Ông Hoàng Bảy là ai?
Ông Hoàng Bảy còn có tên gọi khác là Ông Hoàng Bảy Bảo Hà là vị thánh hoàng thuộc Nhạc Phủ, thuộc hàng vị thứ 7 trong Thập vị Quan Hoàng thuộc hệ thống thần linh Tứ Phủ. Các huyền tích của ông gắn liền với nơi thờ ông là đất Bảo Hà, Lào Cai.
Thần tích
Truyền thuyết dân gian kể rằng, ông là con Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình. Theo lệnh vua, ông giáng hạ phàm trần, trở thành con trai thứ bảy trong danh tộc họ Nguyễn, vào cuối thời Lê. Tên huý của ông là Nguyễn Hoàng Bảy, là vị quan triều đình trấn giữ vùng Lào Cai – Yên Bái.
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, Bảo Hà có một vị trí quan trọng trong tuyến phòng thủ biên giới, là cửa chạm của phòng tuyến sông Hồng phía Tây Bắc. Từ đời nhà Trần đã đặt hai cửa trấn ải là cửa Bảo Thắng và Bảo Hà, trong đó Bảo Hà là hậu cứ của Bảo Thắng. Tại đây có đài Hỏa Hiệu – trạm liên lạc thông tin cho các châu, huyện phía dưới. Giữa niên hiệu Cảnh Hưng, Bảo Hà là trung tâm Châu Văn Bàn. Trong thời Cảnh Hưng (1740 – 1786), các châu Thuỷ Vĩ, Văn Bàn thuộc Lào Cai bây giờ và nhiều nơi khác thuộc phủ Quy Hoá luôn bị bọn giặc phương Bắc tràn sang quấy nhiễu, cướp bóc. Xã Khấu Bàn, châu Văn Bàn đã phải xây dựng các thành lũy chống giặc.
Trước cảnh dân chúng đau thương tang tóc, tình hình giặc giã biên cương khuấy đảo, tướng Nguyễn Hoàng Bảy được triều đình giao trọng trách lên trấn thủ vùng Quy Hóa, khởi binh dẹp loạn vùng biên ải. Ông cùng ông Hoàng Đôi dẹp bình vùng lục thuỷ dọc sông Hồng trước mặt đền Bảo Hà bây giờ, đánh đuổi quân giặc, giải phóng cho Văn Bàn, củng cố xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Tại đây, Hoàng Bảy đã tổ chức các thổ ti, tù trưởng luyện tập binh sĩ, sau đó thống lĩnh quân thuỷ và quân bộ đánh giặc ở Lào Cai, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hoá (thuộc Yên Bái, Lào Cai ngày nay). Tại đất Bảo Hà, ông thống lĩnh lục thủy, đánh đuổi quân giặc về vùng Vân Nam, sau đó ông chiêu dụ các thổ hào địa phương đón người Dao, người Thổ, người Nùng lên khẩn điền lập ấp.
Trong một trận chiến đấu không cân sức, Ông Bảy bị giặc bắt, chúng tra khảo hành hạ dã man, nhưng ông vẫn một lòng kiên trung, quyết không đầu hàng. Cuối cùng, không làm gì được, chúng sát hại ông rồi mang thi thể vứt xuống dòng sông Hồng. Kì lạ thay, di quan của ông dọc theo sông Hồng, trôi đến phà Trái Hút, Bảo Hà, Lào Cai thì dừng lại. Nhân dân địa phương đưa xác ông lên, đưa vào đồi Cấm trong lòng thương xót ngậm ngùi.
Có sự tích kể rằng, khi ông bị giặc sát hại, thì trời bỗng chuyển gió, mây vần vũ, kết lại thành hình thần mã (ngựa), từ thi thể ông phát ra một đạo hào quang, phi lên thân ngựa, đến Bảo Hà thì dừng lại, trời bỗng quang đãng, mây ngũ sắc kết thành hình tứ linh chầu hội. Nhiều người cho rằng, nhiệm vụ của ông được vua cha giao phó đã mãn hạn nên ông trở về tiên giới kề cận vua cha.
Sau này khi hiển linh ông được giao quyền trấn giữ đất Lào Cai, ngự trong dinh Bảo Hà, đến lúc này ông nổi tiếng là một Ông Hoàng không chỉ giỏi kiếm cung mà còn hết mực hộ quốc an dân, ông luôn khuyên bảo nhân dân phải ăn ở có nhân có đức, tu dưỡng bản thân để lưu phúc cho con cháu. Triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị sắc tặng ông danh hiệu “Trấn An Hiển Liệt” và các triều vua nhà Nguyễn khác tôn ông danh hiệu: “Thần Vệ Quốc Quan Hoàng Bảy Bảo Hà”. Còn đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao… thì tôn thờ ông là vị nhân thần. Ông đi vào cõi tâm linh các dân tộc và hiện thân trong các lễ hội xuống đồng vào ngày Thìn tháng Giêng, hóa thánh vào hệ thống Thánh Hoàng trong Tín ngưỡng Thờ Mẫu.
Tiếng oan Quan Hoàng Bảy cũng bởi lòng trần.
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, Quan Hoàng Bảy là vị nam thần quan trọng, thường hay ngự đồng và được lệnh Mẫu Vương đi chấm lính nhận đồng, răn dạy trần gian đức độ, phụng sự cần mẫn việc Thánh. Ông phù trì cho những ai tâm đức được hạnh phúc, may mắn trong cuộc sống.
Thế nhưng, hiện nay khi nhắc đến Quan Hoàng Bảy, một số bộ phận người lại suy diễn rằng ông là vị Thần chuyên cho số lô đề, cá cược. Vậy nên, không ít người rỉ tai nhau về việc về Bảo Hà lễ ông xin “cái lộc số má” cho may mắn với ước vận đổi đời.
Tại đền Bảo Hà, không khó nghe những lời khấn râm ran rằng: “xin ông cho con số lô hôm nay được trúng”, hay những vấn hầu giá Quan Hoàng Bảy lần lượt lên “xin lộc đánh đề”.
Mặt khác, nhiều người cho rằng những ai có “căn ông Hoàng Bảy’ thì rất phong lưu, đa tình vì khi xưa ông vốn bậc phong lưu nhất mực. Hoặc nhiều người đào hoa cũng nhận rằng mình “được lộc Quan Hoàng Bảy”. Sự thêu dệt này khiến hình ảnh Quan Hoàng Bảy trong tâm thức người dân bị méo mó, từ một vị Thần Vệ Quốc của miền sơn cước bị thành ra tiếng oan là Thần cho lộc lô đề. Đó là sự bất kính, kệch cỡm, mê tín và phi văn hóa.
Một điều đặc biệt, nhiều người lần đầu đến đền Bảo Hà cũng không khỏi ngỡ ngàng khi thấy biển đề “Cấm mang thuốc phiện vào đền” treo từ cổng đến chính điện. Thời gian trước, một số báo đã phản ánh về việc nhiều cửa hàng cạnh đền Bảo Hà bán thuốc phiện “trộm” cho những ai có nhu cầu dâng lễ với mức giá vài triệu.
Họ mang cả thuốc phiện vào đền dâng Quan Hoàng Bảy để mời Thánh lấy lộc, phù hộ cho lộc lô đề, buôn bán. Không hiếm gặp từng đoàn lũ lượt về Bảo Hà để xin lộc ông Bảy mục đích như vậy.
Những dịp tháng 7, đến đền Bảo Hà khó có một chỗ đứng đẹp để chúng ta thư thái để chiêm nghiệm, thăm quan và ngưỡng vọng về vị thần vệ quốc đã có công với dân tộc. Sự đông đúc, chật chội hỗn loạn là điều dễ thấy những ngày này. “Phú quý sinh lễ nghĩa”, người người đến lễ chủ yếu với tâm thế “hối lộ thần linh”, xin lộc lá cho bản thân, chứ mấy ai đi để nhớ và tri ân về vị Thần quan trọng trong tâm linh người Việt. Nhìn những hàng ngựa dài dài chất đầy sân đến nỗi quá tải, đốt vài ngày không hết mới thấy tâm lý “sính lễ” của một bộ phận người dân thực sự báo động.
Trả lại sự linh thiêng cho Quan Hoàng Bảy
Tiếng oan của ông Bảy cũng bởi lòng trần, vì tâm lý sính lễ lộc tiền tài, bổng lộc lười nhác làm ăn mà thêu dệt lên câu chuyện hoang đường về Quan Hoàng Bảy. Vốn dĩ ông là vị Thần Vệ Quốc, trong từng lời văn đều ca ngợi ơn đức của ông. Mặt khác ông còn bảo ban dân chúng “tu nhân tích đức” chứ không hề có chuyện cho lộc lô đề, tình yêu, thuốc phiện như nhiều người đồn đại.
Trong văn có đoạn:
“Chữ cương thường treo cao giá ngọc
Chữ công dung tứ đức khuyên di”.
Hay:
“Ai mất chữ Tâm thời tội phải mang
Lưới trời ở khắp bốn phương
Hại nhân nhân hại khôn đường thoát thân”.
Dân gian truyền lại để có thể thu phục được các thổ ty; tù trưởng thì quan Hoàng Bảy không dùng biện pháp quân sự mà bằng sự thu phục nhân tâm. Để thu phục nhân tâm ông đã chủ động hòa nhập vào cuộc sống của các tù trưởng thổ ty như uống trà; đánh cờ… Sau này, ông cũng chỉ giá ngự về đánh đàn, chơi tổ tôm vào những lúc an nhàn như một thú vui giải trí chứ không hề nghiện ngập. Có lẽ vì vậy mà dần dần hình ảnh ông Hoàng Bảy đã bị lệch lạc thành một vị Thánh ăn chơi, đào hoa với rượu chè, thuốc phiện.
Tuy nhiên, đó là lòng phàm suy diễn, đã đến lúc chúng ta trả lại sự linh thiêng cho ngôi đền Bảo Hà, trả lại tiếng oan của ông Bảy cho những thêu dệt sai lệch. Việc ngài hút thuốc, uống trà, chơi bài nên được hiểu đúng bản chất là một thú vui chứ không phải là một tệ nạn. Muốn hiểu đúng về một vị thánh, một vị nhân thần cần phải đặt họ vào đúng thời đại họ giáng sinh, nơi gốc tích, quê quán mà họ giáng phàm, phong tục tập quán nơi họ sinh sống. Có một điều chắc chắn rằng, ông là một vị Thần Vệ Quốc, cảm hóa và khuyên răn dân chúng bằng sự đoàn kết, tâm đức, từ bi chứ không phải bằng tệ nạn. Ngoài ra, Ngài cũng không hề độ trì hay cho lộc bừa bãi như mọi người vẫn nghĩ.
Nhớ câu Ông Bảy khuyên con người ta:
“Ông Bảy khuyên ai giữ đạo làm người
Ông mới tâu qua Quan Nam Tào cùng Quan Bắc Đẩu
Số mệnh trần gian lão ấu chép biên
Ai mà hiếu thuận thảo hiền
Tu nhân tích đức Ông Bảy chép biên cho thọ trường”.
Căn ông Hoàng Bảy
Sau khi hiển linh, Quan Hoàng Bảy không những nổi tiếng về giỏi kiếm cung mà còn rất phong lưu. Khi an nhàn ông thường ngả bàn đèn, ngồi chơi tổ tôm, xóc đĩa,… Vậy nên rất nhiều người nghĩ ông là vị thánh nghiện thuốc, nghiện cờ bạc,… và lan truyền những thông tin sai lệch làm hạ thấp hình ảnh cao đẹp của ông.
Lý do để giải thích cho việc này là, để thu phục các thổ hào, tù trưởng đoàn kết lại với nhau, ông đã chủ động hòa mình vào cuộc sống của họ như uống rượu, đánh bạc, hút thuốc phiện,… Đây là cách tiếp cận và chiêu dụ họ bằng nhân tâm chứ không phải bằng biện pháp quân sự. Sau này, ông cũng chỉ giá ngự về đánh đàn, chơi tổ tôm vào những lúc an nhàn như một thú vui giải trí chứ không hề nghiện ngập. Ngài vẫn luôn là vị tướng có tài và cũng luôn răn dạy nhân dân phải tu tâm, giữ gìn phúc đức về sau.
Do đó, người ta cũng quan niệm rằng, những người có căn ông Hoàng Bảy có đặc điểm rất rõ là hào hoa phong nhã. Bên cạnh đó, họ cũng sớm giác ngộ tâm linh, lấy đức độ người, khéo cầm kỳ văn xướng, khéo động lòng trắc ẩn, coi tiền danh phù du, xả thân trượng nghĩa….
Thờ phụng
Đền Bảo Hà là nơi thờ chính của danh tướng Hoàng Bảy – người thủ lĩnh vùng sơn cước, mưu lược, tài tình trong điều binh khiển tướng. Đền được lập tại nơi năm xưa di hài của ông lưu lại, nằm ở chân đồi Cấm, bên bờ thượng lưu sông Hồng, ở bên bến phà Trái Hút, thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Đền Bảo Hà có rất nhiều ngày lễ hội, trong đó những ngày lễ chính là:
- Lễ thượng nguyên (Rằm tháng Giêng)
- Lễ tiệc quan tuần tranh (25/5 Âm lịch)
- Lễ hội ngày giỗ – Khánh tiệc ông Hoàng Bảy (17/7 Âm lịch)
- Lễ Tết muộn (Tết tất niên)
Tham Khảo
- Bài văn Ông Hoàng Bảy. https://vanhoatamlinh.com/ban-van-ong-hoang-bay-day-du/
- Truyền thuyết Ông Hoàng Bảy. https://hahoangkiem.com/van-hoa-xa-hoi/truyen-thuyet-ong-hoang-muoi-ong-hoang-bay-trong-tin-nguong-tho-mau-viet-nam-1521.html
- Ông Hoàng Bảy. https://oancotam.com/ong-hoang-bay/
- Đền Ông Hoàng Bảy cầu gì.https://neon.vn/blogs/den-ong-hoang-bay-cau-gi.html
Một bình luận
Xin lộc ngài 0396059819
Xin lộc ngài ạ * sđt con 0396059819