Thiền sư Minh Hành – Tại Tại (1596 – 1659)

Thiền sư Minh Hành – Tại Tại (1596 – 1659)

Thông tin cơ bản

Thân thế

Theo văn bia Sắc kiến tôn đức tháp khoán thạch, Thiền sư có pháp danh Minh Hành, hiệu Tại Tại, được sắc tặng Thành đẳng Chính giác Đại đức Thiền sư hóa thân Bồ Tát. Ngài họ Hà, người phủ Kiến Xương, tỉnh Giang Tây, nước Đại Minh (Trung Quốc). Ngài thuộc phái thiền Lâm Tế, đời 32 (truyền theo bài kệ của Tổ Trí Bảng: “Trí Tuệ Thanh Tịnh, Đạo Đức Viên Minh”). Thiền sư là đệ tử xuất sắc nhất và là người phụ giúp đắc lực của Hòa thượng Chuyết Công (Viên Văn – Chuyết Chuyết) trong việc hoằng dương Phật pháp ở nhiều nơi, nhất là ở Đàng Ngoài.

Hành trình hành đạo

Năm 1630, Thiền sư Minh Hành – Tại Tại theo Hòa thượng Chuyết Công và một số huynh đệ, đạo hữu rời Trung Quốc qua Chân Lạp[1] bằng thuyền, khi người Nữ Chân (Mãn Thanh) đánh người Hán (nhà Minh). Sau một thời gian hoằng hóa ở Chân Lạp, Thiền sư và sư phụ Chuyết Công dùng thuyền đi ra Đàng Trong, có dừng chân ở Quy Nhơn và Thuận Hóa.

Tiếp theo đó ra Đàng Ngoài, ngài ghé chùa Thiên Tượng, ở lưng chừng núi Thiên Tượng, thuộc dãy núi Hồng Lĩnh, xã Vân Xá, huyện Can Lộc, tỉnh Nghệ An. Sau đó, Thiền sư cùng sư phụ và các huynh đệ môn đồ hoằng hóa ở chùa Trạch Lâm. Chùa Trạch Lâm ở xã Trạch Lâm huyện Tống Sơn, trấn Thanh Hóa (nay thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), do bà Nguyễn Thị Ngọc Tú, chính phi của Thanh Đô vương Trịnh Tráng (1623 – 1657) lập. Hiện chùa có thờ tượng Thiền sư Minh Hành và tượng bà Ngọc Tú.

Sách Chuyết Chuyết Tổ sư ngữ lục[2] kể: “Bấy giờ, có vị thương nhân lớn ở kinh thành Thăng Long (lúc đó gọi là Đông Đô) tên là Nguyễn Tề, thỉnh Sư (tức Chuyết Chuyết) đến kinh thành làm lễ cầu siêu cho cha mẹ. Thầy trò bàn kín với nhau, Sư nói: “Đây chẳng phải là việc của chúng ta, nhưng nếu muốn khai quyền hiển thật thì không thể không theo” (ý nói nếu muốn truyền Đạo thì phải ra kinh thành làm việc Tề nhờ). Thế rồi, thầy trò cùng nhau đến kinh thành.”

Các bia Sắc kiến Tôn Đức khoán thạchNinh Phúc thiền tự Tam Bảo tế tự điền bi đều lược ghi về hành trạng của Thiền sư Minh Hành, như sau: “Năm Quý Dậu niên hiệu Đức Long thứ 5 (1633), ngài theo thầy là Thiền sư Phổ Giác[3] sang kinh đô nước Đại Việt đi hành đạo truyền giáo.” Công cuộc truyền bá tông Lâm Tế ở Đàng Ngoài Đại Việt được sự hỗ trợ đắc lực hai người là Chính vương phủ cung tần Trần Thị Ngọc Am[4] và Dũng Lễ công Trịnh Khải, họ là cầu nối với vua Lê và chúa Trịnh. Chuyết Chuyết Tổ sư ngữ lục chép: “Bấy giờ có đức bà lão cung tần giàu có lại mến mộ Phật pháp, xin theo Sư học đạo, lại cho ba cô con gái quy y với Sư. Không lâu thì lại có em trai Thanh vương Trịnh Tráng là Dũng Lễ công Trịnh Khải hâm mộ Thiền học của Sư, bèn sai người rước Sư đến phủ. Trong lúc hỏi đáp, Khải biết Sư là người tinh thâm thấu triệt lẽ huyền vi, biện tài vô ngại, liền bái Sư làm thầy, giữ lễ đệ tử. Khải tuy rất yêu mến Sư, nhưng vẫn còn hoài nghi về đạo pháp của Sư, mới đem tục tình ra thử. Tuy roi vàng giơ lên mà ngựa ý chẳng động, không nhiễm mảy bụi trần. Qua đây, Trịnh Khải mới biết được Sư chẳng phải là hạng tầm thường. Sau đó, Trịnh Khải còn cho con gái theo Sư xuất gia.”

Nơi hai thầy trò Hòa thượng Minh Hành – Tại Tại đến hoằng hóa đầu tiên là chùa Khán Sơn, ở trên núi Khánh Sơn, phía Tây bắc kinh thành Thăng Long. Vào đời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1479), vua thường lên núi này để tuyển duyệt võ nghệ nên núi có tên là Khán Sơn. Sau khi vua Lê Thánh Tông băng hà, đài duyệt võ được đổi lên đền thờ vua và sau sửa thành chùa.

Sau đó Thiền sư Minh Hành – Tại Tại và sư phụ về chùa Phật Tích (Vạn Phúc) trên núi Phật Tích (núi Lạn Kha) thuộc huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc, cách kinh thành Thăng Long khoảng 30km về hướng Đông bắc. Thượng hoàng Lê Thần Tông, chúa Trịnh Tráng, Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, cung phi triều thần đến thọ giáo rất đông. Vua Lê, chúa Trịnh hỗ trợ cho chùa Phật Tích khắc bản gỗ in kinh sách để phổ biến ở Đàng Ngoài. Công việc khắc bản in này có lễ do Thiền sư Tại Tại đứng ra quản lý.

Chúa Trịnh Tráng nhờ Hòa thượng Chuyết Công cử người qua Trung Quốc thỉnh Đại Tạng kinh, Hoa thượng giao cho Thiền sư Tại Tại đi thỉnh kinh. Thiền sư Tại Tại thỉnh kinh về Đông Đô, chúa cho đưa về tàng trữ ở chùa Phật Tích.

Năm 1644, sư phụ viên tịch, Thiền sư Minh Hành – Tại Tai lập tháp thờ Kim thân của Hòa thượng Chuyết Công, đặt tên là tháp Báo Nghiêm. Sau đó, Thiền sư qua trụ trì chùa Ninh Phúc lại cho xây dựng tháp Báo Nghiêm ở chùa Ninh Phúc để làm tháp vong. Tháp được xây cao năm tầng trên đỉnh có mũi nhọn giống đầu ngọn bút lông, nhìn toàn cảnh tháp thấy giống cây bút viết chữ nho nên dân thời đó gọi là chùa Bút Tháp. Năm 1647, tháp Báo Nghiêm được xây dựng xong. Thiền sư Tại Tại nhờ cư sĩ Thanh Nguyên soạn bài minh khắc lên bia tháp để kể về thành trạng và công đức của Hòa thượng Chuyết Công, gọi là Hiển thoại Báo Nghiêm tháp bi minh.

Trong những năm 1645 – 1658, có thể Thiền sư Tại Tại còn hoằng hóa ở chùa Hoa Yên (Vân Yên) trên núi Yên Từ, nhờ đó sư nghiên cứu và tham học thêm kinh sách của phái thiền Trúc Lâm của Đại Việt, kết hợp tinh hoa của hai phái thiền Trúc Lâm và Lâm Tế tạo thành đặc trưng của phái thiền Lâm Tế ở Đàng Ngoài.

Các môn đồ nổi danh của Thiền sư

  • Thiền sư Chân Trú – Tuệ Nguyệt trụ trì chùa Văn Yên trên núi Yên Tử.
  • Đệ nhất Chiêu nghi Trần Thị Ngọc Am (cung tần của chúa Trịnh Tráng), pháp danh là Pháp Giới
  • Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ Thượng hoàng Lê Thần Tông) là con gái của chúa Trịnh Tráng, quy y với Thiền sư Minh Hành – Tại Tại được ban pháp danh là Pháp Tính, biệt hiệu là bà chúa Kim Cương).
  • Công nữ Lê Thị Ngọc Duyên (con của bà Trịnh Thị Ngọc Trúc và Cương Quận công Lê Trụ. Sau khi Lê Trụ mất, bà được chọn làm Hoàng hậu cho vua Lê Thần Tông), cũng quy y với Thiền sư Minh Hành – Tại Tại, được ban pháp danh là Diệu Tuệ.

Những tác phẩm của Thiền sư Minh Hành – Tại Tại

  • Chuyết Chuyết Tổ sư ngữ lục
  • Thánh hiền tương nhược tự, viết năm Khánh Đức thứ 3 (1651)
  • Thánh chúa hiền thần tụng, viết năm Khánh Đức thứ 3 (1651)
  • Trùng san tịnh từ kinh tự, viết năm Quý Tỵ (1653)
  • Sắc kiến Ninh Phúc thiền tự bi ký.

Những bài kệ của Thiền sư Minh Hành – Tại Tại

  • Minh Chân Như Tánh Hài.
  • Kim Tường Phổ chiếu Thông.
  • Chí Đạo Thành Chánh Quả.
  • Giác Ngộ Chứng Chân Không.

Viên tịch

Ngày 25 tháng 3 năm Kỷ Hợi (1659), Thiền sư Minh Hành – Tại Tại viên tịch ở chùa Bút Tháp, thọ 64 tuổi, tháp của ngài được ban tên là tháp Tôn Đức. Chúng đồ lập tháp Tôn Đức thờ sư ở ba chùa: chùa Bút Tháp (trấn Kinh Bắc), chùa Trạch Lâm (Thanh Hóa), chùa Vân Yên (Hoa Yên) trên núi Yên Tử.

Chú thích

[1] Chân Lạp, Chenla hay Zhenla (giản thể: 真腊; phồn thể: 真臘; Hán – Việt: Chân Lạp; bính âm: Zhēnlà; Wade – Giles: Chen-la; tiếng Khmer: ចេនឡា, phát âm: Chơn La) là nhà nước của người Khmer tồn tại trong giai đoạn từ khoảng năm 550 tới năm 802 trên phần phía nam của bán đảo Đông Dương gồm cả Campuchia và một số tỉnh phía Nam của Việt Nam hiện tại.

[2] Chuyết Chuyết Tổ sư ngữ lục là sách viết bằng chữ Hán do Thiền sư Minh Hành Tại Tại và Thiền sư Tuệ Tiến biên tập, ghi về lai lịch, quá trình hành đạo, các bài thuyết pháp của Thiền sư Chuyết Chuyết.

[3] Phổ Giác: Cách gọi khác của đệ tử gọi Chuyết Chuyết sau khi viên tịch, đồng thời là một trong ba mỹ tự được vua Lê Thần Tông phong cho Chuyết Chuyết là: “Phổ Giác – Quảng Tế – Đại đức Thiền sư nhục thân Bồ tát”. Tương tự với mỹ tự “Chính Giác” là Minh Hành, “Hoằng Giác” là Minh Nghĩa, “Mãn Giác” là Minh Lương, “Thiện Giác” là Hương Hải, “Quảng Giác” là Chân Lai, “Giác Tính” là Chân An.

[4] Trần Thị Ngọc Am là Đệ nhị cung tần của Thanh Đô vương Trịnh Tráng. Bà tên thật là Trần Thị Cư (1580 – 1647), quê xã Vũ Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Sau này, bà được ban quốc tính họ Trịnh, dân gian gọi là bà chúa Mụa.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Đại Đồng, “Hành trình truyền bá tông Lâm Tế của Chuyết Chuyết ra Đàng Ngoài”, Giác ngộ online, ngày 05/10/2018.
  2. Thiền sư Minh Hành Tại Tại, Thiền sư Tuệ Tiến biên tập (2017), Chuyết Chuyết Tổ sư ngữ lục, Nguyễn Quang Khải, Thích Nguyên Đạt dịch, Nxb Thanh Hóa.
  3. Ngô Đức Thọ (1990), Thiền Uyển tập anh, Nxb Văn học, Bản ebook Tự viện Quảng Đức.
  4. Ngô Quốc Trưởng (2009), “Về bài kệ truyền pháp của Thiền sư Minh Hành Tại Tại”, Tập san Pháp Luân, số 67, tr. 89.
Chấm điểm
Chia sẻ
Thiền sư Minh Hành - Tại Tại

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner app chỐn thiÊng 3 (60x90)