Thân thế
Hòa thượng họ Đỗ, huý Châu Lân, sinh năm 1927 (Đinh Mão), tại thôn Quan Quang, xã Nhơn Khánh, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Đỗ Hoạch, và thân mẫu là cụ bà Trần Thị Tú. Gia đình gồm năm người con, hai trai và ba gái; Hòa thượng Thích Đổng Quán thứ ba, và ngài là thứ tư.
Gia đình ngài đời đời thuần tín Tam bảo. Cha mất sớm, được mẹ chăm lo dạy dỗ. Năm 11 tuổi, ngài thi đậu bằng Yếu lược. Việc này chưa xảy ra ở vùng quê của ngài nên đích thân ông Lý trưởng đến thăm và chúc mừng. Đó là một vinh dự cho gia đình và quê hương ngài lúc bấy giờ.
Cơ duyên tu hành
Vốn có sẵn hạt giống Bồ đề, túc duyên Phật pháp, năm 13 tuổi ngài xuất gia với Đại sư Thích Chơn Quang (vốn là chú ruột) tại chùa Khánh Vân, thôn Văn Quang, xã Phước Quang, tỉnh Bình Định.
Sau đó, ngài được Hòa thượng chùa Thiên Hưng đưa vào Phan Rang và trao cho Hòa thượng Huyền Tân, chùa Thiền Lâm, làm đệ tử với pháp danh Thị Khai, tự Hạnh Huệ, hiệu là Đổng Minh, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 42, pháp phái Chúc Thánh.
Năm Quý Mùi (1943), ngài thọ Sa di tại giới đàn Thiên Đức, tỉnh Bình Định, do Quốc sư Phước Huệ chứng minh.
Năm 19 tuổi (1946), ngài được bổn sư cho thọ Đại giới tại Đại giới đàn chùa Thiên Bình, Bình Định, do Hòa thượng Huệ Chiếu làm Đàn đầu Hòa thượng.
Với tuổi mười chín thì chưa đủ tuổi theo Luật định, nhưng với thiên tư tốt, đĩnh đạc từng bước đi đến ăn nói, ngài được bổn sư đặc cách và Hội đồng thập sư hoan hỷ chấp thuận.
Năm Kỷ Sửu (1949), ngài được Hòa thượng bổn sư Thích Huyền Tân cử giữ chức Thủ tọa chùa Thiền Lâm (Ninh Thuận).
Năm 23 tuổi (Canh Dần 1950), ngài được bổn sư đưa ra tu học tại Tăng học đường Nha Trang, hay gọi là Tăng học đường Nam Phần Trung Việt, đặt tại trường Bồ Đề – Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), do Hòa thượng Thích Thiện Minh làm giám đốc. Khi vào tu học tại Tăng học đường Nha Trang, ngài được Ban giám đốc và đại chúng đề cử giữ chức Thủ chúng, để điều hành mọi sinh hoạt của chúng Tăng. Vì thế, Tăng ni, Phật tử lúc ấy gọi ngài là “Thầy Thủ”.
Năm 1954, ngài được Ban giám đốc Tăng học đường Nha Trang cử vào Sài Gòn, tìm học một số ngành nghề như y tá, bào chế hóa chất v.v… để bổ sung cho y phương minh, công xảo minh…, làm tư lương hành đạo sau này.
Năm 1955, sau mùa An cư, ngài xin ra Huế tham học với Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Thích Thiện Siêu, Thích Trí Quang để hoàn tất chương trình Đại học Phật giáo. Trong thời gian này, ngài lưu trú tại chùa Từ Quang (Huế).
Những đóng góp cho phật giáo
Năm Đinh Dậu (1957), sau khi hoàn tất chương trình Đại học Phật giáo, từ Huế trở về Nha Trang, ngài đã được Tổng hội Phật giáo Trung Phần (lúc ấy) phân công nghiên cứu, tổ chức và thành lập hãng Vị trai lá Bồ đề, để làm cơ sở kinh tế tự túc cho việc đào tạo Tăng tài.
Sau đó, hãng này phát triển thêm được hai chi nhánh: một tại Sài Gòn và một tại Huế. Nguồn thu nhập tài chánh của ba cơ sở này đã giữ một vai trò quan trọng trong việc đào tạo Tăng tài lúc bấy giờ. Ngài đã đảm nhiệm chức giám đốc của cơ sở sản xuất này từ khi thành lập cho đến lúc chuyển thể (1957-1976).
Cũng trong năm này, Tăng học đường Nha Trang và Phật học đường Báo Quốc – Huế, hợp nhất lại và thành lập Phật học viện Trung Phần, đặt tại chùa Hải Đức, Nha Trang (thường gọi là Phật học viện Hải Đức Nha Trang), do Hòa thượng Thích Giác Nhiên làm Viện trưởng, Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Giám viện, Hòa thượng Thích Thiện Siêu làm Giáo thọ trưởng. Ngài được mời giữ chức Trưởng Ban Kinh tế tự túc, đồng thời làm Giáo thọ giảng dạy thường xuyên tại Viện và các Phật học viện phụ cận trong những năm sau đó.
Năm Quý Mão (1963), ngài là thành viên trong Ủy ban Bảo vệ Phật giáo tại Nha Trang, cùng với Tăng ni và Phật tử vận động tranh đấu, chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo và đàn áp tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Năm Quý Mùi (1967), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mời ngài giữ chức Đại diện Miền Khuông Việt, bao gồm các tỉnh Cao nguyên Trung phần.
Năm Mậu Thân (1968), ngài giữ chức Vụ trưởng Phật học vụ, thuộc Tổng vụ Giáo dục, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, với trách nhiệm điều phối và chăm sóc 22 Phật học viện các cấp trong toàn Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.
Năm Canh Tuất (1970), Phật học viện Trung phần (chùa Hải Đức, Nha Trang) mở lớp chuyên khoa Phật học, ngài được mời giữ chức Giám học, thường xuyên đôn đốc việc tu học của Tăng sinh.
Ngày 19 tháng 9 năm Quý Sửu (1973), ngài cùng Hòa thượng Thích Trí Thủ mở Đại giới đàn Phước Huệ cho Tăng ni từ Quảng Trị trở vào Nam thọ giới.
Đây là giới đàn lớn nhất; Hội đồng thập sư được cung thỉnh từ Trung vô Nam và Đại lão Hòa thượng Thích Phúc Hộ làm Đàn đầu Hòa thượng.
Năm Giáp Dần (1974), Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức – Nha Trang thành lập, do Hòa thượng Thích Thiện Siêu làm Viện trưởng, ngài giữ chức Phó Viện trưởng điều hành, theo dõi chăm sóc mọi sinh hoạt của Viện.
Từ ngày thành lập Phật học viện đến Viện Cao đẳng, ngài và Hòa thượng Thích Trừng San là hai trợ lý đắc lực cho Hòa thượng Giám viện Thích Trí Thủ.
Đầu năm Mậu Ngọ (1978), ngài đi Sài Gòn dự lễ tang đức Phó Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, trên đường trở về, ngài được đưa đi an trí. Mười tám tháng là thời gian để ngài nghiên cứu dịch ra văn vần bộ Tỳ ni Nhật dụng bằng Việt ngữ.
Năm 1982 và 1983, ngài an cư và dạy Luật tại tu viện Quảng Hương Già Lam và Phật học tại thiền viện Vạn Hạnh. Từ năm 1983, ngài được mời làm thành viên Ban Giáo dục Tăng ni Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong suốt 4 nhiệm kỳ.
Năm 1990, Trường Cơ bản Phật học Khánh Hòa thành lập, ngài được cung thỉnh giữ chức Giáo thọ trưởng và giảng dạy cho trường.
Năm 1991, Phân viện Nghiên cứu Phật học Hà Nội mời ngài vào thành viên Hội đồng Phiên dịch Luật tạng Phật giáo Việt Nam.
Từ năm 1993 đến năm 2001, ngài được cung thỉnh làm Tuyên luật sư cho các Đại giới đàn: Trí Thủ I (1993),
Trí Thủ II (1997) và Trí Thủ III (2001), đều được tổ chức tại chùa Long Sơn, Nha Trang, Khánh Hòa.
Năm Ất Hợi (1995), được sự tài trợ của Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh ở Đài Loan, ngài tổ chức đào tạo một lớp phiên dịch cho Tăng ni; sau đó tiếp tục hướng dẫn Tăng ni và Cư sĩ dịch được nhiều bộ kinh trong tạng Đại Chánh Tân Tu. Ngài tự đảm nhiệm công việc “chứng nghĩa” cho tất cả các bản dịch này.
Năm Bính Tý (1996), ngài được cung thỉnh làm Tuyên luật sư cho Đại giới đàn Thiện Hòa tại Đại Tòng Lâm, Bà Rịa Vũng Tàu.
Năm Đinh Sửu (1997), ngài được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong Hòa thượng và suy tôn vào Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm Tân Tỵ (2001), trong Đại hội nhiệm kỳ III, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa, cung thỉnh ngài làm Chứng minh và cố vấn cho Tỉnh hội; đồng thời thỉnh ngài làm cố vấn cho Ban Tăng sự và Ban Giáo dục Tăng ni của Tỉnh hội.
Năm Nhâm Ngọ (2002), được sự hỗ trợ nhiệt thành của các pháp hữu (cựu học tăng Phật học viện Hải Đức, Nha Trang) ở hải ngoại, ngài liền vận động thành lập Ban Phiên dịch Pháp tạng Phật giáo Việt Nam; chính ngài giữ trách nhiệm Trưởng ban, hướng dẫn Tăng ni và Cư sĩ phiên dịch Kinh, Luật, Luận từ Hán ngữ và các ngoại ngữ khác sang Việt ngữ. Từ đó đến ngày viên mãn, nhiều kinh sách đã được phiên dịch và lưu hành rộng rãi cả ở trong nước lẫn ngoài nước.
Năm Quý Mùi (2003), ngài được Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam mời giữ chức Phó Viện trưởng và cố vấn chỉ đạo Ban Phiên dịch Hán tạng.
Vì bản hoài sách tấn Tăng ni nghiêm trì giới luật, thể hiện đạo phong trưởng tử Như Lai, phụng sự đạo pháp, nên từ lâu ngài đã dụng công nghiên cứu Luật tạng. Trong khoảng hơn 10 năm, từ 1978, ngài đã phiên dịch toàn bộ hệ thống Luật tạng trong bộ Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh; dịch phẩm của ngài gồm có các bộ:
– Tứ phần luật (60 quyển), Hán dịch: Diêu Tần – Phật-đà-da-xá và Trúc Phật Niệm… Đại chánh 22n1428.
– Di Sa Tắc bộ Hòa hê Ngũ phần luật (30 quyển), Hán dịch: Lưu Tống – Phật-đà-thập cùng Trúc ĐạoSinh… Đại chánh 22n1421.
– Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ nại da (50 quyển), Hán dịch: Đường – Nghĩa Tịnh. Đại chánh 23n1442.
– Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Bí sô ni Tỳ nại da (20 quyển), Hán dịch: Đường – Nghĩa Tịnh. Đại chánh 23n1443.
– Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Bách nhất yết ma (10 quyển), Hán dịch: Đường – Nghĩa Tịnh. Đại chánh 24n1453.
Ngoài ra, ngài còn dịch các bộ:
– Trùng trị Tỳ ni sự nghĩa tập yếu (19 quyển, Bản biệt hành), Sa-môn Trí Húc biên soạn.
– Luật Tỳ kheo giới bổn sớ nghĩa (2 quyển, Bản biệt hành), Sa-môn Truyền Nghiêm tập thuật.
Biên soạn:
– Tỳ ni, Sa di, oai nghi, cảnh sách (Dịch thuộc lòng bộ Luật tiểu 4 quyển ra văn vần).
– Nghi truyền giới.
Song song với việc dịch thuật, ngài còn hướng dẫn phiên dịch và chứng nghĩa từ tập 1 đến tập 17 trong tạng Đại Chánh.
Thời kỳ viên tịch
Cuộc đời ngài với nhiều sóng gió, đến lúc già mới có phần nhẹ nhàng. Nhưng nếp sống khắc kỷ, cả tuổi già sức yếu do bao gian nan thời niên thiếu, ngài lâm trọng bệnh. Thân bệnh mà tâm luôn an nhiên tự tại. Biết ngày về với Phật không còn lâu, ngài đã sắp xếp việc phiên dịch, dùng tịnh tài trị bệnh của mình còn lại vào việc dịch thuật, ấn tống kinh sách, và khuyên Thị giả cố gắng tiếp nối công việc này.
Ngày 11 tháng 5 năm Ất Dậu (17.06.2005), cảm thấy yếu dần, từ võng ngài bảo Thị giả đưa qua giường nằm. Đến 18 giờ 35 phút, ngài an nhiên xả báo thân trong tư thế cát tường, tại chùa Long Sơn, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ngài trụ thế 79 năm, 59 hạ lạp.
Cuộc đời ngài quả là một tấm gương sáng chói, cả về đạo hạnh lẫn sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Ngài luôn thể hiện nếp sống của bậc chân tu, thiểu dục tri túc, giới đức tinh nghiêm, gắn liền đời sống của mình với sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng tài. Mặc dầu về già, ngài chuyên về dịch thuật nhưng vẫn luôn theo dõi khích lệ đàn hậu bối. Sự dịch thuật của ngài cũng nhằm mục đích giáo dục. Nhưng tâm nguyện cuối cùng là hoàn thành kho Pháp tạng Phật giáo Việt Nam của ngài vẫn chờ đợi lớp người sau kế thừa.
Nguồn: Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 3, TT. Thích Đồng Bổn, thành hội Phật giáo TP. HCM. 1995