Thân thế và đạo nghiệp
Trong sách Thiền uyển tập anh có ghi chép về Sư như sau:
Chùa Lục Tổ, làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức, người làng Phù Ninh, họ Phạm. Triều Lý Cao Tôn, Sư làm quan Lệnh đô tào ở cung Quảng Từ. Sau từ quan, đi học pháp xuất thế với Quảng Nghiêm chùa Tịnh Quả, bèn chính thân được tâm ấn. Sư hầu thầy nhiều năm, rồi đến ở ngôi chùa xưa tại làng Ông Mạc(1) để giảng diễn giáo chỉ. Sau đó rời sang chùa Lục Tổ. Môn đồ Sư càng ngày càng đông.
Có vị Tăng hỏi: “Khi vật và ta duyên nhau thì làm thế nào?”
Sư đáp:
Ta vật đều quên,
Tâm tính vô thường
Dễ sinh dễ diệt
Giây phú không ngừng,
Ai kẻ vin bắt?
Sinh thì vật sinh
Diệt thì vật diệt
Pháp kia có được
Thường không sinh diệt.
Vị Tăng thưa: “Người học chưa hiểu, xin thầy dạy lại”.
Sư bảo: “Rõ tâm tình mà tu đạo, thì ít sức mà dễ thành; không rõ tâm mình mà tu đạo, thì chỉ phí công vô ích mà thôi”.
Lại hỏi: “Pháp thân biến khắp mọi nơi là thế nào?”
Sư đáp: “Như một lỗ chân lông, biến khắp cả pháp giới, tất cả lỗ chân lông thảy đều như thế. Nên biết không có một chút nào mà không có thân Phật. Vì cớ sao? Vì pháp thân ứng hóa thành Đẳng chánh giác, không chỗ nào không đến. Phải biết như vầy: Đức Như Lai dùng sức tự tại của tâm, không khởi, không chuyển mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả pháp thường không khởi. Dùng ba thứ pháp nói đoạn nên không đoạn, mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả pháp đều lìa biên kiến. Lìa cõi Dục và cõi Phi Dục mà chuyển pháp luân, vì vào cõi hư không của tất cả các pháp Không có ngôn thuyết mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả các pháp đều không thể nói. Rốt ráo tịch diệt mà chuyển pháp luân, vì biết rõ tất cả các pháp là tính Niết bàn. Ấy gọi là không có tính tướng, không có tính tận, không có tính sinh, không có tính diệt, không có tính ngã, không có tính phi ngã, không có tính chúng sinh, không có tính phi chúng sinh, không có tính Bồ tát, không có tính pháp giới, không có tính hư không cũng không có tính thành Đẳng chánh giác.
Bèn nói tiếp bài kệ sau:
Tại thế làm thân người
Tâm là tạng Như Lai
Chiếu ngời khắp mọi cõi
Vắng bóng lúc tìm tòi.
Đến ngày 24 tháng 9 năm Thiên Gia Bảo Hựu thứ 2 (1203), Sư tỏ ra đau tim, nhóm chúng nói kệ rằng:
Đạo vốn không nhan sắc
Ngày ngày mới mới khoe
Ngoài đại thiên sa giới
Nơi đâu chẳng phải nhà.
Nói kệ xong, Sư ngồi kiết già mà mất. Đệ tử Thần Nghi làm lễ trà tỳ, thu thập xá lợi, dựng tháp phụng thờ.
Sư thường soạn Nam tôn tự pháp đồ 1 quyển, còn lưu hành ở đời.
Trong sách thơ văn Lý – Trần của Nguyễn Huệ Chi chủ biên thì ghi đại khái rằng:
Thiền sư Phạm thường Chiếu (?- 1203), không rõ năm sinh, người hương Phù Ninh. Đời Lý Cao Tông( 1176 – 2110) đã làm đến chức Lệnh dô tào ở cung Quảng từ. Sau đó bỏ quan đi tu, theo học Thiền sư Quảng Nghiêm chùa tịnh quả. Khi đã hiểu được tôn chỉ của đạo Phật, ông đến trụ trì ở chùa Lục tổ, hương Dịch Bảng, phủ Thiên Đức, lập thành thế hệ thứ mười hai, dòng thiền Quán Bích.
Như vậy, về cơ bản, giữa hai tài liệu trên không có sự mâu thuẫn về tiểu sử của Thiền sư mà chỉ tương hỗ, bổ sung cho nhau.
Tác phẩm
Khoa giáo (hiện chưa tìm thấy)
- Thích Đạo Khoa Giáo, 1 quyển.
- Nam Tông Tự Pháp Đồ, 1 quyển.
Về Nam tông tự pháp đồ, Thiền uyển tập anh dẫn nó hai lần, một ở cuối bản tiểu sử của Ma Ha và gọi bằng tên tắt Nam tôn đồ, và một ở cuối bản tiểu sử của Ðịnh Huệ. Nghệ văn chí trong Ðại Việt thông sử của Lê Quí Ðôn ghi nó là do Thường Chiếu soạn. Văn tịch chí trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú chỉ ghi Nam tôn pháp đồ 1 quyển nhưng lại thêm một chi tiết khá lôi cuốn là nó có bài tựa của Trạng nguyên Lương Thế Vinh. Vinh đậu trạng nguyên năm 1463. Vậy cuốn Nam tôn tự pháp đồ do Vinh đề tựa chắc chắn là bản in do Vinh hay người thời Vinh đứng in. Thế thì, phải chăng nó đã lưu hành cho tới thời Phan Huy Chú? Cứ vào một câu viết của Thiền uyển tập anh ở bản tiểu sử của Thần Nghi, theo đó “Chiếu…đem Chiếu đối bản của Thông Biện ra và ghi lại những điều về tôn phái, để làm đồ biểu phân tôn tự pháp” (Chiếu …toại trừu xuất Thông Biện Ðối chiếu bản cập ký kỳ tôn phái điều, vi phân tôn, tự pháp đồ…), thì nội dung của Nam tôn tự pháp đồ, mặc dầu văn bản nó ngày nay hiện vẫn thất lạc, có thể nó gồm hai phần. Phần thứ nhất là ghi những điều cần biết về các tôn phái thiền tại Việt nam như nguyên lai, thế thứ truyền thừa, và rất có thể niên đại cùng một số những chi tiết khác, cần thiết cho việc thiết lập những đồ biểu về các tôn phái đó. Còn phần sau là gồm những đồ biểu. Về số tôn phái, Thường Chiếu đã đi theo Thông Biện và chỉ thừa nhận có phái Tỳ Ni Ða Lưu Chi và phái Vô Ngôn Thông, còn phái của Nguyễn Ðại Ðiên cũng như của Nguyễn Bát Nhã cùng những chi phái khác, mà Thông Biện nói là “chia chẽ ra bao la không thể kể xiết”, thì chắc chắn đã không được nói tới, như câu hỏi của Thần Nghi với Thường Chiếu đã xác nhận. Và cũng cứ vào câu trên thì cũng rõ ràng là, Nam tôn tự pháp đồ không phải đồng nhất hay hoàn toàn mô phỏng theo Chiếu đối lục.
Ngoài ra, cũng cần thêm là, cả Văn nghệ chí của Lê Quý Ðôn lẫn Kinh tịch chí của Phan Huy Chú đều liệt kê một tác phẩm khác nữa của Thường Chiếu nhan đề Thích đạo khoa giáo 1 quyển, mà Thiền uyển tập anh không biết tới. Phải chăng, Thích đạo khoa giáo vẫn còn lưu hành vào thời Lê Quý Ðôn hay Phan Huy Chú? Và đây chắc hẳn là một cuốn sách dạy học trò đi thi về những khoa Phật giáo tổ chức duới triều Lý và Trần.
Thi kệ
Hai bài thơ “Tâm” và “Đạo” là hai bài thơ còn sót lại của Thiền sư Thường Chiếu được ghi chép và đã chuyển ngữ trong “Thơ văn Lý – Trần” (Nguyễn Huệ Chi chủ biên (1977), Tập 1). Cả hai tiêu đề điều do nhà biên soạn sách đặt dựa vào tinh thần chủ đạo của hai bài thơ.
Bài thơ Tâm 心
在世為人身,
心為如來藏。
照曜且無方,
尋之更絕曠。
Tại thế vi nhân thân,
Tâm vi Như Lai tạng.
Chiếu diệu thả vô phương,
Tầm chi cánh tuyệt khoáng.
Tấm thân con người ở thế gian này,
Còn cái tâm là kho báu của Như Lai.
Chiếu sáng khắp mọi nơi,
Nhưng tìm nó thì biệt tăm.
Bài thơ Đạo
道本無顏色,
新鮮日日誇。
大千世界外,
何處不為家。Đạo bản vô nhan sắc
Tân tiên nhật nhật khoa
Đại thiên sa giới ngoại
Hà xứ bất vi gia
Đạo vốn không có sắc
Nhưng ngày ngày vẫn phô bày vẻ mới lạ tươi trẻ
Dù ở ngoài thế giới bà sa, tức ba nghìn đại thiên thế giới
Chốn nào mà chẳng là nhà của nó.
Hai thi phẩm này được viết theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt Cổ phong. Âm điệu không quá trau chuốt, rườm rà nhưng gần gũi, quen thuộc mà nội hàm lại cao thâm. Nó như một bản thể giác ngộ, chỉ khác nhau ở góc nhìn: Khi hướng vào trong thì đó là Tâm, còn hướng ra ngoài thì đó là Đạo. Ở một bình diện khác, đứng ở góc độ nhân quả thì Tâm chính là nhân, Đạo chính là quả.Và cuối cùng, xét trên căn nguyên cội rễ thì Tâm quyết định cho tất thảy, đó là điều tất yếu trong tinh thần “Vạn pháp duy tâm đạo”
Đóng góp cho Phật giáo Việt Nam
Có thể nói Thiền sư Thường Chiếu là người có thể đại diện cho ba thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường cuối đời Lý và là gạch nối giữa nền phát triển ba tông giáo thời Lý và nền Phật Giáo thời Trần sau này. Sư có công lớn cho sự thống nhất giữa các thiền phái, đưa đến sự phát triển lớn của Thiền phái Trúc Lâm của nền Phật giáo thống nhất đời Trần.
Sự kiện Thiền sư Thường Chiếu thuộc phái Vô Ngôn Thông đến chùa Lục Tổ, một tổ đình lớn của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi mở trường dạy học để giáo hoá Phật pháp cho ta thấy xu hướng hòa nhập của các thiền phái đạo Phật ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện vào cuối thế kỷ XII và đầu thế kỷ XIII đời nhà Trần.
Ta biết rằng thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi xuất hiện ở Việt Nam từ cuối thế kỷ VI và phát triển đến thế kỷ XII (thời kỳ có thiền sư Thường Chiếu) đã được 18 thế hệ. Còn thiền sư Thường Chiếu thuộc thế hệ thứ 13 của dòng thiền Vô Ngôn Thông cũng là thời kỳ cuối trào. Do vậy những hoạt động của thiền sư Thường Chiếu trong giai đoạn này là bước khởi đầu cho sự hoà nhập các thiền phái đưa đến sự thống nhất của Phật giáo Việt Nam.
Thiền sư Thường Chiếu, người đã khơi mào cho việc hoà nhập ba dòng thiền, mở đầu cho sự thống nhất các thiền phái của Phật giáo Việt Nam, còn có công đào tạo ra một lớp đệ tử xuất sắc như Thiền sư Hiện Quang ( ? -1221), Thiền sư Thần Nghi ( ? – 1216), người đã truyền lại và tục biên tài liệu lịch sử Phật giáo Việt Nam và thiền sư Thông Thiền ( ? – 1228). Các vị thiền sư này đã có công gây dựng nên Thiền phái Trúc Lâm mà ngoài Thường Chiếu là vị tổ khởi đầu ra thì vị tổ thứ nhất của hệ tổ Trúc lâm là thiền sư Hiện Quang. Hiện Quang truyền cho Đạo Viên còn có tên là Viên Chứng là vị tổ thứ hai (được vua Lê Thái Tông phong là Trúc Lâm Quốc sư), rồi đến thiền sư Đại Đăng là vị tổ thứ ba. Mãi đến khi Trần Nhân Tông xuất gia tại chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử năm 1299, lấy hiệu là Hương Vân Đầu Đà (sau này mới đổi hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà) thì Trần Nhân Tông được ghi nhận là người truyền thừa chính thức thuộc thế hệ thứ sáu của phái Trúc Lâm và là vị tổ thứ nhất của Phật giáo Trúc Lâm. Từ đó trở đi thiền phái Trúc Lâm ở Yên Tử trở thành nổi tiếng, thế lực lan rộng trong triều đình và ngoài xã hội với Trúc Lâm Đầu Đà cùng với các vị đệ tử thiền sư kế tiếp là Pháp Loa và Huyền Quang trở thành Tam Tổ sáng lập ra Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm cho đến ngày nay.
Do giảng dạy Phật pháp tại một tổ đường lâu đời của phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, nên thiền sư Thường Chiếu đã có điều kiện thu thập được nhiều tài liệu để bổ sung cho tập sử liệu về Phật giáo Việt Nam do thiền sư Thông Biện ( ? – 1134), thế hệ thứ 9 phái Vô Ngôn Thông soạn thảo mà ông đã có trong tay. Sau này tập sử liệu đó trở thành sách Thiền Uyển Tập Anh , một cuốn sách ghi chép lịch sử đạo Phật Việt Nam thuộc các thiền phái khác nhau ở Việt Nam những thế kỷ trước.
Ngoài trình độ thông tuệ Phật pháp, Thường Chiếu thiền sư còn là người có công biên soạn sách. Những tài liệu của ông thu thập được từ thiền sư Thông Biện và được ông bổ sung đã làm nền tảng cho sách Thiền Uyển Tập Anh và sau này tập tư liệu ấy còn được các vị thiền sư Thần Nghi và Ẩn Không là những đệ tử trực tiếp của ông đóng góp bổ sung đã trở thành sách Thiền Uyển Tập Anh. Như vậy có thể nói ông là một trong những tác giả của Thiền Uyển Tập Anh. Ngoài ra Thường Chiếu còn soạn thảo thêm một cuốn sách đặc biệt về sự truyền thừa của Phật giáo Việt Nam, đó là cuốn Nam Tông Tự Pháp Đồ (nay đã mất). Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú thì bộ Nam Tông Tự Pháp Đồ của Thường Chiếu có bài tựa của Trạng nguyên Lương Thế Vinh, trong đó có ghi rằng Thường Chiếu còn là tác giả của sách Thích Đạo Giáo Khoa.
Chú thích
-
Tức Ô Đông mác thủ đô Hà nội ngày nay. Trong bản điều trần dâng cho Mạc Mậu Hợp vào ngày 2 tháng 8 năm Quang Hưng thứ 9 (1586) do Lê Quý Đôn ghi lại trong Đại Việt thông sử tờ 113a3, Giáp Trưng đề nghị “Thành Đại la từ cửa nam Ông mạc đến Nhật chiêu, những lũy đất nên đắp cao thêm và những con hào nên vét sâu thêm”. Cửa nam Ông mạc hay Ông mạc nam môn, ta có thể hiểu là cửa nam ở phường Ông mạc. Cái tên ở phường Ông mạc như vậy còn dùng từ thời Lý cho đến đời Mạc.
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Huệ Chi (Chủ Biên) (1977), Thơ văn Lý – Trần, Tập I, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Lê Mạnh Thát, Thiền uyển tập anh, Nxb Đại học Vạn Hạnh(1976).
- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb Văn học.
- Nguyễn Thanh Huy, Luận giải “Tâm” và “Đạo” qua hai bài thơ thiền của Thiền sư Phạm Thường Chiếu, Tạp chí nghiên cứu Phật học.
- Phạm Đình Nhân,Thiền sư Thường Chiếu – Người thúc đẩy sự hoà nhập ba dòng Thiền của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XIII, Tạp chí Xưa & Nay – Số 271 (11/2006)