Tháp Phổ Minh (Chùa Phổ Minh – Nam Định)
Tháp chùa Phổ Minh được xây dựng vào năm 1308, đến nay đã hơn 700 năm tuổi. Khi vua Trần Nhân Tông băng hà, vua Trần Anh Tông đã đem 7 trong số 21 hạt xá lợi đặt trong cỗ kiệu bát cống làm bằng đá rồi xây tháp Phổ Minh lên trên. Vua Trần Thái Tông là người khai sinh ra triều đại nhà Trần, đồng thời là một nhà Phật học đã đặt nền móng vững chắc để sau này Phật hoàng Trần Nhân Tôn.g sáng ra dòng thiền phái Trúc Lâm của Việt Nam.
Khác với nhiều bảo tháp cổ khác đã bị thời gian và chiến tranh phá hủy, tháp chùa Phổ Minh là công trình kiến trúc lâu đời giữ được kết cấu tương đối toàn vẹn. Nằm giữa vùng chiêm trũng bên cạnh mái chùa cổ kính cùng cây cổ thụ sum suê, tháp Phổ Minh như một bông sen lớn trổ thẳng lên bầu trời trong xanh. Dưới chân tháp còn có những dấu mốc bằng đá là những gì còn sót lại của chân đỡ chiếc vạc Phổ Minh – 1 trong An Nam Tứ Đại Khí mà quân Minh khi xâm lược đã phá hủy.
Tháp nặng tới 700 tấn mà đứng vững chắc bao đời nay trong khuôn viên chùa Phổ Minh, phía trước gian tiền đường trong chùa.
Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa (Chùa Cổ Lễ – Nam Định)
Trước chùa là ngôi tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao 32m, có 8 mặt, được xây dựng năm 1927. Tháp được đặt trên lưng một con rùa lớn, đầu quay vào phía chùa, biểu tượng cho sự vững trãi, trường tồn nới đất Phật. Con rùa được nằm giữa hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn núi giả khá lớn, cổ đắp bốn con voi to bằng voi. Trong lòng tháp có cầu thang gồm 98 bậc xoắn ốc đến đỉnh. Tương truyền rằng tín đồ Phật tử, khách hành hương lên đến bậc thứ 98 này, sờ tay vào bức tượng trên đỉnh tháp thì cuộc sống sẽ luôn gặp may mắn.
Ngũ Phương Bảo Tháp (Bảo Hải Linh Thông Tự – Quảng Ninh)
Ngũ Phương Bảo Tháp là điểm nhấn đặc sắc đặt giữa trái tim của quần thể, được tạo tác bằng bằng đá hoa cương lắp ghép nguyên khối và thiết kế theo mô hình ngũ phương Phật, gồm 5 tháp, tượng trưng cho 5 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung tâm; 5 bộ: Bảo Bộ, Liên Hoa Bộ, Kim Cang Bộ, Nghiệp Bộ, Phật Bộ; 5 sắc: Xanh, Đỏ, Vàng, Trắng, Đen.
Trong đó, tháp trung tâm gồm 9 tầng, cao 25,2m, bên trong đặt tượng Phật và cột kinh cao 4m, được lấy theo mẫu cột kinh Phật có niên đại từ 1000 năm trước tại chùa Nhất Trụ (Hoa Lư, Ninh Bình), với mong muốn nguyện cầu bình an cho muôn dân, cho đất nước… Bốn tháp xung quanh mỗi tháp gồm 5 tầng, cao 12,1m.
Phóng tầm mắt, thả hồn vào thiên nhiên khoáng đạt của mây trời, biển, núi và rừng thông xanh mướt từ tầng hai của bảo tháp, du khách, Phật tử như được xua tan mọi lắng lo, muộn phiền, cảm nhận sự bình an, tĩnh tại, thảnh thơi trong tâm hồn.

Tháp Sùng Thiện Diên Linh (Chùa Long Đọi Sơn – Hà Nam)
Tháp Sùng Thiện Diên Linh được vua Lý Nhân Tông xây dựng năm Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (1118), khởi công vào tháng 5 đến mùa thu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121) thì được hoàn thành. Tháng 3 năm Nhâm Dần (1122) nhà vua mở hội khánh thành chùa tháp. Toàn bộ công trình kiến trúc quý báu đó đã bị quân xâm lược nhà Minh phá hủy. May mắn còn sót lại tấm bia Sùng Thiện Diên Linh và 6 pho tượng Kim Cương, tượng thần Kinaras. Ngôi chùa cũng đã từng trải qua rất nhiều lần tu bổ vào các triều Hậu Lê, Mạc, Nguyễn. Lần tu bổ lớn nhất là vào thời Nguyễn, quy mô chùa trên 100 gian lớn, nhỏ, thiết kế kiểu nội công ngoại quốc. Ngôi chùa được xây dựng trên đỉnh núi. Ngay cổng chính trước tòa tam bảo là nhà bia để tấm bia Sùng Thiện Diên Linh – ấn tích Phật giáo huy hoàng thời Lý, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Tháp Chùa Đống Cao – Hải Dương
Chùa Đống Cao (hay còn gọi là Chùa Sếu) tọa lạc trên cánh đồng làng Khuê Liễu, xã Tân Hưng, TP.Hải Dương không chỉ là một công trình kiến trúc văn hóa cổ, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và là một trung tâm Phật giáo lớn, nơi quy tụ nhân tâm và có tầm ảnh hưởng lớn không những trong tỉnh mà cả trong vùng. Công trình kiến trúc nổi bật nhất của chùa chắc hẳn phải kể đến công trình tháp chùa với 7 tầng đồ sộ, với kiến trúc hoàn toàn bằng đá.
Tham khảo
- chonthieng.com
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_%C4%90%E1%BB%8Di_S%C6%A1n