Chùa Nhân Mục (Tùng Lâm tự – Vĩnh Bảo, Hải Phòng)

Chùa Nhân Mục (Tùng Lâm tự – Vĩnh Bảo, Hải Phòng)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của thành phố Hải Phòng, Vĩnh Bảo là một huyện giàu truyền thống văn hóa, cách mạng và hiếu học. Nơi đây đang lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo nên nét riêng của vùng đất linh thiêng. Tại đây có hàng trăm di tích lịch sử với hệ thống: đình, đền, chùa, miếu,… mang trọn nét đặc trưng văn hoá của người dân miền biển vùng đồng bằng duyên hải. 

Cùng với Miếu – Chùa Cựu Điện, Đình – Chùa Nhân Mục là khu di tích lịch sử cấp quốc gia của xã Nhân Hòa, huyện Vĩnh Bảo. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung tìm hiểu về chùa Nhân Mục, tên cổ Tùng Lâm tự

Lược sử

Cổ tự Nhân Mục có niên đại khởi dựng từ lâu đời. Theo sách Chùa cổ Hải Phòng:

Dấu vết vật chất xưa cũ nhất hiện tồn là đôi sấu đá đặt trước hiên tòa tiền đường. Sấu ở đây giống hệt những con vật cùng loại đã được xác định chính xác niên đại Mạc (thế kỷ 16) ở chùa Trà Phương, Nhân Trai, Hoà Liễu (Kiến Thuỵ), Đông Linh (Tiên Lãng)… Có lẽ thời Mạc, chùa Nhân Mục có quy mô to lớn không kém các cảnh quan Phật nổi danh khác, những phiến đá xanh bó nền, xây hiên, ghép cầu… nằm rải rác quanh vườn chùa đã góp phần cùng đôi sấu đá mách bảo điều ấy. Trước cửa tiền đường còn bảo lưu cây trúc đài đá, dòng lạc khoản khắc thời gian dựng năm Chính Hòa 10 (1689). Nhưng dựa vào dòng lạc khoản chữ Hán khắc trên kiến trúc chùa cho biết niên đại trùng tu vào năm Nhâm Tuất (1877) do công sức của nhân dân địa phương và lòng hảo tâm của thiện nam tín nữ bốn phương.1

Kiến trúc cảnh quan

Chùa quay về hướng Tây, bố cục theo kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian tiên đường và 3 gian hậu cung, làm theo kiểu giá chiêng. Qua một khoảng sân rộng lát gạch là nhà Tổ, bố cục 5 gian tiền đường, 1 gian hậu cung. Bên phải nhà Tổ là ngôi nhà 5 gian nhìn ra vườn chùa, nơi an tọa của 2 ngôi tháp mộ Sư tổ.

Trên Phật điện chùa từ lâu không có bộ tượng Tam Thế và vị trí trang trọng đó được dành cho bộ tượng Di Đà Tam Tôn. Bộ tượng này có kích thước khá lớn, mang nhiều nét kế thừa trực tiếp từ tượng Phật giáo thời Mạc. Về chất liệu các tượng đều được làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Pho A Di Đà ở giữa được thể hiện ngồi thiền định kết ấn “Tam muội’. Pho Quán Âm và Đại Thế Chí được bày hai bên. Dựa vào hệ thống phân loại và định hình tượng Phật giáo của Viện mỹ thuật Việt Nam có thể xác định bộ Di Đà Tam Tôn chùa Nhân Mục được làm vào thế kỷ 18. Dưới hàng tượng Di Đà Tam Tôn là bộ tượng Thích Ca Niêm Hoa, pho ngồi giữa trên đài là Đức Thế Tôn, dáng vẻ ưu tư, tóc xoắn kiểu bụt ốc, cổ hơi cúi xuống, mắt nhìn thẳng, khuôn mặt đầy đặn, tay phải giơ ngang vai cầm đóa sen mãn khai tượng trưng cho ánh sáng Phật pháp, tay trái đặt trước bụng. Tượng khoác áo cà sa nhà Phật 2 lớp trùm kín thân. Bên trái là tượng đức A Nan Đà tư thế đứng truyền pháp, đầu hơi cúi, khuôn mặt đầy đặn mũi cao, môi hơi mím, mắt hé mở nhìn xuống. Bên phải là tượng đức Ca Diếp được làm tương tự tượng A Nan Đà.

Số lượng tượng pháp trong chùa không nhiều, nhưng phong cách nghệ thuật tạc tượng lại mang tính dân gian. Tất cả gồm các bộ tượng Di Đà tam tôn, A Di Đà, Quan Thế Âm, Đại Thế Chi, Thích Ca Niệm hoa, Đức Thế Tôn, A Nan Đà, Ca Diếp, Quan Âm Tống Tử Ngọc Hoàng, Thánh Tăng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thích Ca Sơ Sinh, Hộ Pháp. 

Hiện vật

Dấu vết xưa nhất tại ngôi cổ tự là đôi sấu đá đặt trước hiên tòa tiền đường. Sấu được làm từ phiến đá liền khối, dài 95cm, cao 30cm, lưng phủ một số đao mác nổi hình mũi mác lớn. Đặc biệt dưới cằm có những râu hình đao mác, bện xoắn thừng giống các con vật ở các chùa Trà Phương Nhân Trại Hoa Liễu, Kiến Thụy), Đông Linh (Tiên Lãng).

Xếp hạng

Chùa và Đình Nhân Mục kết hợp với nhau thành một tổng thể công trình kiến trúc nghệ thuật cổ, tôn giáo tín ngưỡng truyền thống của một làng quê văn hiến. Với giá trị lịch sử văn hoá, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đình và chùa Nhân Mục đã được xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1994.

Chú thích

  1. Thích Thanh Giác, Chùa cổ Hải Phòng, tập 2, Nxb Hải Phòng, 2017, tr 231-234.

Tham khảo

  1. Thành đoàn Hải Phòng, Đình, Chùa Nhân Mục, xã Nhân Hòa, huyện Vĩnh Bảo,Website Đoàn Thanh niên cộng sản TP Hải Phòng, số ra ngày 27/02/2023.
5/5 (1 bình chọn)
Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)