Tên gọi và vị trí địa lý
Chùa Cát Linh là tên gọi theo địa danh làng Cát Linh trước đây, nay là số nhà 27, phố Cát Linh, phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Thời Nguyễn, đây nguyên là đất thôn An Trạch, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Chùa có tên chữ là Phổ Quang tự, thờ Phật theo phái Đại Thừa.
Lịch sử và nhân vật
Chùa Phổ Quang được xây dựng từ đời Hương Vân Đại Đầu Đà Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và được Đệ Tam Tổ Huyền Quang trụ trì. Cho đến đời vua Lê Thái Tông vào năm 1440, chùa được khôi phục và phát triển, trở thành danh thăng của đất nước.
Quả chuông “Phổ Quang tự chung” niên hiệu Gia Long 12 (1813) có bài văn ghi nội dung như sau:
Phổ Quang Tự tích Trần Triều Tam Tổ Trúc Lâm phái Lưu Thử, Hồng Lê Triều Thái Tông tăng tự thạch chi trấn quốc trung nhất đại danh lam dã.
Dịch nghĩa:
Chùa Phổ Quang là di tích lịch sử Triều Trần do Tam Tổ phái Trúc Lâm để lại. Đến Triều đình Hồng Lê đời vua Thái Tông đã chỉ dụ tu bổ tôn tạo chính là đại danh lam chung của đất nước.(1)
Chùa Cát Linh có nhiều đóng góp cho cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, với vị thế chiến đấu quan trọng, chùa trở thành điểm tựa tinh thần cho tăng ni, phật tử, người dân, trở thành nơi quân dân thủ đô đồn trú tự vệ.
Kiến trúc cảnh quan
Chùa Cát Linh trước đây vốn là một danh lam thắng cảnh trong vùng và được mô tả trong bài minh ghi trên quả chuông đồng đúc năm Gia Long 12 (1813) như sau:
Chùa là nơi danh lam thắng cảnh của trời Nam, người người đều biết đến. Vườn chùa có 32 ngọn tháp Phật, gác chuông, Tiền đường, Thượng điện, hành lang.(2)
Chùa trước đây xây dựng theo lối kiến trúc cổ, làm toàn bằng gỗ quý, bao quanh có vườn bãi ruộng ao, là nơi nhập tháp 23 vị Hòa thượng cao tăng trụ trì viên tịch tại chùa. Trải qua hàng trăm năm tồn tại với nhiều biến cố, cảnh chùa dần dần bị hủy hoại nghiêm trọng. Đến năm Gia Long thứ 12 (1813), chùa Cát Linh mới được Hòa Thượng Thiền Sư chùa Trấn Quốc đứng ra tiếp dẫn Phật pháp, đảm nhiệm công việc đại trùng tu tôn tạo lần thứ nhất và đúc Đại hồng chung Phổ Quang.
Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), Hòa thượng Thiền sư Giác Địa trụ trì vận động Phật từ thập phương phát tâm bồ đề, trùng tu cảnh quan chùa đẹp hơn xưa. Ngài đúc thêm Cát Linh Đại hồng chung, khánh thành chùa vào tháng 8/1848.
Năm 1946, bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, thực dân Pháp đã phá hủy toàn bộ khuôn viên chùa, chỉ còn lại một số pho tượng Phật và hai quả Đại hồng chung.
Tới năm 1952, chùa Linh được tôn tạo xây dựng lần thứ ba trên nền chùa cũ nhỏ hơn và hoàn tất ba năm sau đó. Vị sư tổ cuối cùng của chùa là Hòa thượng Thiền sư Thích Tâm Tiếp. Khi ngài viên tịch đã nhập tháp khắc bia tại chùa Mễ Trì Thượng (Từ Liêm, Hà Nội).
Từ năm 1955, chùa vắng bóng sư trụ trì, lại bị ảnh hưởng bởi bom đạn oanh tạc trong chiến tranh nên dần dần xuống cấp nghiêm trọng.
Vào những năm 70, khuôn viên chùa được trưng dụng xây dựng trường mầm non, Tiểu học và Phổ thông cơ sở Cát Linh. Đến năm 1990, thể theo nguyện vọng của nhân dân, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc đã mời Ni sư Diệu Tâm về trụ trì chùa. Từ đây, công trình đại trùng tu đạt thành tựu to lớn.
Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh về tổng thể. Đến năm 2007, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự ủng hộ của nhân dân, chùa Cát Linh được trùng tu tôn tạo lại toàn bộ. Chùa hiện nay có bố cục kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm: Tiền đường và Thượng điện, nhà thờ Tổ, thờ Mẫu phía sau chùa, sân gạch phía trước.
Tiền Đường gồm 5 gian, xây tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, bộ khung gồm 6 bộ vì gỗ kết cấu kiểu “Thượng giá chiêng chồng rường, hạ cốn rường, bẩy hiên” trên mặt bằng 4 hàng chân cột. Phía trước 3 gian mở bức bàn được chạm trổ hoa thị, chữ “Thọ”, tùng, trúc, cúc, mai, rồng lá; phía trên để trấn song con tiện nhằm tạo sự thông thoáng.
Chùa có khoảng hiên rất rộng, các cột hiên bằng đá có tiết diện hình vuông, bốn mặt cột chạm nổi rồng lá, cánh sen, vân mây, long mã hà đồ. Gian hồi bên phải treo quả chuông lớn.
Phần lan can làm bằng đá xanh, chạm trổ hoa cúc mãn khai. Các trụ đỡ lan can đều trang trí hình búp sen gắn với nhà Phật tạo cảm giác thanh tịnh và tao nhã. Chạy dọc 5 gian Tiền Đường treo 5 bức Hoành phi, dưới là Cửa võng và Câu đối lòng máng. Hai gian bên Tiền Đường có tượng Khuyến Thiện, Trừng Ác, tượng Đức Ông – Diệm Nhiên – Đại Sĩ và tượng Thánh Tăng.
Thượng Điện ở phía sau chùa, gồm 2 gian nhà dọc. Kết cấu bộ vì gỗ theo kiểu “Thượng giá chiêng, hạ cốn”. Sát tường hậu xây các bục cao để bài trí tượng Phật:
- Trên cùng là 3 pho Tam Thế Phật
- Hàng thứ hai là bộ tượng A Di Đà – Quan Thế Âm – Đại Thế Chí
- Hàng thứ 3 là Toà Cửu Long và tượng Thích Ca Sơ Sinh
- Hàng thứ tư là tượng Quan Âm Chuẩn Đề, hai bên là Địa Tạng và Mục Liên.
Khu nhà Tổ gồm 5 gian. Đây vừa là nơi thờ các vị sư Tổ, vừa là nơi tiếp khách của nhà chùa. Gian giữa đặt tượng đức Bồ Đề Đạt Ma, gian trái thờ các vị Sư Tổ đã viên tịch. Trang trí trong nhà Tổ khá đậm đặc thể hiện ở các bức Hoành phi, Cửa võng, Hương án, Sập thờ, Câu đối… được sơn son thếp vàng lộng lẫy, tạo cảm giác uy nghiêm và tráng lệ.
Nhà Mẫu có quy mô khiêm tốn hơn, đây là nơi thờ Mẫu tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh của ngôi chùa thuần Việt.
Hiện vật
Chùa Cát Linh hiện còn lưu giữ bộ sưu tập di vật quý như:
- Một quả chuông đồng niên hiệu Gia Long 12 (1813)
- Một quả chuông niên hiệu Thiệu Trị 5 (1845)
- 35 pho tượng tròn mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX, XX được sơn thếp lộng lẫy các đề tài “tứ linh”, “tứ quý”, vân lá, hoa thị, văn triện…, trong đó có 3 pho tượng bằng đồng
- 13 tấm bia hậu Phật niên hiệu thời Nguyễn
- Bát hương gốm men lam, hoành phi, câu đối…
Sự kiện và lễ hội
Nằm trong vùng đất có nhiều di tích lịch sử – văn hóa nổi tiếng, như: Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bích Câu Đạo Quán, chùa An Quốc… chùa Cát Linh là một trong những địa chỉ được người dân Hà Thành thường xuyên lui tới chiêm bái, lễ Phật cầu an sau những ngày lao động vất vả.
Chùa có những ngày lễ quan trọng như lễ Phật Đản (8/4 âm lịch), lễ Vu Lan (15/7 âm lịch),…
Xếp hạng
Chùa Cát Linh đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật năm 2003.
Chú thích
- Tuệ Minh, Chùa Phổ Quang – Cát Linh: công trình Phật giáo gắn liền với nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số ra ngày 1/11/2020.
- TS. Lưu Minh Trị (chủ biên), Hà Nội Danh thắng và Di tích, tập 02, Nxb Hà Nội, 2010.
_____________________________________
Các ngôn ngữ khác
Tiếng Anh (English)
Cat Linh Pagoda, or Pho Quang Pagoda, is a historical site with an 800-year history in Hanoi. It was built by Truc Lam Yen Tu’s Three Ancestors. The pagoda has undergone various challenges and restoration phases. The previous architecture and landscape included valuable wooden structures surrounded by gardens and ponds. The pagoda played a crucial role in history, from protecting the capital to undergoing significant renovations. After dedicated efforts from Buddhists and Nun Dieu Tam, the pagoda has become a harmonious blend of ancient and modern, recognized as a historical monument.
Tiếng Trung (Chinese)
喀特灵寺,或称佛广寺,是位于河内的一个有着800年历史的历史古迹。由越南元宵传统食品Truc Lam Yen Tu的三祖建造。该寺经历了各种挑战和修复阶段。之前的建筑和景观包括由名贵木材制成的结构,四周环绕着花园和池塘。该寺在历史上扮演了关键角色,从保护首都到经历重大翻新。在佛教徒和Diệu Tâm尼姑的共同努力下,该寺成为古老和现代的和谐结合,并被认定为历史文化遗产。
Tiếng Pháp (French)
La pagode Cát Linh, ou la pagode Pho Quang, est un site historique vieux de 800 ans à Hanoï. Elle a été construite par les Trois Ancêtres de Truc Lam Yen Tu. La pagode a traversé diverses épreuves et phases de restauration. L’architecture et le paysage précédents comprenaient des structures en bois précieux entourées de jardins et d’étangs. La pagode a joué un rôle crucial dans l’histoire, de la protection de la capitale à des rénovations importantes. Après les efforts dévoués des bouddhistes et de la nonne Dieu Tam, la pagode est devenue un mélange harmonieux d’ancien et de moderne, reconnue comme un monument historique.