Du khách thăm cố đô Hoa Lư nên đến thôn Yên Thành, xã Trường Yên xem chùa Nhất Trụ. Chùa chỉ cách đền Lê Đại Hành về phía bắc gần 100m, được xây dựng năm 955 (thời Tiền Lê)
Chùa Nhất Trụ nằm ở vị trí trung tâm, là di tích quan trọng nhất, là nơi tu hành và họp bàn việc nước của các nhà sư thế kỉ X như Pháp Thuận, Khuông Việt và Vạn Hạnh. Trải qua các thời kì lịch sử của dân tộc, trước thử thách của gió bão, bom đạn chiến tranh, trụ đá vẫn còn đứng mãi với thời gian.
Lịch sử
Năm 973, Nam Việt Vương Đinh Liễn, con trai vua Đinh Tiên Hoàng đã cho dựng ở Hoa Lư 100 cột kinh Phật bằng đá, khắc kinh Đà La Ni. Từ đây về sau tạo thành một dòng chảy thạch kinh trong văn hóa Việt Nam. Kinh tràng Hoa Lư là biểu tượng của Pháp trong Tam Bảo nhà Phật (gồm: Phật, Pháp, Tăng). Sau nhà Đinh, vua Lê Đại Hành cho dựng thạch kinh ở chùa Nhất Trụ. Từ đây về sau nhân dân Việt Nam có truyền thống dựng Thạch Kinh trước điện thờ Phật. Chùa chỉ có một cột Kinh bằng đá nên gọi là Nhất Trụ.
Kiến trúc
Hiện nay, chùa quay hướng Tây, kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh”, phần ngang là Tiền đường năm gian, phần dọc “chuôi vồ” bốn gian là nơi thâm nghiêm để thờ Phật. Chùa được xây dựng bằng gỗ lim. Cột, vì kèo, xà ngang, xà dọc đều bằng gỗ lim. Mái chùa không uốn cong như các ngôi chùa khác, lợp bằng ngói ta không có mấu, mũi lượn tròn, phía dưới là ngói chiếu. Hệ thống bộ mái của chùa chiếm hai phần ba công trình. Đó cũng là đặc trưng kiến trúc của chùa Việt Nam. Đến chùa, đi vào cổng phía nam, bên trên có ba chữ Hán đắp nổi: “Nhất Trụ tự” (Chùa Nhất Trụ).
Khu vực chùa rộng gần tám sào, được xây tường bao xung quanh. Vườn chùa trồng nhiều cây ăn quả, cây đại thụ, cây cảnh, cây hoa xanh tươi làm cho cảnh chùa như một chốn tịnh viên (vườn tĩnh mịch).
Ngoài chùa chính, trong khu vực còn có nhà thờ Địa Tạng (Bồ Tát) và thờ Mẫu, nhà thờ tổ để thờ những vị tăng ni đời trước ở chùa đã mất, trụ trì là nơi nhà sư ở, Phương trượng là nhà tiếp khách và một số tháp, nơi chôn cất các nhà sư đã trụ trì và mất tại đây.
Đến thăm chùa, du khách bước vào Tiền đường ở cửa bên trái. Tại đây có bệ thờ đặt tượng Đức Ông mặt đỏ. Đối diện bên tay phải Tiền đường là bệ thờ đặt tượng Đức Thánh Hiền (Đức A Nan). Trong Tiền đường còn treo một quả chuông lớn do dân làng cúng tiền đúc năm Giáp Tuất (1814). Trên chuông còn khắc nội dung: “Chùa Nhất Trụ từ xưa đã xây dựng rất nguy nga đẹp đẽ, nhưng tiếng chuông chùa thì vắng lặng. Vào năm Giáp Tuất (1814), dân làng đã tiến cúng tiền của để đúc một quả chuông ở chùa Nhất Trụ. Nay làm bài ký ghi lại việc này, ghi họ và tên chư vị đã tiến cúng tiền của để đúc chuông chùa”[1].
Lễ Đức Ông xong, du khách mởi đến lễ ở bàn thờ chính giữa, nằm ở thượng điện – “chuôi vồ”. Đây là chỗ thờ Phật, có bốn hàng từ cao xuống thấp, đặt các tượng Phật được sơn son thếp vàng lộng lẫy và các thứ đồ thờ như đỉnh hương, cây đèn…
Hàng trên cùng là Tam Thế Phật (quá khứ, hiện tại, vị lai). Hàng thứ hai là Di Đà Tam Tôn. Tượng Di Đà ở giữa, bên phải là tượng Đại Thế Chí Bồ Tát, bên trái là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Hàng thứ ba là hai tượng Thổ Địa và Thánh Tăng. Hàng thứ tư là toà Cửu Long, tức Thích Ca sơ sinh, tượng một chú bé đứng trên toà sen, mặc quần ngắn, tay phải chỉ xuống đất, tay trái chỉ lên trời. Xung quanh tượng này có chín con rồng. Chín con rồng ấy đem toàn bộ nước linh thiêng cho Phật tắm.
Di vật đặc trưng
Điều đặc biệt của chùa Nhất Trụ là có một cột Kinh đá dựng ở phía trước chùa, hơi lui về hướng Bắc.
Đây là cột Kinh đá do vua Lê Đại Hành (980 – 1005) làm ở niên hiệu ứng Thiên thứ 2, năm 995 để dâng nhà Phật. Cột kinh đá có chiều cao tính từ tảng đến chóp là 4,16m, gồm sáu bộ phận đá được gá lắp thành.
Bộ phận thứ nhất là một tảng đá hình vuông, mỗi chiều 1,4m, dày 0,3m. Điều đặc biệt ở tảng đá này là được chạm khắc một vòng cành sen gồm 22 cánh đơn bao quanh đê cột với đường kính vòng sen 1,07 m. Cánh sen thon. Có lẽ đây là loại hoa văn cánh sen xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam trong nghệ thuật chạm khắc đá. Hoa sen theo quan niệm của đạo Phật là biểu tượng của cõi Niết Bàn, biểu hiện cho trí tuệ, cũng là biểu tượng của âm. Vì thế tảng đá mới được chạm khắc cánh sen. Lỗ mộng của tảng đá ở giữa có đường kính 29cm, sâu 5,5cm.
Bộ phận thứ hai là đế tròn, trên to, dưới nhỏ, đưòng kính trên 76cm, đường kính dưới 66cm, cao 3,32cm. Bên dưởi đế có ngông tròn để vào lỗ mộng của tảng đá. Bên trên cũng có lỗ mộng.
Bộ phận thứ ba là thân cột, hình bát giác (8 cạnh), trên to, dưới nhỏ bằng đá xanh nguyên khối cao gần 2,4m, số đo qua tâm hai mặt đối diện nhau, phía trên là 65cm, phía dưởi 61 – 62m. Hai đầu thân cột đều có ngông để cắm vào đế và thớt bát giác, ngông dưới có đường kính 16cm, dài 5cm, ngông trên có đường kính 18cm, dài 6cm. Đây là bộ phận chính của cột Kinh. Tám mặt đều được mài nhẵn lì, chạm khắc khoảng 2.500 chữ Hán. Hiện nay, do nước chảy đá mòn, thời gian làm mờ nhiều chữ ở phần trên và dưới, chỉ có thể đọc được khoảng 1.200 chữ. Nội dung bản khắc trên thân cột là khắc Kinh Đà La Ni, Thủ Lăng Nghiêm và bài thần chú ca ngợi sự bền vững của đức hạnh Phật, sự to lốn, bao trùm của trí tuệ, tài năng Phật Như Lai.
Bộ phận thứ tư là thớt bát giác có số đo qua tâm, hai mặt đối diện là 69cm, cao khoảng gần 13cm, mặt trên phẳng, mặt dưới có lỗ mộng để trên thân cột.
Bộ phận thứ năm là đấu tám cạnh, cao 26 cm, bên trên đấu có lỗ mộng tròn để lắp chóp.
Bộ phận thứ sáu là chóp có hình một chiếc hồ lô thóp bụng, cổ dài, miệng tù, cao khoảng 80cm. Hiện nay chóp cũ đã mất, được làm thay bằng chóp khác (Theo tư liệu của Đặng Công Nga trong Văn hóa Ninh Bình, số 3 năm 1996)[2].
Sáu bộ phận của cột kinh đều làm bằng đá được gá lắp vào nhau bằng các lỗ mộng và ngòng tròn, không hề có chất kết dính nào. Điều này khẳng định sự tính toán tỉ mỉ, rất khoa học của các nghệ nhân, đồng thời cũng chứng minh được loại hình như tháp đá đã có sớm ở nước ta.
Phải chăng, nghề thuật chạm khắc đá, thư pháp trên đá của nhân dân Hoa Lư đã có từ lâu đời, cách ngày nay trên 1000 năm.
Trải qua hơn mười thế kỷ, gió bão, lụt lội không hề làm cho cột Kinh lún, nghiêng và đổ. Hai cột vuông ngoài hiên tiền đường của chùa Nhất Trụ có câu đối chữ Hán đắp nổi:
Ức niên Phật thủ kim liên điện
Vạn cô Thần linh thạch trụ tiêu.
Tạm dịch:
Hàng vạn nầm bàn tay Phật xây dựng toà sen vàng (chùa)
Từ xa xưa Thần linh thiêng chôn cắm cột bằng đá (cột Kinh đá).
Ngày 25/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2382/QĐ-TTg công nhận Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ là Bảo vật Quốc gia.
Lễ hội
Lễ hội chùa Nhất Trụ cùng với 8 ngôi chùa cổ khác ở cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên diễn ra dịp lễ hội Trường Yên đầu tháng 3 âm lịch hàng năm.Hàng năm, vào ngày 15 tháng Giêng, tại chùa diễn ra lễ khao tống thuyền rồng, đây là lễ cúng Phật cầu nguyện cho quốc thái dân an. Đêm nguyên tiêu có hội thơ tưởng nhớ thiền sư Đỗ Pháp Thuận. Ngày 8 tháng 4 âm lịch có lễ lập hạ tại chùa, cầu thời tiết thuận hoà, mùa màng tốt tươi.
Đến năm 1009 Lý Công uẩn lên ngôi vua, lập ra nhà Lý. Năm 1010, Lý Thái Tổ quyết định rời đô từ Hoa Lư đến thành Đại La (Thăng Long), sử chép rằng vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) nằm mộng thấy Phật Quan Âm ngồi trên toà sen mời bước lên. Vua cho là điềm gở, bèn cho xây một ngôi chùa theo hình hoa sen để thờ Phật và cầu xin ban thêm tuổi thọ. Năm 1049, chùa được xây dựng nằm giữa hồ Linh Chiểu (Khu vực Ba Đình – Hà Nội ngày nay). Bộ phận chính của ngôi chùa, là một cột đá hình tròn, có đường kính 1,25 mét, từ dưới dáy hồ nhô lên mặt nước. Trên đầu trụ đá tròn là một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ vuông vức mỗi chiều 3 mét. Bốn chiếc sóc nách bằng gỗ từ giữa thân trụ đá đâm ra như những cành cây đỡ lấy ngôi chùa. Có lẽ, để tưởng niệm ghi nhớ Cố Đô Hoa Lư trong tâm thức, vua Lý Thái Tông gọi tên chùa là Một Cột. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: “Đô cũ nhà Đinh, nhà Lê lại có các danh hiệu: cầu Đông, cầu Rền, chùa Tháp, chùa Nhất Trụ,… nền cũ vẫn còn. Khi Lý Thái Tổ dòi đô đến Thăng Long đều dùng theo các danh hiệu ấy”[3]. Tên gọi của hai ngôi chùa giống nhau, nhưng kiến trúc và ý tưởng lại khác nhau. Điều quan trọng là tên gọi “Nhất Trụ” vẫn còn lưu lại trên đất Thăng Long. Một sự tiếp nối, nghi nhố một “Kinh đô đá” oanh liệt, một thời vàng son rực rỡ. Đó cũng là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, biết quý trọng quá khứ hào hùng của dân tộc.
Chú thích
[1] Thác bản chuông “Nhất Trụ tự chung”.
[2] Vũ Ngọc Khánh (Chủ biên), Chùa cổ Việt Nam, Nxb Thanh niên, 2006, tr. 396.
[3] Vũ Ngọc Khánh (Chủ biên), Chùa cổ Việt Nam, Sđd, tr. 397.
Tham khảo
– Vũ Ngọc Khánh (Chủ biên), Chùa cổ Việt Nam, Nxb Thanh niên, 2006.
– Thác bản chuông “Nhất trụ tự chung” sưu tầm tại Nhất Trụ tự.
– Chùa Nhất Trụ – điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua của du khách khi đến với Hoa Lư – Ninh Bình: https://vietnamtourism.gov.vn/post/41016