Vị trí
Đằng sau tháp Báo Nghiêm, xế phía bên phải có một tháp đá nhỏ nhắn, thấp nhưng xinh xắn nằm ẩn dưới tán của những cây hồng xiêm.
Lịch sử
Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về chủ nhân của ngôi tháp Mộ này. L. Bezacier thì cho rằng “tháp có lẽ đựng di hài của nhà sư đương thời” và “nó cũng thuộc thể thức cây tháp thế kỷ 17”. Những người cao tuổi ở địa phương thì cho rằng đây là ngôi tháp thờ người thợ cả chạm đá trong chùa. Một số nhà nghiên cứu mỹ thuật sau khi nghiên cứu một số am như am Bà Nành ở trên núi phía sau chùa Thầy, am chùa Tổng (Ngải Cầu – Hoài Đức – Hà Tây) đã cho rằng có thể đây là am thờ một người có quyền chức trong xã hội ở thế kỷ thứ XVII là người có công đức lớn trong việc xây dựng chùa Bút Tháp. Có thể nói rằng đó mới chỉ là những giả thuyết, vấn đề này còn đang được bỏ ngỏ cân tiếp tục nghiên cứu thêm.
Kiến trúc
Tháp giống như một ngôi mộ, được ghép bằng những phiến đá xanh, nên chúng tôi tạm gọi là tháp Mộ. Tháp có bình đồ hình vuông, mỗi cạnh dài 1,75m, được xây giật cấp thành hai cấp, cấp thứ hai nhỏ hơn, kích thước mỗi chiều 1,32m. Trên mặt nền của tầng cấp thứ hai được xây giật cấp một đài sen úp vuông có hình mui luyện trang trí bằng những vân xoắn tương tự như các vân xoắn trang trí trên bia ở hai nhà bia trước Tiền đường và trên một số bức chạm ở lan can quanh thượng điện cũng như trên lan can cầu đá. Phần cuống của đài sen úp đặt một hồ lô giống như hồ lô dựng trên đỉnh tháp Tôn Đức. Cấu tạo của hồ lô này gồm: phía dưới là một thớt đá tròn dẹt, phía trên thớt dẹt này là một khối tròn căng và miệng hồ lô thon nhẹ vút lên. Toàn bộ tháp cao 1,7m, riêng phần hô lô cao 1,0m.
Tham khảo
- Sách Chùa Bút Tháp – Tác giả: Bùi Văn Tiến