Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Định)

Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Định)

Thông tin cơ bản

Vị trí

Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Keo Hành Thiện, gồm Chùa Keo trong (Thần Quang tự), Chùa Keo ngoài (Đĩnh Lan tự), thuộc làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Lược sử

Chùa Keo trong (Thần Quang tự)

Chùa tọa lạc trên một khu đất rộng hơn 1ha tại làng Hành Thiện, quay hướng Nam, xung quanh có sông bao bọc; là một tổng thể phức hợp của các đơn nguyên kiến trúc phân bổ theo một trật tự nhất định trên một khuôn viên hình chữ Nhật kiểu “nội công, ngoại quốc”; mặt bằng các công trình được cân đối theo một trục dọc – đường thần đạo, bao gồm: Tam quan ngoại, Tam quan nội kiêm gác chuông, phủ Mẫu, hành lang, chùa Phật, đền Thánh, nhà ký đồ, nhà Tổ, nhà oản, nhà bếp…

  • Tam quan ngoại: xây kiểu tường hồi bít đốc, dài 7,60m, rộng 6,90m, cao 5,60m, gồm 3 gian: gian giữa rộng 3,30m, hai gian bên rộng 2,15m;  được xây dựng lại vào đầu thế kỷ XX.
  • Tam quan nội kiêm gác chuông: được xây sát đường đi, gần hồ nước. Đề tài rồng là chủ đạo, được trang trí tại các đầu dư với nghệ thuật chạm bong kênh. Đề tài hoa sen ở diềm tầng mái trên, chạm nổi kết hợp với hình tượng cúc mãn khai; vân xoắn trên các thân rường và đầu bẩy.
  • Chùa Phật: cách Tam quan nội một khoảng sân gạch, kết cấu theo kiểu chữ “Công” gồm 3 toà: Tiền đường 5 gian, Thiêu hương 3 gian, Thượng điện 3 gian mái cong. 
  • Đền Thánh: cách tường hậu Thượng điện chùa Phật một khoảng sân rộng hơn 10m. Đền cũng kết cấu theo kiểu chữ “Công”. Đề tài chạm khắc ở đây phong phú: rồng, lân, hoa cúc – mặt trời, phượng, vân xoắn, sừng tê ngọc báu, tứ linh, tứ quý… mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII.
  • Nhà Ký đồ: nằm sát ngay sau đền Thánh, trước nhà Tổ, nhà oản và nhà bếp. Nhà là nơi để các đồ lễ và các vật dụng chủ yếu phục vụ cho lễ hội, có mặt bằng hình chữ Nhật, dài 7,50m, rộng 5,21m, gồm 3 gian.
  • Hành lang: gồm hành lang tả và hữu, đăng đối qua trục thần đạo, đối xứng hai bên chùa Phật, đền Thánh, nhà Ký đồ, mỗi dãy có 38 gian, nối liền từ Tam quan nội kiêm gác chuông, dọc theo chiều sân.
  • Nhà Tổ: nối vuông góc với hành lang hữu và nhà oản, nhà bếp. Cùng với nhà oản, nhà bếp. Nhà Tổ có mặt bằng hình chữ Nhật, gồm 3 gian, dài 6,30m, rộng 6,10m. Nền nhà Tổ chung một cấp với hành lang, lát gạch bát theo mạch chữ Công.
  • Phủ Mẫu: nằm phía ngoài Tam quan nội kiêm gác chuông, sát cổng phía Tây, được dựng lại vào đầu thế kỷ XX.
  • Nhà khách: sát với phủ Mẫu, 5 gian, dài 11,50m, rộng 4,75m, kết cấu đơn giản theo lối tường hồi, bít đốc.
  • Nhà trải: nằm trong khuôn viên sân, vườn, gồm 10 gian, dài 38m, rộng 4,70m, xây theo lối tường hồi, bít đốc.

Chùa Keo ngoài (Đĩnh Lan tự)

Chùa Keo ngoài, hay còn gọi là Đĩnh Lan tự, không chỉ là nơi thờ Phật mà còn là điểm thờ Bồ tát Quan Âm Nam Hải. Chùa được xây dựng sau chùa Keo trong, bắt đầu từ năm Đinh Mùi (1778) theo Hành Thiện xã chí. Trong triều Nguyễn, vào niên hiệu Minh Mệnh 13 (1832), dân làng đã xây gác chuông. Năm Tự Đức thứ 18 (1865), Phó bảng Đặng Kim Toán, người làng Hành Thiện, làm Án sát Ninh Bình, đã trùng tu chùa với quy mô lớn. Năm Tân Sửu, niên hiệu Thành Thái 13 (1901), Tri huyện Nguyễn Ngọc Quỳnh, người làng Hành Thiện, cùng dân làng đã xây thêm hai dãy hành lang. Năm Đinh Mùi, niên hiệu Duy Tân nguyên niên (1907), quan huyện Nguyễn Đôn Thi hưng công sửa cây đèn và gác chuông. Đến năm Mậu Ngọ, niên hiệu Khải Định 3 (1919), ông lại hưng công làm mái cúng trước chùa và Nhà thờ Tổ.

Chùa Keo ngoài đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo từ năm 1990, bao gồm trùng tu Hành lang phía Đông (1990), Hành lang phía Tây (1994), Gác chuông, xây cổng, tường và cây đèn (2000), và xây kè hồ nước phía trước chùa (2004).

Chùa này nằm trên khuôn viên diện tích 1 mẫu Bắc Bộ, hướng về Đông Bắc, với kiến trúc mặt bằng theo kiểu “nội công, ngoại quốc”. Các công trình chính bao gồm Tam quan, Tả/hữu hành lang, Chùa chính, gác chuông và nhà Tổ, với Chùa chính và gác chuông được đánh giá cao về giá trị kiến trúc nghệ thuật.

Chùa chính có mặt bằng theo kiểu chữ Công, với Tiền đường, Thiêu hương, và Thượng điện. Tiền đường có khung bằng gỗ lim, mỗi vì gồm 2 cột cái và 2 cột quân. Thiêu hương và Thượng điện kế tiếp, cũng được xây dựng với kiến trúc chồng rường và nối liền với nhau thông qua hệ thống cửa.

Gác chuông, nằm phía sau Thượng điện, được xây trên nền đất cao hình chữ Nhật và có cấu trúc chồng diêm 2 tầng 8 mái. Phần chịu lực chính của công trình đặt vào 2 cột cái và 10 cột quân.

Trang trí của chùa tập trung vào các vị trí ở phía trên các khung đố lụa của vách thuận, với các đề tài như mặt trời, rồng, đao mác… mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ XVIII.

Giá trị lịch sử

Khu di tích chùa Keo Hành Thiện là một tổng thể các công trình kiến trúc có quy mô lớn, được xây dựng đăng đối, mang đậm phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, thế kỷ XVII – XVIII. Sự tồn tại của chùa Keo góp phần minh chứng cho lịch sử hình thành và phát triển của tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam. Chùa Keo có giá trị kiến trúc nghệ thuật, trang trí điêu khắc cao, thể hiện bàn tay lao động cần cù và khối óc sáng tạo của những công trình sư và nghệ nhân dân gian, góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Hàng năm, tại chùa Keo Hành Thiện diễn ra nhiều ngày lễ liên quan đến Phật, Đức Thánh tổ, các vị thần làng, hậu thần được thờ phụng tại đây, trong đó có 2 kỳ lễ trọng diễn ra vào mùa Xuân và mùa Thu. Lễ hội mùa Xuân được tổ chức vào 2 dịp: tháng Giêng đối với chùa Keo trong và tháng Hai đối với Chùa Keo ngoài, với các nghi thức: dâng hương, rước kiệu, yến lão và trò chơi thổi cơm thi… Lễ hội mùa Thu được tổ chức vào trung tuần tháng Chín Âm lịch, đây là kỳ lễ hội lớn nhất trong năm để kỷ niệm ngày sinh của Đức Thánh tổ Dương Không Lộ. Tại lễ hội diễn ra nhiều nghi thức và trò chơi dân gian đặc sắc như: phụng nghinh, bơi trải, phục miều y, dựng phướn, rước đèn, Thánh đản, múa rối, chèo cạn, cờ tướng, cầu đu, chọi gà, làm bánh dày…

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Keo Hành Thiện, gồm Chùa Keo trong và Chùa Keo ngoài (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016.

 

5/5 (2 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)