Vị trí
Phía sau nhà Hậu đường có ba ngọn tháp đứng song hàng. Ngọn tháp đứng ở giữa, to cao, bề thế nhất là tháp Tôn Đức, nơi yên nghỉ của thiền sư Minh Hành.
Lịch sử
Tháp Tôn Đức được xây dựng theo yêu cầu của Chính cung Hoàng Thái Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc vào tháng 11 năm Canh Tý, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3, (1660) và đệ tử của thiền sư Minh Hành là tỳ khưu ni Diệu Tuệ đã cho xây dựng bia đá vào tháng 11 năm Giáp Dần, niên hiệu Đức Nguyên thứ nhất (1674) để tôn cao công đức của sư phụ.
Kiến trúc
Toàn bộ ngôi tháp được dựng bằng đá xanh, gồm có một khám thờ, 4 tầng tháp và phần chóp mái với chiều cao toàn bộ là hơn 10m, đặt trên một nền lát đá hình vuông có kích thước 3,56m X 3,56m. Tháp có cấu trúc vuông, các tầng tháp được thu nhỏ từ dưới lên trên. Phần chân đế tháp có hai bệ sen được chạm khắc theo kiểu cánh sen nhìn nghiêng, cách điệu. Hai tầng bệ cánh sen này được đặt ngược chiều nhau, ở giữa là một khối vuông đứng thành, bốn góc đế tháp chạm 4 đoạn gióng trúc. Nhìn toàn bộ đế ta thấy nó như một đài sen vuông nâng đỡ các tầng tháp. Tầng 1 của tháp là một khám thờ, trong có đặt tượng thiền sư Minh Hành bằng đá ngồi trên bệ một đài sen vuông. Trần khám là một phiến đá chạm kỹ và đẹp một hình mặt trời ở chính giữa, xung quanh là các đao lửa và vân xoắn giao nhau như biểu tượng của một bầu trời đầy mây. Cửa khám hình vòm có kích thước 99cm X 70cm.
Phân cách các tầng là những diềm mái được tạo bởi các thanh đã đẽo vát hai đầu rất khéo giống như những đầu đao. Từ tầng ba trở lên, ở góc mũi dao có lỗ để treo chuông khánh như ở tháp Báo Nghiêm, và cũng như ở tháp Báo Nghiêm, hiện nay ở đây không còn một chiếc chuông hay khánh nào. Mặt chính diện tầng 2 có chạm tên của tháp và niên đại dựng tháp theo lối viết từ trên xuống. Ở tầng 3, cả bốn mặt đều có biển khắc chữ Phật (佛) khổ lớn, nét chữ rất đẹp và cân đối.
Hai tầng trên tiếp theo không có trang trí gì, đỉnh thấp là một bầu nước cam lồ đặt trên một khối trụ hình chóp nón cụt. Trên thân tháp, ở mặt sau có khắc bài văn bia: “Sắc dựng tháp Tôn Đức”. Nội dung bài văn khắc cho ta biết được rằng tháp được xây dựng để thờ Chính Giác Đại đức thiền sư hóa thân bồ tát, pháp danh là Minh Hành, người họ Hà, ở phủ Kiến xương tỉnh Giang Tây nước Đại Minh (Trung Quốc). Ngoài ra, trên thân tháp còn ghi rất nhiều tên người và tiền, ruộng cúng vào chùa.
Tham khảo
- Sách Chùa Bút Tháp – Tác giả: Bùi Văn Tiến