Vị trí
Tháp được dựng ở phía sau nhà Tổ Đệ Nhất.
Lịch sử
Tháp được xây dựng vào năm Đinh Hợi, niên hiệu Phúc Thái thứ 5, tức là vào năm 1647 dưới đời vua Lê Chân Tông.
Đây là ngọn tháp cao nhất ở chùa Bút Tháp. Cửa Tháp quay về phía Nam, phía trên cửa khám ở phần thân tháp có tấm biển đề “Báo Nghiêm Tháp”, do đệ tử Minh Hành tạo dựng để thờ thầy của mình là nhà sư Chuyết Chuyết. Báo Nghiêm ở đây có nghĩa là báo đền sự nghiêm dạy, răn bảo của thầy.
Năm 1977, ngôi tháp Báo Nghiêm bị hư hỏng nặng có nguy cơ đổ, Trung tâm phục chế Trung ương Bộ Văn hóa đã cùng chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức tu bổ phục hồi.
Kiến trúc
Tháp nằm trên nền bát giác mỗi cạnh 1,26 m. Một khám thờ mỗi cạnh 0,96m bên trong có tượng Chuyết Chuyết (tức Chuyết Công). Bốn tầng có khám nhỏ đặt tượng Phật ở mặt tầng. Chỏm mui luyện bát giác. Chóp hình bầu rượu đặc biệt không giống bất kỳ bầu rượu tháp nào đã biết. Toàn bộ tháp cao 13,05 m. Nhà sư Minh Hạnh người Giang Tây (Trung Quốc), đồ đệ của Chuyết Công xây tháp thờ thầy vào năm 1646 hay 1647. Tháp được xây, hay nói đúng hơn “lắp ghép” bằng 415 phiến đá xanh.
Tháp Báo Nghiêm có ba đặc điểm.
Đặc điểm thứ nhất là khám thờ có lan can vây quanh khiến cho các tầng trên tựa hồ như được dựng trên một ngôi nhà. Đặc điểm này ta gặp trong cấu trúc một tháp gạch tứ giác vừa khai quật ở Hoa Lư (Hà Nam Ninh) (12L Đây chính là một loại rào vây của tháp cổ điển.
Đặc điểm thứ hai liên quan với đặc điểm thứ nhất, đó là có 8 mảng trang trí trên lan can. Trên khám tháp có 7 mảng trang trí. Tất cả minh họa cuộc đời Phật xen lẫn những cảnh thể hiện tư tưởng Trung Quốc. Một hỗn hợp Phật – Nho! Lấy đường chạy đàn làm chuẩn, xuất phát từ cửa, ta thử thống kê và nghiên cứu sơ bộ các cảnh trên lan can và khám thờ. Trên lan can, ở ngay cửa có rồng và hổ, đến hai mảng bị mất, tiếp đến là sen và chim, trâu và mặt trời, ngựa và nai, sư tử và hạc, rồng và lân. Trên khám thờ, bắt đầu từ bên phải cửa khám là nai và khỉ và mật ong, rồi đến lân và chim ưng, hạc và nai, cá và rồng, cua và cá chép, sen và phượng, hai rồng chầu ngọc.
Tính hỗn độn pha tạp cực kỳ phức tạp này còn thấy trong các phù điêu trang trí tòa thượng điện. Hươu nai biểu thị lần thuyết pháp thứ nhất ở Vườn Hươu của Phật.
Sen biểu thị Phật ra đời. Khỉ dâng mật cũng là một cảnh Phật giáo v.v… Còn lân, hạc thì rõ ràng là của Nho giáo.
Đặc điểm thứ ba chính là chỏm với chóp quá cao: 3,18 m, trong khi ngay khám thờ cũng chỉ cao 2,46m và bốn tầng trên lần lượt cao 1,91 m, 1,75 m, 2,00m. Chính vị vậy mà L. Bơdácxiê đã cho chỏm và chóp chínhlà một tháp 9 tầng. Thật ra chỉ là chiếc bầu rượu nặng 300kg được cấu tạo cổ thon dài 9 ngấn. Đó là một biến dạng của chóp tháp 9 tán như 9 hình đĩa chồng chất lên nhau. Tháp 4 tầng theo tiêu chuẩn Tăng hội Ấn Độ của Phật. Một sự hỗn tạp! Nhưng đó không phải là trường hợp duy nhất. Một tòa tháp mô hình bằng đất nung 8 tầng cũng có một chóp nhiều ngấn như tán nhưng không có hình bầu rượu). Loại chóp tháp hình nhiều tán dưới dạng đĩa thường thấy ở Trung Quốc, Nhật Bản.Tại Ấn Độ vốn có loại tháp chóp đó mà rõ ràng dễ nhận thấy là một chiếc tháp nhỏ bằng đồng với 8 đĩa và một đĩa trên cùng hình khối. Người ta cho tháp này niên đại thế kỷ IX-X. Ở tháp Báo Nghiêm thì các tán đó trở thành những ngấn trên cổ bầu rượu: vừa bầu rượu Trung Quốc vừa tán Ấn Độ. Vì 9 tán nên L. Bơdácxiê mới nhầm là tháp 9 tầng.
Tháp Báo Nghiêm chỉ có 4 tầng. Tính chất tầng biểu thị rõ với những pho tượng Phật trong các khám trên mỗi mặt tầng. Cách trang trí tượng Phật như thế để biểu thị Phật ở trên những tầng trời khác nhau là một cách thể hiện phổ biến ở nước Trung Hoa cổ đại.
Cây tháp Báo Nghiêm đẹp không phải ở dáng các tầng mà ở chỏm và chóp tháp.. Chính đường nét uyển chuyển thon thả chót vót của phần trên tương phản với dáng thuôn đều đơn điệu của phần dưới mới tạo ra một mỹ cảm, một cảm giác về cái cao vút vô tận. Cho đến nay tháp Báo Nghiêm là một trường hợp độc nhất trong làng tháp nước ta. Nó cũng không có một đồng dạng nào ở Trung Quốc mặc dù nó mang dấu ấn Trung Quốc sâu đậm ở bình đồ tám cạnh cũng như các phù điêu.
Cho nên tháp Báo Nghiêm vẫn hoàn toàn Việt Nam, nó được xây dựng trong thời đại ở nước ta nguyên liệu đá được sử dụng vào kiến trúc khá phổ biến.
Tài liệu tham khảo
- Bùi Văn Tiến,Chùa Bút Tháp, Nxb Khoa học Xã hội.
- Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Thế Đông, Chùa Bút Tháp Danh lam nổi tiếng đất Việt, Nhà xuất bản tôn giáo.