Tên gọi và vị trí địa lý
Cách trung tâm huyện Nho Quan khoảng 13km, men theo con đường phủ bóng cây thông, không khó để đến được đền Đồi Ngang – một địa điểm tâm linh nổi tiếng gắn bó với người dân huyện Nho Quan suốt bao đời nay. Do nằm ở trên đồi có một con đường ngang chạy qua nên được gọi là đền Đồi Ngang. Đền thuộc địa phận xã Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, tọa lạc bên Khu du lịch hồ Đồng Chương – sân golf Tràng An – phủ Sòng Xanh.
Đền Đồi Ngang là nơi thờ chính của Cậu Bé Đồi Ngang, bên cạnh đó đền còn là nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong bốn vị “tứ bất tử” của Việt Nam, vì vậy có tên là Phủ Đồi Ngang. Đây cũng là nơi duy nhất ở miền Bắc tại Việt Nam có đền thờ Thánh Cậu.
Lịch sử và nhân vật
Theo ông Phạm Văn Tuất, hiện là người thường xuyên trông coi phủ Đồi Ngang kể lại thần tích từ hàng trăm năm trước đây:
Phủ Đồi Ngang gắn liền với truyền thuyết Thánh Mẫu tiên chúa tái tam giáng thế, hiển thánh tại vùng đất Nho Quan, Ninh Bình. Sau khi Mẫu Mẹ về trời, một thời gian qua đi, Mẫu Mẹ nhớ trần gian, khuôn mặt trở nên u buồn. Bà bèn tâu với vua cha cho giáng thế xuống trần. Thánh Mẫu biến hóa thành cô thôn nữ dọn quán bán nước ven đường (trước cổng phủ Đồi Ngang ngày nay) quan sát, dùng phép thuật trừ tà ác, dâm tặc bảo vệ nhân dân. Thánh Mẫu cũng biến hóa, cải trang thành người trần để thử lòng trần gian.(1)
Ngoài câu chuyện về Thánh Mẫu tái tam giáng thế, ở phủ Đồi Ngang, còn có một câu chuyện về Cậu Bé Đồi Ngang. Cậu Bé Đồi Ngang không phải là một nhân vật có thật trong lịch sử, đây là tích do dân gian kể lại gắn liền với câu chuyện của Thánh Mẫu giáng thế lần thứ 3 tại mảnh đất Nho Quan, Ninh Bình vào khoảng thế kỷ XVI. Do quá thương nhớ người chồng là Trần Đào Lang trong lần tái sinh thứ 2 ở Phủ Dầy, Mẫu xin vua cha Ngọc Hoàng được giáng sinh lần thứ 3. Mẫu giáng sinh xuống một gia đình họ Hoàng tại làng Tây Mỗ chốn Thanh Hoá vào đúng ngày mùng 10 tháng 10, tên là Hoàng Thị Trinh để kết duyên cùng tiên sinh Mai Thanh Lâm (là chuyển kiếp của Trần Đào Lang).
Lúc bây giờ, có người con trai họ Mai ở Thanh Hóa cũng cùng cảnh đọa đày giáng trần. Cơ duyên đã đưa họ gặp gỡ, tâm đầu ý hợp, nên duyên vợ chồng. Sau này họ sinh hạ cậu con trai đầu lòng, chính là Cậu Bé Đồi Ngang.
Theo thời gian cậu bé lớn lên và trưởng thành, khí phách hiên ngang, giúp dân giúp nước. Tương truyền rằng cậu là sống phóng khoáng, cậu sẵn sàng cho một người nào đó tất cả nếu thuận lòng, nếu người đó có tâm sáng.
Nhưng cũng không kém phần dứt khoát của một chàng trai, nếu không bằng lòng với ai, cậu sẽ lấy hết những gì mà người đó có.(2)
Vì vậy, phủ Đồi Ngang ngoài thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, còn là nơi linh thiêng thờ Cậu Bé Đồi Ngang.
Về công lao của Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại nơi đây, tương truyền rằng: khi quân triều đình đang chống lại sự xâm lược của quân Xiêm. Vị tướng dẫn quân đi chinh chiến đã vào đền Thánh Mẫu ở phủ Đồi Ngang để xin sự “phù trợ” của thần linh. Đến khi ra trận, quân đội nước ta đã dùng ít địch nhiều, chiến thắng vẻ vang quay về. Câu chuyện sau lan truyền rộng rãi trong dân gian, được nhiều người cho rằng đó là nhờ quân Thiên Đình phù trợ, nên dù ít, nhưng quân ta vẫn chiến thắng một cách nhanh chóng. Thánh Mẫu ở phủ Đồi Ngang được đạo sắc phong là Thượng Thượng Đẳng Thần (vị thần giỏi nhất trong một trăm vị các thần), cũng là người hộ quốc bảo vệ cho con dân, đất nước sống trong bình yên, hạnh phúc.
Vào thời vua Lê Hiển Tông (niên hiệu Cảnh Trị), trong một lần đi đánh giặc Xiêm, các tướng lĩnh và binh sĩ của ta đã đến đây thắp hương cầu mong Thánh mẫu phù hộ và sau đó đã đánh tan được quân giặc.(3)
Không chỉ có những thần tích thiêng liêng, phủ Đồi Ngang còn gắn liền với dòng chảy lịch sử của đất nước từ thời kỳ phong kiến cho đến hiện đại.
Trải qua mấy trăm năm, đến thời kỳ chống Pháp, phủ là nơi diễn ra những trận đánh trong chiến dịch Tây Nam – Ninh Bình, khiến địch thất bại thảm hại, góp phần vào thắng lợi trong chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ. Phần lớn đồ đạc ở trong phủ đều được sử dụng để ngăn chặn xe cộ của quân Pháp hành quân. Khi cuộc chiến ngày càng trở nên ác liệt, do bom đạn của quân giặc, phủ Đồi Ngang cũng đã bị phá hoại rất nhiều.
Trong thời kỳ chống Mỹ, phủ là nơi che chở cho các đoàn xe chở hàng vào chi viện cho miền Nam, nơi nghỉ chân của các đơn vị bộ đội đi giã ngoại ban đêm rèn luyện sức khỏe để hành quân vào Nam đánh Mỹ giải phóng đất nước.
Bên cạnh bề dày về lịch sử, phủ Đồi Ngang còn có rất nhiều câu chuyện hư hư, thực thực. Người dân ở quanh khu vực phủ Đồi Ngang có truyền nhau một câu chuyện vào khoảng thế kỷ thứ mười bảy, mười tám, quan quân triều đình lúc bấy giờ được lệnh san bằng, phá hủy phủ Đồi Ngang. Trong những năm ấy, các châu, các huyện quanh đây đều mất mùa, bệnh dịch liên tiếp hoành hành. Cho đến ngày lễ hội, Thánh Mẫu giáng thế, hiển linh, chỉ bảo người dân phải “tôn cấp, lập thờ”. Rồi những người dân ấy ngất đi, khi tỉnh lại họ không còn nhớ gì nữa.
Kiến trúc cảnh quan
Được biết, phủ Đồi Ngang được xây dựng thời Lê, đến năm 1989 được xây dựng lại như ngày nay.
Năm 1991, phủ Đồi Ngang chỉ còn hai gian nhà tranh, chít vách đất rất đơn sơ, thô lậu. Tính đến hiện nay, phủ Đồi Ngang đã được trùng tu rất nhiều lần. Lần đầu là cuối năm 80, đầu năm 90, lần hai là năm 2012, cho nên những ghi chép trước những năm 2000 là không chuẩn xác. Kể từ đó, cứ vài năm, phủ lại được trùng tu hoặc sửa chữa. Sau mỗi lần khôi phục, thì phủ Đồi Ngang lại có những thay đổi nhất định.
Đến nay di tích cơ bản khang trang, đẹp đẽ song vẫn đảm bảo theo thiết kế kiến trúc truyền thống. hủ quay hướng Đông, thẳng hướng về chùa Bái Đính và cố đô Hoa Lư. Tọa lạc trên một khu đất ngay dưới chân đồi cánh phượng với diện tích khoảng 4.464m2, phủ Đồi Ngang thờ Tam vị Thánh Mẫu, Ngũ vị tôn ông, thổ thần, thánh Cô, thánh Cậu, tướng Lê Du, Trần Hưng Đạo, vua cha Ngọc Hoàng, quan Nam Tào, Bắc Đẩu, cậu bé Đồi Ngang, Tiên Thánh.
Nằm ngay mặt đường quốc lộ 45, cổng Tam Quan là điểm nhấn đáng chú ý của ngôi đền, uy nghi với lối kiến trúc độc đáo. Tầng hai được chia làm 3 lầu, 2 đầu mái uốn cong trang trí đầu rồng, trên nóc mái đắp phù điêu lưỡng long chầu mặt nguyệt; lầu chính giữa treo một quả chuông đồng lớn, hai bên là trống và khánh đồng.
Phủ được xây dựng theo hình chữ tam song song, bên tả là cung thờ Cậu (đền Cậu), liên hữu là cung sơn trang (động Sơn Trang). Đầu tiên là tòa bái đường gồm 3 gian, lợp ngói vẩy cột kèo, cân đầu, vượt, mái đều được làm bằng gỗ lim. Cung đệ nhị dài 9m; rộng 7m, mỗi cung có 16 cột trong đó có 10 cột đá nguyên khối, 04 cột đá nửa ốp tường, thân cột đắp hình hoa văn rồng quấn vào thân cột như đang múa bay lên trời. Cung đệ tam được kết nối với cung đệ nhị, bởi hai cửa cung đệ tam làm theo kiểu chuôi vồ. Tại di tích còn lưu giữ được rất nhiều đồ thờ tự quý giá như: Bài vị, tượng thờ, đại tự, câu đối, sắc phong, đặc biệt còn giữ được chiếc khánh đá cổ thời Chính Hòa thế kỷ XVII.
Hiện vật
Sau kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, do những biến động của thời kỳ lịch sử, phủ Đồi Ngang lại bị phá bỏ lần nữa, đồ đạc trong đền như các câu đối, bộ bàn ghế cổ,… đều được mang ra làm băng rôn, khẩu hiệu.
Sự kiện và lễ hội
Di tích là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh thuộc hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu, tứ phủ thánh cậu ở miền Bắc Việt Nam. Vào những dịp mùa xuân, những ngày lễ hội ở phủ Đồi Ngang, người dân từ khắp cả nước lại đổ về nơi đây để chiêm bái, tham gia những nghi thức, hoạt động tín ngưỡng dân gian và nhất là tín ngưỡng thờ Mẫu. Tháng 3 âm lịch hằng năm là những ngày giỗ mẹ, các con nhang đệ tử và nhân dân tổ chức tế lễ, hát chầu văn, hầu đồng để tưởng nhớ đến Công chúa Liễu Hạnh, mẹ của muôn dân,…
Lễ hội phủ Đồi Ngang diễn ra vào ngày 10 đến ngày 20 tháng 2 âm lịch.
Tại đây, cũng là địa điểm nổi tiếng có nhiều người hiếm muộn hoặc muốn có con trai nối dõi đến làm lễ để cầu xin.
Xếp hạng
Thể theo nguyện vọng của nhân dân và các cấp chính quyền huyện Nho Quan, để ghi nhận giá trị của Di tích. Ngày 27/11/2007, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã có Quyết định số 2712/CT-UBND xếp hạng di tích phủ Đồi Ngang, xã Phú Long là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.
Chú thích
[1] Anh Nhi – Tuấn Ngọc, Ly kỳ chuyện Phủ Đồi Ngang, Trang Pháp luật Cơ quan của Bộ Tư Pháp Việt Nam, số ra ngày 27/08/2023.
[2] GS,TS. Ngô Đức Thịnh, Cẩm nang tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ, tr 511.
[3] Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh phủ Đồi Ngang, xã Phú Long, Trang Thông tin điện tử UBND huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, số ra ngày 15/09/2017.
Tham khảo
- Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh phủ Đồi Ngang, xã Phú Long, Trang Thông tin điện tử UBND huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
- GS,TS. Ngô Đức Thịnh, Cẩm nang tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ.
- GS,TS. Ngô Đức Thịnh, Thánh Mẫu Liễu Hạnh, từ vị chúa đến thần chủ đạo Mẫu Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 10 – năm 2010.
- Anh Nhi – Tuấn Ngọc, Ly kỳ chuyện Phủ Đồi Ngang, Trang Pháp luật Cơ quan của Bộ Tư Pháp Việt Nam..