Thiền sư Tổ Tông Viên Quang (1758-1827)

Thiền sư Tổ Tông Viên Quang (1758-1827)

Thông tin cơ bản

Thân thế


Tổ Tông Viên Quang (1758-1827) là một Thiền sư Việt Nam, thuộc đời 36, phái Lâm Tế tông. Năm 1772, sư đến trụ trì chùa Giác Lâm, và biến nơi này thành một “Phật học xá” ở vùng đất mới là Gia Định.

Tiểu sử


Thiền sư Viên Quang, húy Tổ Tông (từ đây gọi tắt là “Viên Quang”), chưa rõ tên họ thật, có thể là người Minh Hương (người Hoa ở Việt Nam) vì ông nội của sư là một trong số tướng sĩ trong đạo quân của Tổng binh Trần Thượng Xuyên của nhà Minh không chịu thần phục nhà Thanh, nên bỏ Trung Hoa qua Đàng Trong (Đại Việt) xin thần phục chúa Nguyễn Phúc Tần vào năm 1679, được chúa cho vào làm ăn sinh sống ở Cù lao Phố (Biên Hòa).

Hành trạng


Lúc nhỏ, sư tu học ở chùa Đại Giác (Cù lao Phố, Biên Hòa). Lúc bấy giờ trụ trì chùa là Thiền sư Thành Đẳng Minh Lượng. Lớn lên, sư qui y thọ giáo với đệ tử của vị Thiền sư tên là Thiền sư Phật Ý Linh Nhạcchùa Từ Ân (Gia Định). Theo “bia Tiểu sử Ngô Nhân Tịnh”, thì sư cũng từng theo học với thầy Võ Trường Toản ở làng Hòa Hưng (Gia Định), và là bạn đồng môn với Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định…

Nhờ giỏi chữ Hán, ham đọc sách và chăm chỉ tu hành, Thiền sư Viên Quang uyên thâm cả Phật học và Nho học. Với sức học uyên bác đó, sư từng được thầy cử làm diễn giảng kinh pháp cho tăng chúng ở chùa.

Năm Nhâm Thìn (1772), chùa Giác Lâm tọa lạc trên gò Cẩm Sơn (lập năm 1744, nay ở tại địa chỉ: 118 đường Lạc Long Quân, thuộc phường 10, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) khuyết sư Trụ trì, nên Phật tử chùa này đến chùa Từ Ân xin Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc cử người đến hoằng hóa. Sau đó, Thiền sư Viên Quang được thầy cử sang làm Trụ trì chùa Giác Lâm.

Từ đó, lần hồi Thiền sư Viên Quang mở rộng chùa Giác Lâm thành một Phật học xá, cho chư tăng khắp nơi đến tham học Phật pháp, và chùa sẽ đài thọ mọi phí tổn, từ việc ăn uống đến kinh sách, tập bút…

Năm Mậu Ngọ (1798), Thiền sư Viên Quang phải tạm cho học tăng nghỉ học một thời gian để lo đại trùng tu lại chùa Giác Lâm, vì chùa đã bị hư mục sau hơn nửa thế kỷ (lập năm 1744). Do chùa được làm bằng gỗ quý, được chạm khắc tinh xảo nên đến năm Giáp Tý (1804), công việc mới hoàn thành. Sau đó, Thiền sư Viên Quang tiếp tục khai giảng các khóa học về kinh luận, chư tăng ở các nơi tựu về theo học rất đông.

Năm Gia Long thứ mười tám (1819), Thiền sư Viên Quang mở Giới đàn tại chùa Giác Lâm, dân chúng mộ đạo đến qui y thọ giới rất đông.

Thiền sư Viên Quang viên tịch tại chùa Giác Lâm vào ngày mùng 3 tháng Chạp năm Đinh Hợi (1827), thọ 69 tuổi, đồ chúng lập tháp chứa di cốt trong khuôn viên chùa, trên bia tháp chỉ ghi đơn sơ: “Lâm Tế Chánh Tông, Tông Hiến Quang Công, Đại Lão Hòa thượng”.

Theo định ước và truyền thống của chư Tôn thiền đức trong Tông môn pháp phái, hàng đệ tử, đệ tôn truyền thừa thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ tại tổ đình Giác Lâm cứ vào những ngày đầu tháng Chạp âm lịch hàng năm lại cùng nhau vân tập về Tổ đình để làm lễ tưởng niệm ngày viên tịch Tổ sư Tổ Tông – Viên Quang và Tảo tháp chư vị tiền bối Trụ trì các đời.

Kế thừa


Cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư Viên Quang có thể xem là vị Tổ có công đầu trong việc đặt nền móng cho Phật giáo Nam Bộ. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp đó, đệ tử của Tổ sư đã làm vẻ vang Phật giáo Việt Nam gần 2 thế kỷ qua như: Thiền sư Tiên Giác Hải Tịnh được thỉnh làm Tăng Cang thời vua Gia Long; tiếp nối truyền thừa là Thiền sư Minh Khiêm có đệ tử Thiền sư Như Hiển Chí Thiền (Tổ đình Phi Lai, An Giang), cùng nhiều vị Tôn đức Hòa thượng khai sơn và trụ trì nhiều tự viện trên toàn vùng Nam Bộ.

Tham khảo


  • Sách “Thiền uyển tập anh”, Lê Mạnh Phát, Viện nghiên cứu Phật học, Nhà xuất bản Văn học, năm 1990
  • Sách “Thiền sư Việt Nam”, Thích Thanh Từ, DL 1999 – PL 2543
Chấm điểm
Chia sẻ
Thiền Sư Tổ Tông Viên Quang

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)