tổ lúc chưa lên ngôi, sư (Đa Bảo) thấy tướng mạo đẹp đẽ lạ thường, bèn bảo: “Chú này cốt tướng khác phàm, ngày kia làm vua ắt là nó đây”. … Về việc Lý Công Uẩn có những liên lạc với dòng Quan Bích Kiến Sơ, truyện Xung thiên Dũng liệt Chiêu ứng Uy tín Đại vương trong sách Việt Điện u linh cũng viết: … Lý Thái Tổ lúc còn tiềm long (chưa lên ngôi vua) biết Đa Bảo đức hạnh cao thượng, cùng làm Đàn việt cho Bảo…”[4] Cũng vì lẽ đó mà sau này, khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi đã cho tu sửa và mở mang chùa Kiến Sơ.
Chùa Kiến Sơ thờ Tam giáo: Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo tuy nhiên thờ Phật giáo vẫn là chủ đạo.
Thế hệ truyền thừa dòng thiền Vô Ngôn Thông
- Thế hệ 1: Thiền sư Cảm Thành (? – 860).
- Thế hệ 2: Thiền sư Thiện Hội (? – 901).
- Thế hệ 3: Thiền sư Vân Phong (? – 957).
- Thế hệ 4: Đại sư Khuông Việt (933 – 1011), 2 vị không có ghi chép.
- Thế hệ 5: Thiền sư Đa Bảo.
- Thế hệ 6: Trưởng lão Định Hương (? – 1051), Thiền sư Thiền Lão và 1 vị không có ghi chép.
- Thế hệ 7: Thiền sư Viên Chiếu (999 – 1090), Thiền sư Cứu Chỉ, Thiền sư Bảo Tính (? – 1034), Thiền sư Minh Tâm (? – 1034), Thiền sư Quảng Trí), Vua Lý Thái Tông.
- Thế hệ 8: Quốc sư Thông Biện (? – 1134), Đại sư Mãn Giác (1052 – 1096), Thiền sư Ngộ Ấn (1020 – 1088), Thiền sư Đạo Huệ (? – 1073), Thiền sư Biền Tài, Thiền sư Bảo Giám (? – 1073).
- Thế hệ 9: Thiền sư Không Lộ (? – 1119), Thiền sư Bản Tịnh (1100 – 1176).
- Thế hệ 10: Thiền sư Minh Trí (? – 1196), Thiền sư Tín Học (? – 1190), Thiền sư Tịnh Không (1091 – 1170), Thiền sư Đại Xả (1120 – 1180), Thiền sư Tịnh Lực (1112 – 1175), Thiền sư Trí Bảo (? – 1190), Thiền sư Trường Nguyên (1110 – 1165), Thiền sư Tịnh Giới (? – 1207), Thiền sư Giác Hải, Thiền sư Nguyện Học (? – 1181) và 2 vị không có ghi chép.
- Thế hệ 11: Thiền sư Quảng Nghiêm (1122 – 1190), chép thiếu 8 vị.
- Thế hệ 12: Thiền sư Thường Chiếu (? – 1203), chép thiếu 6 vị.
- Thế hệ 13: Cư sĩ Thông Sư, Thiền sư Thần Nghi (? – 1216), chép thiếu 3 vị.
- Thế hệ 14: Thiền sư Tức Lự, Thiền sư Hiện Quang (? – 1221), chép thếu 3 vị.
- Thế hệ 15: Cư sĩ Vương Ứng, chép thiếu 6 vị.
Kiến trúc cảnh quan
Khuôn viên
Từ Tam quan đi vào ta thấy một hồ sen lớn bao quanh, dọc hồ là hai lối đi dẫn vào sân chùa chính. Bên phải sân có một tấm bia lớn phủ rêu xanh đã mòn hết chữ. Giữa sân còn dựng một cây hương đá, bên trái sân bày một chiếc khánh và giá treo hoàn toàn bằng đá.
Hạng mục công trình
Trải qua hơn 1000 năm vật đổi sao dời, kiến trúc chùa Kiến Sơ đã không còn nguyên dạng của thuở ban đầu. Chùa chính hiện nay theo kiểu nội công ngoại quốc như nhiều ngôi chùa cổ thường thấy ở Bắc bộ thời Lê – Nguyễn.
Tam Quan chùa gồm có 5 gian với mái chồng diêm 2 tầng.
Tam Bảo gồm Tiền Đường rộng 5 gian 2 chái, phía sau là Hậu Cung, trong Phật điện bài trí thành 7 lớp tượng:
- Lớp cao nhất ở trên cùng là bộ Tam thế Phật được tạo tác khá giống nhau, tóc xoắn ốc, mặt tròn đầy phúc hậu ngồi trong tư thế tham thiền nhập định trên 3 tòa sen. Áo tượng nhiều nếp gấp chồng lên nhau, phủ kín lòng đùi. Bộ Tam thế được làm từ chất liệu đất thó, sơn son thếp vàng. Tòa sen không có đế bệ (có lẽ đã bị mất) hiện đã bong tróc hết sơn, kết cấu với 3 tầng cánh sen úp
- Lớp thứ 2 là pho tượng A Di Đà
- Lớp thứ 3 là 5 pho tượng trong đó bức tượng Đức Di Lặc được đặt ở trung tâm
- Lớp thứ 4 là bức tượng Quan Âm Nam Hải
- Lớp thứ 5 là bức tượng Đức Thích Ca niêm hoa
- Lớp thứ 6 là bức tượng Ngọc Hoàng
- Lớp thứ 7 là tòa Cửu Long một trong những cảnh chào đời của Thái tử Tất Đạt Đa.
Dãy tả vu của Tam bảo bày tượng Thiền Sư Vô Ngôn Thông, Vua Lý Thái Tổ và thân mẫu; dãy hữu vu là tượng của 5 vị Diêm vương. Dọc hành lang bày tượng 18 vị La Hán.
Lầu Chuông chùa gồm hai tầng. Lầu hai là gác chuông treo một qua chuông lớn bằng đồng. Lầu một là Tòa động liên hoàn nhân tạo bằng đất thó lớn nhất Việt Nam có tuổi thọ hơn 200 năm, chiều dài 8m, cao 3m, dày 2m; được chia làm 5 tòa cảnh giới của chư Phật, trong đó 3 tòa chính diện có vòm mây, rồng xoắn bao quanh, ngự trên mây có nhiều tượng Phật, Bồ Tát, La Hán và các thần tướng nhà trời. Tòa chính giữa, Đức A Di Đà ở vị trí trung tâm, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma tay cầm chiếc hài ở động bên trái, Quan Thế Âm Quá Hải ngự trên đầu rồng ở động bên phải. Còn lại hai tòa bên ngoài cùng là động tội ác tái hiện huyền tích Tôn giả Mục Kiền Liên chứng kiến mẹ ngài bị hành hạ ở dưới địa ngục và động Tây Du Ký tái hiện cảnh các thầy trò Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh.
Hiện vật
Hệ thống tượng
Bộ 47 pho tượng tròn có giá trị nghệ thuật cao, nổi bật là:
- 3 pho tượng mà các chùa cổ trên đất nước ta không có: tượng thiền sư Vô Ngôn Thông – vị Tổ sáng lập dòng thiền Vô Ngôn Thông ở nước ta; tượng Thánh mẫu Phạm Thị Ngà – thân mẫu của Lý Thái Tổ; tượng vua Lý Thái Tổ – người từ thời thơ ấu thường theo học tại chùa Kiến Sơ, và sau này là người khai sáng kinh đô Thăng Long được thờ ở hai bên hành lang của Thượng điện.
- 3 pho Tam thế Phật được làm từ đất thó sơn son thếp vàng, có niên đại khoảng thế kỷ XVII.
Chuông một quả chuông bằng đồng treo ở lầu chuông.
Khánh Trước tiền đường về phía bên trái có một chiếc khánh đá cổ bề ngang 2,3m, cao 0,60m, dày 0,17m có niên đại gần 400 năm.
Bia một tấm bia phủ rêu xanh không còn nhìn rõ chữ và 12 tấm bia hậu.
Cây hương đá đã bị bể ở phần đầu có niên hiệu thời Lê.
Hoành phi, câu đối 12 bức hoành phi, 12 đôi câu đối có nội dung ca ngợi sự linh thiêng của Phật pháp và cảnh đẹp của chùa.
Xếp hạng
Chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử – kiến trúc – nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 21/2/1975.
Năm 2013, chùa Kiến Sơ là một di tích nằm trong Khu di tích Đền Phủ Đổng được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Chú thích
[1] Thiền sư Cảm Thành (? – 860) là vị trụ trì đầu tiên của chùa Kiến Sơ.
[2] Theo Thiền uyển tập anh, tr. 24, bản ebook của Thư Viện Hoa Sen.
[3] Theo Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I, tr. 123, bản ebook của Thư Viện Hoa Sen.
[4] Theo Nguyễn Hồng Dương, Thích Thọ Lạc (2010), Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước, Nxb Khoa học Xã hội, tr. 126 – 127.
Tài liệu tham khảo
- Chùa Kiến Sơ – ngôi cổ tự hơn 1000 năm tuổi ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, phát sóng ngày 1/10/2022.
- Nguyễn Hồng Dương, Thích Thọ Lạc (2010), Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước, Nxb Khoa học Xã hội.
- Kiến Sơ – Ngôi chùa nghìn năm tuổi, Truyền hình tiếng nói Việt Nam – VOVTV, phát sóng ngày 24/11/2021.
- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I, bản ebook của Thư Viện Hoa Sen.
- Thiền uyển tập anh, bản ebook của Thư Viện Hoa Sen.