Chùa Đọi Sơn (còn gọi là chùa Đọi, chùa Long Đọi Sơn) tọa lạc trên đỉnh núi Long Đọi, thuộc địa phận xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên. Trải qua gần một nghìn năm, với bao thăng trầm của lịch sử, chùa vẫn được biết tới là một danh thắng nổi tiếng, là trung tâm Phật giáo của trấn Sơn Nam xưa. Muốn đến thăm chùa Đọi, nếu xuất phát từ Hà Nội bạn phải đi trên quốc lộ 1 tới thị trấn Đồng Văn thì rẽ trái đi Hoà Mạc khoảng 8km là đến nơi.
Chùa có tên chữ là Diên Linh tự, do vua Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan chủ trì xây dựng năm 1054. Đến đời Lý Nhân Tông, nhà vua này tiếp tục xây dựng phát triển và xây tháp Sùng Thiện Diên Linh (từ năm 1118 đến năm 1121). Qua nhiều thời đại và nhiều biến cố lịch sử, ngôi chùa nhiều lần được trùng tu tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét cổ kính.
“Giữa cánh đồng bằng một trái non
Ngôi chùa Long Đọi đứng chon von
Công trình kiến trúc ai khen khéo
Phong cảnh xưa nay vậy tiếng đồn.”
Kiến trúc
Chùa nằm trên đỉnh núi Đọi Sơn, được dẫn lên bởi 373 bậc thềm bằng đá phiến. Trước tam quan chùa là một bàn cờ người rộng khoảng 50m2, xung quanh là những gốc cây cổ thụ đã có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi và là nơi nghỉ ngơi, dừng chân của du khách sau một chặng đường dài leo núi.
Tam quan chùa được xây dựng trên thềm gạch cao, thiết kế dưới hình thức chồng diêm, 2 tầng 8 mái, không có 2 lối cổng phụ 2 bên như các tam quan khác. Chạm khắc hình rồng trên nóc tam quan vô cùng tinh xảo và tinh tế.
Ngay cổng chính, trước tòa tam bảo là nhà bia để tấm bia Sùng Thiện Diên Linh nổi tiếng có từ thời Lý cao hơn 2,5m, rộng hơn 1,65m, dày 0,3m. Bệ bia là khối đá hình chữ nhật dài 2,4m tạc hình hai con rồng uốn khúc. Mặt bia được chia làm hai nửa, tạc hình hai con rồng, đuôi ở đoạn sau, xoắn thành 4 khúc. Đây là minh chứng quan trọng về mặt lịch sử, khảo cổ học và là biểu tượng văn hóa của trấn Sơn Nam xưa cũng như Hà Nam ngày nay. Nội dung bài văn bia chủ yếu ca ngợi công lao tài trí của Lý Nhân Tông trong việc xây dựng, kiến thiết và đánh giặc giữ nước.
Qua nhà bia là đến sân chùa, hai bên sân có hai dãy Thập điện. Đáng chú ý trong các di vật ở hai dãy Thập điện là 6 pho tượng Kim Cương bằng đá, theo mô tả trong văn bia, vốn được đặt ở cửa tháp Sùng Thiện Diên Linh.
Qua sân là bậc Tam cấp dần lên Tam bảo cùng hành lang và Thập bát La Hán.
Tòa Tam Bảo, với 7 gian bái đường và 3 gian Thượng điện, thờ Đức Phật Di Lặc ở chính giữa, chư vị Phật, đức Hộ Pháp.
Hiện nay chùa được xây dựng theo kiểu chữ đinh gồm Tiền đường (7 gian) và Thượng điện (3 gian). Hệ thống vi kèo theo kiểu chồng đấu giá chiêng, cột cái có đường kính 30cm, chân tảng kê đá cổ bồng, xà và hoành vuông, mái lợp ngói ta. Tường gạch được xây xung quanh, Tiền đường được lắp cánh cửa bức bàn bằng gỗ lim.
Phía sau khu chánh điện của là hậu cung, với dãy hành lang dài bày tượng 18 vị La Hán.
Hậu điện là nơi thờ Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Tống Tử, Đức Át Nan, Đức Địa Tạng, và những nhân vật triều Lý có công với đất nước cũng như có công xây dựng ngôi chùa, như Thái úy Lý Thường Kiệt, vua Lý Nhân Tông, vương phi Ỷ Lan.
Phía Tây và Tây Nam của chùa là vườn tháp mộ sư, với 37 tháp mộ có các kiểu kích cỡ khác nhau, được xây dựng trong một thời gian dài, hiện còn giữ được một số tháp thời Nguyễn. Đây là một vườn tháp khá cổ kính và rất hiếm thấy ở các ngôi chùa hiện nay.
Song song với nhà Thượng điện là năm gian nhà Tổ ở bên trái được cột bằng đá vuông, tường gạch, lợp ngói ta. Nối liền nhà Tổ là bốn gian tăng phòng nơi ở của các sư trụ trì. Đối diện với nhà Tổ qua một sân lát gạch là nhà khách. Nhà Tổ, nhà khách, tăng phòng có chung một sân lát gạch hợp thành cụm kiến trúc có bình đồ hình chữ U.
Bên phải chùa là phủ thờ Liễu Hạnh công chúa. Phủ có ba gian thờ dọc.
Sau chùa là hố khai quật khảo cổ.
Bên cạnh các kiến trúc chính, còn có kiến trúc phụ bao gồm: phòng khách, nhà tăng, bếp, phòng ăn… Cạnh ngay chùa còn có phủ thờ Mẫu; phía trong là am thiền được xây dựng do sư tổ thứ sáu là Thích Chiếu Thường.
Tóm lại, có thể thấy toàn bộ kiến trúc hiện đại của chùa mới xây dựng trong những năm gần đây. Khuôn viên của chùa đã được tu sửa khang trang nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân trong vùng. Các di vật cổ được quan tâm có niên đại thời Lý liên quan đến cây tháp Sùng Thiện Diên Linh còn lại không nhiều như: bia Sùng Thiện Diên Linh, các pho tượng Kim Cương, Kinari.
Qua gần một nghìn năm tồn tại, chùa Long Đọi Sơn với cảnh sắc thiên nhiên hòa quyện với các công trình kiến trúc đã tạo nên một thắng cảnh nổi tiếng. Chùa đã đón nhiều văn nhân tài tử, các quý tộc vương hầu, những ông vua bà chúa và đông nhất vẫn là nhân dân khắp nơi đến chiêm ngưỡng vãn cảnh lễ Phật.
Chùa Đọi Sơn đã từng là trường Hạ, là nơi đào tạo của những chân tu đắc đạo. Hàng năm đây là nơi đến “an cư kiết hạ” của sư sãi khắp trong tỉnh. Chùa còn là khu an dưỡng của các tăng ni khi về già. Với vị trí và giá trị của di tích, đồng thời được sự quan tâm của chính quyền địa phương, du khách thập phương, chùa Đọi Sơn đã và đang từng bước được tu sửa tôn tạo để đón khách thập phương về tham quan vãn cảnh.
Bài trí tượng thờ
Tượng Phật
Chùa Đọi Sơn thờ Phật, Bồ Tát, các nhân vật có liên quan Phật giáo và các sư tổ trụ trì có công xây dựng chùa. Cũng giống như các ngôi chùa miền Bắc, chùa Đọi Sơn theo Phật giáo Bắc Tông, vì vậy trên Phật điện được bày trí đầy đủ các lớp tượng sau (từ trên xuống dưới):
- Lớp thứ nhất là ba pho Tam thế. Ở giữa là đức Thích Ca Mâu Ni Phật của thời hiện tại; hai bên là vị Phật của thời quá khứ là Ca Diếp Phật và vị Phật của thời tương lai là phật Di Lặc.
- Lớp thứ hai: A Di Đà đặt ở giữa, bên trái là Quan Thế Âm Bồ tát, bên phải là pho Đại Thế Chí Bồ tát.
- Lớp thứ ba: pho Di Lặc ở giữa, bên trái là Thánh tăng, bên phải là Thổ địa.
- Lớp thứ tư là tòa Cửu Long.
- Hai bên tòa Tiền đường đặt hai pho Kim Cương.
- Phía sau điện Tam bảo là dãy hành lang, Hậu điện thờ 18 vị La Hán hai bên mỗi bên thờ 9 vị.
Nhân vật lịch sử
Ngoài tượng Phật, trong chùa còn thờ nhiều nhân vật lịch sử có công với đất nước và với đạo Phật
Cổ vật trong chùa
- Cổ vật thời Lý
- Bia Sùng Thiện Diên Linh (cao 2,88m rộng 1,40m) một trong những bia đá lớn nhất cả nước từ thời Lý
- 8 pho tượng Kim Cương bằng đá (mất 2 còn 6) cao 1,60m to bằng người thật.
- 4 pho tượng hình người cánh chim (mất 2 còn 2) Cao 40cm rộng 30cm trước đây gắn ở 4 đầu đao
- Gạch hoa văn thời Lý
-
Cổ vật thời nhà Mạc có tháp cổ lăng mộ 40 chiếc trong khu vườn tháp
-
Cổ vật thời nhà Nguyễn:
-
- 2 chuông đồng, mỗi chuông nặng 1,5 tạ, đường kính 50cm, cao 95 cm.
- 1 khánh chuông đồng nặng 50kg, rộng 1,2m và cao 0,8m.
- Tượng Di Lặc nặng trên 1000 kg đồng.