Thiền sư Khuông Việt

Thiền sư Khuông Việt

Thông tin cơ bản

Cuộc đời và hành trạng

Đại sư Khuông Việt, tục danh là Ngô Chân Lưu (933 – 1011), người Cát Lợi, họ Ngô, thuộc dòng dõi Ngô Thuận Đế tức Tiền Ngô vương, con Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập, cháu của Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn, anh cùng cha khác mẹ của sứ quân Ngô Xương Xí, anh họ của Ngô Nhật Khánh – một sứ quân khác ở đất Đường Lâm. Tuy nhiên, theo Thích Toàn Giác trong cuốn Văn học Phật Giáo với 1000 năm Thăng Long Hà Nội nói Sư quê ở làng Đường Lâm còn Cát Lợi có lẽ là quê ngoại của Sư.

Sư có tướng mạo khôi ngô, tính tình phóng khoáng, nhỏ theo học Nho, lớn lên quy y Phật nhờ đó được tinh thông tam giáo cửu lưu, đọc rộng kinh sách Phật giáo, hiểu sâu ý chỉ Thiền học. Thiền sư thuộc thế hệ thứ tư dòng Thiền Vô Ngôn Thông, là đệ tử truyền thừa của thiền sư Vân Phong. Sư tu ở chùa Khai Quốc, thấu tột thiền yếu và đọc khắp các kinh điển. Tại chùa Khai Quốc, Sư mở trường truyền thụ giáo lý Phật giáo có tiếng vang và được đông đảo Phật tử theo tu hành, học đạo. Người đời mến mộ Sư ở tinh thần nhập thế, vì nòi giống tổ tiên, vì thái bình thịnh trị mà Sư tu Phật và truyền đạo sâu rộng trong dân chúng.

Năm 40 tuổi, danh Sư vang khắp tùng lâm, vua Đinh Tiên Hoàng cho mời vào cung hỏi đạo, Sư đối đáp rành rẽ, vua rất mến phục phong chức Tăng Thống. Năm sau, niên hiệu Thái Bình thứ hai (971), vua lại phong Khuông Việt Đại Sư có nghĩa là “giúp nước Việt”.

Đến đời vua Lê Đại Hành, Sư càng được kính trọng. Bao nhiêu việc binh, việc nước, vua đều mời Sư vào hỏi.
Khi đã trở thành Đại sư, Khuông Việt đã đem hết những kiến thức của đạo Phật và những hiểu biết uyên thâm về sự đời để giúp vua Đinh và vua Lê trị vì đất nước. Trong kháng chiến chống Tống, chống Chiêm, trong hoạt động ngoại giao đối đáp với sứ thần nhà Tống, Sư luôn làm cho sứ thần kính phục.

Sau, Sư viện lẽ già yếu xin từ quan, về quê dựng một ngôi chùa hiệu Phật Đà trên núi Du Hý, làng Cát Lợi, quận Thường Lạc, rồi trụ trì ở đó. Học giả bốn phương tụ họp về học vấn rất đông.

Về sau, Sư trụ trì chùa Cổ Sơn làng Thừ, quận Ải. Niên hiệu Hưng Thống thứ hai (990), Sư không bệnh mà tịch, thọ 76 tuổi.

Tác phẩm của Sư có:

  • Bồ Tát Hiệu Sám Hối Văn
  • Thơ tiếp Lý Giác
  • Một bài kệ

Khuông Việt Đại sư – biểu tượng của Phật giáo nhập thế và quốc sự.

Từ những ngày đầu Tây lịch, người Việt Nam đã tiếp nhận Phật giáo từ Ấn Độ trực tiếp truyền vào, sau đó tiếp thu một số ảnh hưởng Phật giáo Trung Hoa và phát triển trên nền văn hóa bản địa. Phật giáo Việt Nam mang trong mình những yếu tố Việt – Ấn – Trung, do đó ít nhiều khác với Phật giáo các nơi khác trên thế giới, kể cả Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa. Một trong những nét khác biệt đó chính là tinh thần nhập thế sâu sắc của Phật giáo Việt Nam. Phật giáo tham gia vào mọi biến động của lịch sử về cơ bản đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Sau khi đất nước thoát khỏi một nghìn năm phong kiến phương Bắc, một thách thức đặt ra đối với nhà Đinh và Tiền Lê là việc xây dựng và củng cố chế độ phong kiến tập quyền trước sự cạnh tranh của các tập đoàn phong kiến trong nước và sức ép xâm lăng từ phương Bắc. Nhận thấy đạo Phật có vai trò quan trọng việc gìn giữ và bảo vệ đất nước. Vua Đinh Tiên Hoàng cho “Định giai cấp Tăng sĩ” ngay sau khi lập nước Đại Cồ Việt năm 970, lần đầu tiên ban chức Tăng thống cho Ngô Chân Lưu, hiệu là Khuông Việt Thái sư, chính thức thừa nhận Phật giáo là nguyên tắc chỉ đạo tâm linh cho chính sự. Phải nói rằng, đây chính là cơ hội của lịch sử dành cho cho “Quyền lực Phật giáo” ở Việt Nam. Các tăng sĩ thể hiện được tinh thần nhập thế sâu sắc vào thời kỳ này, họ dù là “tăng sĩ quốc sư” hay những chuyên gia “tham dự chính trị” thì tất thảy đều là giúp vua cứu nước.

Với Khuông Việt Đại sư, ông thoát ra khỏi sự giới hạn của các bậc tiền bối đi trước. Tư tưởng của ông không còn bó hẹp trong phạm vi luận bàn về khái niệm, một thứ lý luận kinh viện mà nhiều người đã mắc phải (để Thiền tông phải chủ trương bất lập văn tự như ta đã thấy) mà thực sự gắn kết giáo lý với thực tiễn cuộc sống. Với ông Đạo gắn chặt với Đời, thậm chí Đời còn hơn Đạo. Bản thân ông là một nhà sư nhưng không còn ở chốn thâm u tĩnh mịch, lại càng không theo phương pháp Quán bích để giữ tâm vững vàng như tường vách không dao động hoặc không để cảnh bên ngoài tác động vào tâm như một số người đã làm, mà đã bước ra ngoài cuộc sống trần tục một cách tự tin với sự đĩnh ngộ của một bậc thiền sư cao minh đắc đạo. Ông tham gia triều chính và đem cái sở đắc của mình góp phần củng cố nhà nước Đại Cồ Việt non trẻ mà không hề có sự câu nệ.

Tư tưởng nhập thế gắn Đạo với Đời “Phật giáo tại thế gian bất ly thế gian giác” tức đạo Phật tại thế gian, không thể xa rời thế gian mà giác ngộ được, điều này rất trùng với tư tưởng thiền học nhập thế của Phật hoàng Trần Nhân Tông khi kết hợp được hai yếu tố: Yêu nước và mộ thiền. Triết lý hành động của Khuông Việt dựa trên một nhận thức luận coi cuộc đời là nơi mình có thể giải thoát được bằng chính nhận thức của mình. Thế giới giác ngộ cũng như hành động của Phật giáo không nằm bên ngoài cuộc đời và con người không cần đi tìm bất cứ một thế giới nào khác. Điều này giải thích cho việc tại sao Khuông Việt Đại sư lại ung dung tham gia vào việc nước, việc dân và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ độc lập của tổ quốc.

Tinh thần nhập thế của Khuông Việt Đại sư một phần xuất phát từ quan điểm của đạo Thiền: Phật tức Tâm, Tâm vô sở sinh pháp vô sở trụ như ta đã thấy. Song có thể nhận ra rằng sự tòng Nho quy Phật cũng đã chi phối phần nào tư tưởng và hành trạng của nhà sư. Bên cạnh đó, trước yêu cầu khách quan của việc xây dựng thiết chế quân chủ trung ương tập quyền, chủ trương tu, tề, trị, bình của đạo Nho trở nên thích hợp. Khuông Việt Đại sư vốn là người theo nghiệp Nho từ nhỏ ắt thông hiểu những ý chỉ Thánh nhân.

Theo Nguyễn Đăng Thục nhà nghiên cứu về lịch sử tư tưởng Việt Nam cũng đã nói rõ về sự dung hội Phật – Nho của Khuông Việt. “Thuở còn nhỏ vốn theo nghiệp Nho, rồi sau mới đi sang Phật. Bởi thế mà Phật học của Khuông Việt có khuynh hướng thực tiễn dân tộc chứ không còn lạnh lùng với nhân sinh. Như thế thì sơ bỏ Nho đi sang Phật là vì một mình Nho giáo không thỏa mãn cho sự đòi hỏi tín ngưỡng của dân tộc. Vì Khuông Việt đã giải đáp Đa Bảo hỏi về lý thủy chung bằng sự phủ nhận để đi vào cái thực tại đồng nhất thể, tức là cái tâm linh vũ trụ bất biến, chân như, hợp nhất cả bản thể và tác dụng, đạo và đời (Etre et Devenir). Đấy là tư tưởng tổng hợp Nho Phật của Khuông Việt, lập cước trên cơ bản tính vừa nội tại vừa siêu nhiên như lời kệ cuối cùng đã tỏ rõ”. Chính vì vậy cho nên Khuông Việt đã không ngần ngại tham dự vào chính sự vì dân tộc một cách vô tư, không ham danh lợi, quyền thế.

Những đóng góp của Đại sư Khuông Việt trong lịch sử nước ta.

Về chính trị

Hiện chưa có một tài liệu nào xác định Đại sư Khuông Việt có những đóng góp như thế nào dưới thời nhà Đinh nhưng ta có thể chắc chắn rằng ông đã có công không nhỏ trong sự nghiệp đế vương của Đinh Tiên Hoàng ở những buổi đầu dựng quốc gia Đại Cồ Việt độc lập, tự chủ. Cái tên vua Đinh Tiên Hoàng (968 – 979) ban cho Sư đã nói tất thảy, bên cạnh đó Sư cũng là vị Tăng Thống đầu tiên của Phật giáo Đại Việt. Đinh Tiên Hoàng đã xem Sư là vị Thánh với nhiệm vụ “Khuông phò nước Việt”. Còn với chức Thái sư, thì dưới triều nhà Đinh và các triều đại sau, chức vụ này là một trong Tam thái, có quyền ngang như Tể tướng. Và dĩ nhiên, với chức vụ và danh vị này, thiền sư có nhiều điều kiện để chấn hưng Phật giáo, củng cố đất nước, xây dựng vương triều, trị quốc an dân trong buổi đầu khi đất nước vừa thống nhất, sau loạn cát cứ “Thập nhị sứ quân” (965 – 967), để đưa đất nước bước vào công cuộc phục hưng những giá trị văn hoá tinh thần truyền thống của dân tộc sau hơn một ngàn năm bị phương Bắc đô hộ.

Nếu như dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng chưa có nhiều cứ liệu để xác định được những đóng góp của Sư thì đến triều Tiền Lê (980 – 1009), Sư được như ví như “vị thủ lĩnh tinh thần” đoàn kết dân tộc về mặt quân sự, “nhà ngoại giao kiệt xuất”, người đặt nền móng cho một nền ngoại giao mềm dẻo, khẳng định được vị thế của quốc gia, dân tộc. Sách Thiền uyển tập anh chép:”Hoàng đế Lê Đại Hành kính trọng Sư, phàm việc quân, việc nước ở triều đình, Sư đều dự vào”.

Về mặt trận quân sự

Sư đã kéo léo vận dụng tư tưởng phật giáo tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc, trấn an tinh thần của nhân dân Đại Cồ Việt đập tan cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Tống. Sách Thiền uyển tập anh chép:“Năm Thiên Phúc thứ 1 (981), binh Tống đến quấy nước ta. Vua biết rõ việc đó, liền sai Sư đến bàn thờ cầu đảo. Quân giặc kinh hãi, rút về giữ sông Hữu ninh, lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, giặc bèn tan vỡ”.

Về mặt trận ngoại giao

Khi nước Đại Cồ Việt đứng trước hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, đất nước xảy ra nhiều biến động, thù trong giặc ngoài, quân Tống lăm le muốn chiếm đánh nước ta lần nữa. Thực tiễn đòi hỏi nước ta phải đưa ra chủ trương quyết định đúng đắn trên toàn mặt trận đặc biệt trên mặt trận ngoại giao. Chính vì vậy, vua Lê Đại Hành đã giao trọng trách ấy cho Đại sư Khuông Việt và Pháp Thuận đảm nhận.

Năm Thiên Phúc thứ 7 (986), người Tống là Nguyễn Giác sang sứ nước ta. Bấy giờ pháp sư Đỗ Thuận cũng có tiếng tăm lừng lẫy. Vua sai Pháp sư cải trang làm người lái đò để nghinh đón Giác ở Giang khúc. Giác thấy Pháp sư giỏi bàn văn chương, bèn đem thơ tặng, có câu: “Ngoài trời lại có trời soi rạng”. Vua đưa hỏi Sư. Sư thưa rằng: “Đây nó muốn tôn kính Bệ hạ cùng với chúa nó không khác “. Khi Giác trở về, Sư làm một bài thơ nhan đề Vương Lang Qui để tin đưa.

Bài từ như sau:

Trời lành gió thuận, gấm buồm dương
Thần tiên về để hương
Muôn trùng vạn dặm biển mênh mang
Trời xanh xa dặm trường
Tình ray rứt chén lên đường
Bịn rịn sứ tinh lang
Nguyện đem thâm ý vì Nam bang
Phân minh tâu Thượng hoàng

Theo nhận định của giới nghiên cứu văn học thì đây là một văn bản văn học quan trọng, gắn với các sự kiện quan trọng của lịch sử ngoại giao hai nước Việt – Trung; là tác phẩm văn học cắm cái mốc về vấn đề Phật giáo hòa đồng cùng dân tộc, nhập thế hành đạo, tham gia chính trị, mang tinh thần hộ quốc an dân trong thời đại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Qua đây ta có thể khẳng định rằng Khuông Việt Đại Sư không chỉ là một bậc chân tu mà còn là “ nhà chính trị toàn năng” của mọi thời đại.

Về văn hóa

Theo Thiền uyển tập anh, Đại Việt sử ký toàn thư, đặc biệt là qua công cuộc khảo cổ khai quật di chỉ dọc bờ sông Hoàng Long gần kinh đô Hoa Lư vào các năm 1963, 1964 và 1987, thiền sư Khuông Việt là người có công lớn trong việc trấn hưng Phật giáo, ông đã tạo nhiều điều kiện để giúp Nam Việt vương Đinh Liễn (con trai đầu của Đinh Tiên Hoàng, mất năm 797) khắc kinh Tổng trì đà la ni (Phật đỉnh Tôn Thắng gia cú linh nghiệm đà la ni) – một bộ kinh của Phật giáo Mật tông – trên cột đá rồi dựng ở vùng gần Hoa Lư, Ninh Bình, dọc theo sông Hoàng Long. Sự kiện này cho ta biết rằng vào thời bấy giờ Đinh Liễn và cha của ông là để tử rất thuận thành của Đại sư Khuông Việt.

Và cũng chính từ những cứ liệu lịch sử trên, ta có thể hiểu được phần nào đời sống tâm linh của người Việt thời bấy giờ, đồng thời thấy được sự tài ba của ông cha ta trong nghệ thuật khắc chữ trên đá.

Trong văn học Việt Nam, những sáng tác của ông còn lại đến nay không nhiều nhưng không thể phủ nhận được sức ảnh hưởng của nó đối với các thế hệ sau. Tiêu biểu là bài kệ tịch và một bài từ khúc viết theo điệu Nguyễn lang quy.

Ngày nay để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Đại sư rất nhiều tờ báo, trường học, chùa chiền ra đời lấy tên và thờ Đại sư.

  • Chùa Khuông Việt: có nhiều chùa ở Việt Nam và nước ngoài mang tên ông như chùa Khuông Việt ở Sài Gòn, chùa Khuông Việt ở Paris, chùa Khuông Việt ở Na Uy. Hiện nay Đại sư còn được thờ tại Chùa Non Nước (Hà Nội) và Chùa Nhất Trụ (Ninh Bình). Ông cũng được thờ tại di tích miếu Hạ, xóm 2, thôn Ngọc Lâm, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, Ninh Bình.
  • Tạp chí Khuông Việt là tờ báo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời với tôn chỉ, mục đích là nghiên cứu, giới thiệu tri thức Phật học và những giá trị văn hóa Phật giáo, theo phương châm hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội.
  • Đường Khuông Việt: có ở các thành phố Ninh Bình và Sài Gòn. Ở Thành phố Đà Nẵng, thành phố Tam Kỳ và thị xã Nghi Sơn có đường Ngô Chân Lưu.
  • Học viện Phật giáo Khuông Việt hiện được xây dựng tại khuôn viên chùa Bái Đính, Ninh Bình.
  • Trường Khuông Việt: Một số cơ sở dạy Phật giáo mang tên trường Khuông Việt như ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội (chùa Quán Sư) hay ở Thị trấn Thác Mơ, Phước Long, Bình Phước có “trung tâm Văn Hoá Lịch sử Phật giáo Khuông Việt” ở núi Bà Rá.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Đăng Thục (1998), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tập II, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh
2. Lê Mạnh Thát, Thiền uyển tập anh, Nxb văn học
3. Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Nxb Tôn giáo
4. Hòa thượng Thích Gia Quang, Những đóng góp của Quốc sư Khuông Việt trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước nửa đầu kỷ nguyên độc lập, Tạp chí nghiên cứu Phật học.
5. Hội thảo khoa học “Quốc sư Khuông Việt và Phật giáo Việt Nam đầu kỉ nguyên độc lập”

5/5 (5 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ
Thiền Sư Khuông Việt

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)